Tài nguyên hút đi, hiểm nguy để lại

Trong quá trình khai thác tài nguyên khoáng sản, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tối đa để đào, bới nhằm tận thu để bù vào chi phí mà mình đã đầu tư trước đó.

Thế nhưng, sau khi đã rút ruột khoáng sản, nhiều điểm mỏ vẫn không được hoàn thổ, phục hồi môi trường theo quy định. Thực trạng này đang diễn ra trên địa bàn Nghệ An khiến nguy cơ tai nạn cho người dân địa phương còn diễn ra khá phổ biến.

Thờ ơ với hoàn thổ mỏ

Theo quy định của pháp luật về bảo vệ, khai thác khoáng sản, doanh nghiệp sau khi được cấp quyền khai thác phải cam kết hoàn thổ mỏ, cải tạo môi trường. Bên cạnh đó, trước khi được cấp phép khai thác, các chủ mỏ phải ký một khoản quỹ nhất định để “ràng buộc” về mặt tài chính lẫn trách nhiệm cho công tác hoàn thổ mỏ sau này. Mặt khác, trong các đề án xin cấp phép khai thác, phương án hoàn thổ cải tạo môi trường cũng đã được đưa vào để thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền.

Việc hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường tại các điểm mỏ khai thác khoáng sản ở Nghệ An đang bị bỏ ngỏ

Tuy nhiên, quy định là vậy nhưng nhiều chủ mỏ vẫn cố tình chây ì, trốn tránh trách nhiệm sau khi đã khai thác hết trữ lượng khoáng sản trong phạm vi đã được cấp có thẩm quyền cho phép. Điều này đã khiến cho nhiều nhiều điểm mỏ trở thành cái bẫy chết người ở các địa phương trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua.

Qua thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An thì hiện nay trên địa bàn có khoảng gần 150 điểm mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác hoặc ngừng hoạt động. Và, số điểm mỏ này phải làm thủ tục đóng cửa để cải tạo phục hồi môi trường theo cam kết ban đầu.

Đáng quan tâm là số lượng các doanh nghiệp là chủ mỏ nói trên thực hiện hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường ở Nghệ An chỉ điểm được trên đầu ngón tay. Số còn lại, sau khi khai thác, tận thu xong đều bỏ mỏ chạy lấy người.

Riêng tại huyện Quỳ Hợp, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” khoáng sản của tỉnh Nghệ An thì tình trạng hoàn thổ mỏ sau khai thác vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Bởi hiện nay trên địa bàn Quỳ Hợp có 20 mỏ hết phép khai thác thì đã có tới 8 mỏ chưa hoàn thổ mặt bằng, số còn lại xin gia hạn thời gian khai thác. Còn tại huyện Diễn Châu hiện nay cũng đã có 6/8 mỏ khoáng sản đã hết thời hiệu khai thác nhưng chủ mỏ vẫn không hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường.

Thực trạng mỏ khoáng sản hết hạn khai thác nhưng không chịu hoàn thổ, cải tạo môi trường diễn ra khá phổ biến tại các địa phương như: Thị xã Hoàng Mai và các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương… Thậm chí, nhiều chủ mỏ khi bị kiểm tra, có giải pháp mạnh thì lại xin gia hạn để tiếp tục khai thác dưới vỏ bọc đang hoàn thổ môi trường.

Hiểm nguy “bẫy” tử thần

Không thực hiện công tác cải tạo phục hồi môi trường kịp thời, cố tình trốn tránh trách nhiệm, nhiều chủ mỏ trên địa bàn Nghệ An đã “bỏ quên” hoàn thổ mỏ khiến tính mạng của người dân đang bị đe dọa từng ngày.

Chỉ tính từ đầu năm 2019 trở lại đây, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, nơi tập trung nhiều mỏ đá trắng, quặng thiếc… liên tục xảy ra những vụ tai nạn thương tâm do người dân bị vùi lấp ngay những mỏ khoáng sản chưa được hoàn thổ. Rõ nhất là từ tháng 3 trở lại đây, trên địa bàn Quỳ Hợp đã xảy ra 02 vụ người dân đi mót quặng tại các mỏ đã được yêu cầu ngừng khai thác, đóng cửa mỏ cướp đi sinh mạng của 4 người dân vô tội.

Cụ thể, vào chiều 13/3, khi đang tham gia mót quặng thiếc ở khu vực suối Bắc, trên dãy núi Lan Toong thuộc xã Châu Hồng, 3 nạn nhân xấu số người dân địa phương là Sầm Thị Hải (sinh năm 1987), Lương Văn Tuấn (sinh năm 1977), Lương Thị Hảo (sinh năm 1982) đã bị vùi lấp. Theo người dân địa phương kể lại, đây là khu vực mỏ được đào bới nham nhở rồi chủ mỏ rút máy móc, phương tiện đi suốt gần 3 năm nay không khai thác nữa. Tuy nhiên, sau mỗi trận mưa xuống, người dân ở đây lại liều mình ngụp lặn, chui vào các hang sâu mà chủ mỏ trước kia để lại nhằm mót quặng kiếm kế sinh nhai.

Kế tiếp, vào chiều ngày 5/4, cũng tại khu vực mỏ thiếc Thung Khoong, thuộc xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An khi một nhóm người cùng trú tại xã Châu Hồng đi qua khu vực này thì chị Lô Thị Huế, SN 1984, trú bản Poòng và chị Vi Thị Hương, trú bản Na Hiêng, bị tụt xuống hố bùn thải tử vong.

Đây mới chỉ 02 trong số không ít vụ người dân bị rơi vào “bẫy” các hầm mỏ để cố gắng tìm kiếm chút ít tài nguyên khoáng sản còn sót lại trong thời gian qua trên địa bàn Nghệ An.

Đáng quan tâm là trong số gần 150 điểm mỏ ngừng khai thác thì số lượng mỏ yêu cầu phải hoàn thổ theo quy định vẫn đang thực hiện theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Thực trạng này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thanh kiểm tra công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường tại các điểm mỏ sau khai thác vẫn còn bỏ ngỏ?