Tranh chấp nguồn nước

ThienNhien.Net – Nước đang là vấn đề gây ra nhiều cuộc xung đột trên thế giới. Cho đến nay, đã có khá nhiều cuộc đàm phán, thương lượng diễn ra nhằm mục đích tìm lời giải cho các cuộc tranh chấp nước quốc tế. Song, thực tế lại cho thấy các cuộc tranh chấp nguồn nước xảy ra trong phạm vi quốc gia phổ biến hơn là những cuộc xung đột nước quốc tế.

Trong thập kỷ qua, những cuộc tranh luận về mặt chính sách đang ngày càng tăng lên cùng với vấn đề khan hiếm nước và tranh chấp nguồn nước. Ở mức độ quốc tế, đó là các cuộc xung đột hay chiến tranh giữa các quốc gia cùng chia sẻ một nguồn nước. Còn ở cấp quốc gia và địa phương, xung đột hay tranh chấp chủ yếu là do sự bất bình đẳng về quyền sử dụng giữa các ngành khác nhau trên cùng lưu vực. Tuy nhiên, xung đột về nước không chỉ là do vấn đề khan hiếm nước mà còn là do vấn đề quản lý và quyền sử dụng nguồn nước đó.

Xung đột nước địa phương do đâu?

Vấn đề tư nhân hóa ngành cấp nước đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn. Khi các cơ quan chính phủ bắt tay với các công ty nước tư nhân để thực hiện các hợp đồng cấp nước cho người dân thì khả năng gây ra sự bất bình đẳng trong dịch vụ cung cấp loại hàng hóa đặc biệt này tất yếu sẽ tăng lên. Đặc biệt là khi những quy định kiểm soát giá cả không phù hợp. Điều này đã gây ra những xung đột xung quanh vấn đề bất bình đẳng trong quyền sử dụng và kiểm soát giá. Hơn nữa, khi một công ty được độc quyền cung cấp nước, sự căng thẳng sẽ xảy ra với các nhà cung cấp độc lập quy mô nhỏ.

Ở Mỹ La Tinh và Châu Phi, sự thiếu minh bạch trong vấn đề cấp nước cho các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương (như dân nghèo thành thị, nông dân sản xuất nhỏ, phụ nữ, trẻ em…) đã làm dấy lên phong trào chống đối giữa người dân địa phương và các nhà chức trách. Thậm chí, ở những nơi vấn đề cấp nướcđã được cải thiện đáng kể thì xung đột vẫn xảy ra giữa những người quản lý nguồn nước và những nhà cung cấp. Điều này là do thiếu những quy định pháp lý.

Một nghiên cứu gần đây của Chương trình Nước sạch và Vệ sinh Môi trường của Ngân hàng Thế giới tiến hành tại khu nhà ổ chuột Mukuru, thuộc tỉnh Nairobi ở Kenya đã cho thấy sự xung khắc giữa những người sử dụng và công ty cấp nước. Điều này xảy ra sau khi công ty này quyết định đưa một hệ thống cung cấp nước mới vào khu nhà ổ chuột này mà không tham khảo ý kiến của cộng đồng.

Một nghiên cứu khác của Chương trình Quản lý đô thị Liên hợp quốc chỉ ra rằng thâmm chí các công trình cấp nước cho người dân nghèo cũng có thể trở thành nguyên nhân gây xung đột nếu nó không mang lại hiệu quả. Ví dụ: nếu các nhà chức trách địa phương và các công ty cấp nước mắc phải những sai lầm trong cung cấp nước và dịch vụ vệ sinh môi trường, điều đó sẽ gây mối bất bình cho người dân nghèo thành thị. 

Hạn chế xung đột

Những cuộc xung đột liên quan đến nước ở địa phương xảy ra ngày càng nhiều hơn những cuộc xung đột nước ở cấp quốc gia. Sự thiếu hụt các quy định pháp lý trong quyền sử dụng và cấp nước địa phương là nguyên nhân chính về mặt thể chế và chính sách. Bên cạnh đó, sự yếu kém trong cách quản lý ở mức độ địa phương cũng là nguyên nhân gây xung đột. Tất cả những thiếu hụt đó đã gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư. Những nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương, họ là những người “thấp cổ bé họng” và không có tiếng nói chính trị thường bị đẩy ra ngoài các nhóm có thế lực mạnh hơn.

Do đó, để giải quyết triệt để vấn đề này cần thiết phải phát triển một cách tiếp cận hiệu quả đối với vấn đề cấp nước cho người nghèo, và cách tiếp cận này phải phát huy được hiệu quả ở địa phương. Để đạt được điều đó, trong các chính sách và chương trình cần đảm bảo các yếu tố về nguồn lực, sự tham gia của cộng đồng địa phương, có sự đền bù thỏa đáng cho cộng đồng bị mất quyền sử dụng nguồn nước, xây dựng quy định kiểm soát giá cả, chất lượng và số lượng nước cung cấp bởi các công ty tư nhân đồng thời xây dựng các cơ chế giải quyết khi có xung đột xảy ra.