Quảng Trị: Chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch phát triển sản xuất

Ngày 10/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng đã đi kiểm tra công tác quản lí, bảo vệ, phòng chống cháy rừng (PCCR) trên địa bàn huyện Hướng Hóa và làm việc với Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 về chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch phát triển sản xuất giao về địa phương quản lí.

Đoàn kiểm tra rừng phòng hộ tại xã Hướng Sơn thuộc địa bàn Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 quản lí​

Huyện Hướng Hóa có tổng diện tích rừng tự nhiên 115.235,7 ha, trong đó diện tích đất có rừng 53.636,4 ha. Diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn chủ yếu do Ban quản lí (BQL) rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông, BQL Khu Bảo tồn tự nhiên Bắc Hướng Hóa và UBND các xã quản lí, rừng trồng do các chủ rừng lớn như BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337, ngoài ra còn có rừng của các cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân.

Trong năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn huyện Hướng Hóa không có trường hợp cháy rừng xảy ra. Riêng trong năm 2018 các ngành chức năng đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 62 vụ vi phạm về rừng, tạm giữ 69,062 m3 gỗ các loại quy tròn, 25 ster củi rừng tự nhiên, 210 cá thể/244kg động vật rừng, 23,5 kg sản phẩm động vật rừng, 5 máy cưa xăng. Trong đó, đã xử lí 60 vụ với tổng số tiền phạt đã thi hành 209.550 nghìn đồng/34 vụ…

Trong năm 2018 trên địa bàn huyện trồng được 170,16 ha rừng, chăm sóc 702,32 ha rừng. Hiện toàn huyện có 6 đơn vị kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, quy mô vườn ươm khoảng 300 vạn cây hàng năm.

Hiện nay, UBND huyện đã xây dựng Phương án sử dụng đất phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất trình các cấp có thẩm quyền thẩm định với tổng diện tích 6.408,3 ha cho 13 xã, thị trấn.

Tuy nhiên, phương án này gặp khó khăn trong việc thu thập bản đồ hiện trạng, bản đồ chuyển đổi (thể hiện chi tiết từng lô khoảnh, tiểu khu chuyển đổi) của từng xã, thị trấn theo Quyết định số 3359/QĐ-UBND, ngày 5/11/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án rà soát chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất trên địa bàn.

Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 hiện quản lí, bảo vệ 1.611,5 ha rừng phòng hộ (chủ yếu loài cây keo tai tượng) trên 3 xã: Hướng Phùng, Hướng Việt và Hướng Sơn. Trong giai đoạn 2015 – 2018, đơn vị đã tổ chức trồng mới rừng vành đai biên giới tại 2 xã Hướng Lập và Hướng Việt với tổng diện tích 160,3 ha.

Toàn đơn vị có 6 đội sản xuất, tổ bảo vệ PCCR với từ 40 – 50 người tham gia. UBND tỉnh đã đồng ý cho đơn vị chuyển đổi đất rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoach phát triển sản xuất với tổng diện tích 692 ha tại 3 xã: Hướng Việt, Hướng Lập và Hướng Sơn.

Hiện nay, đơn vị đã hoàn thiện xong các thủ tục hồ sơ, đề nghị xử lí tận thu tài sản trên đất trình Bộ Tư lệnh – Quân Khu 4, Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Tại buổi kiểm tra, UBND huyện Hướng Hóa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành tạo điều kiện cung cấp các hồ sơ liên quan để xây dựng Phương án sử dụng đất phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất.

Bố trí kinh phí để giao rừng cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng bảo vệ và hưởng lợi. Kêu gọi các dự án đầu tư, các chương trình bảo vệ và phát triển rừng, bố trí kinh phí trồng rừng, phục hồi rừng, làm giàu rừng và kinh phí bảo vê rừng nhằm khuyến khích người dân nhận rừng bảo vệ.

Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 đề nghị Ban chỉ đạo 886 huyện và Ban chỉ đạo 886 tỉnh trang bị cho đơn vị một số dụng cụ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và PCCR; hỗ trợ kinh phí phục vụ cơ động, tuần tra canh gác, bảo vệ rừng, xây dựng chòi canh kiên cố; đề nghị UBND tỉnh phân công cho cơ quan chuyên môn hướng dẫn đơn vị thủ tục pháp lí giao đất rừng cho địa phương quản lí sử dụng; sau khi bàn giao nguyên trạng đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất cho địa phương quản lí sử dụng theo Quyết định 3359/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đồng ý cho đơn vị tận thu số tài sản trên đất theo quy định hiện hành.

Tại chuyến kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, do địa bàn có diện tích rừng rất lớn nên công tác quản lí, bảo vệ rừng ở địa phương chưa chặt chẽ, trong năm 2018 để xảy ra nhiều vụ vi phạm rừng. Do đó, UBND huyện cần phối hợp với các đơn vị quản lí rừng và các cơ quan chức năng tập trung chấn chỉnh tình trạng vi phạm rừng.

Để bảo vệ rừng tốt hơn, huyện cần có phương án giao khoán rừng cho cộng đồng, người dân chặt chẽ. Quá trình bàn giao, tiếp nhận đất, sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân phải có kế hoạch cụ thể trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về khó khăn trong việc thu thập bản đồ hiện trạng, bản đồ chuyển đổi UBND huyện cần chủ động tổ chức hội nghị mời các phòng ban chuyên môn, đơn vị liên quan để bàn trong việc bàn giao đất cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân theo đúng quy trình, quy định.

Về các kiến nghị, đề xuất liên quan đến kinh phí, các điều kiện phục vụ PCCR, bảo vệ rừng của UBND huyện Hướng Hóa và Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337, đề nghị địa phương và đơn vị có tờ trình dự toán trình Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.