Phát triển bao gói bằng vật liệu thân thiện với môi trường thay thế nhựa

Thực sự lo lắng trước tình trạng ô nhiễm sản phẩm nhựa trên quy mô toàn cầu, các nhà khoa học Mỹ đã phát triển thành công loại vật liệu mới từ hỗn hợp cao su và loại nhựa có thể phân hủy sinh học, đủ bền và linh hoạt để được sử dụng làm bao bì trong ngành công nghiệp thực phẩm và thậm chí để tạo ra các bộ phận máy móc.

Các nhà khoa học trên thế giới không ngừng nỗ lực phát triển loại bao bì thân thiện với môi trường – Ảnh : Techcult

Theo Science Daily, các nhà khoa học đang thực sự lo lắng trước tình trạng ô nhiễm sản phẩm nhựa trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, không dễ để từ chối loại vật liệu bằng nhựa tiện lợi và rẻ tiền. Từ trước đến nay, tất cả các nỗ lực để tạo ra các sản phẩm thay thế nhựa có thể phân hủy được về mặt sinh học và có giá cả cạnh tranh đều đã thất bại.

Nhưng nay, tình hình có thể thay đổi nhờ sự phát triển của các chuyên gia ở Đại học Ohio (Mỹ). Các nhà nghiên cứu đã kết hợp cao su tự nhiên với loại polimer có nguồn gốc thực vật gọi là PHBV thường được coi là một chất thay thế nhựa thân thiện với môi trường. Đó là một sản phẩm bền hơn 75% và đàn hồi hơn 100% so với polimer PHBV thuần túy. Vật liệu như vậy dễ dàng hơn nhiều để chuyển đổi sang bao bì thực phẩm. Ngoài ra, có thể sử dụng vật liệu mới để tạo ra bát đĩa, găng tay và thậm chí các chi tiết thiết bị máy móc.

Các nhà khoa học cho rằng vật liệu này có thể được cải thiện hơn nữa bằng cách thêm vào sợi thực vật hỗn hợp từ các phế thải sản xuất hoặc cỏ dại khô xay nhuyễn. Điều này sẽ giúp giải quyết một số vấn đề môi trường cùng một lúc.

Ở nhiều quốc gia, nhựa dùng một lần bị cấm mà không cần chờ sự xuất hiện của vật liệu thay thế. Ví dụ, ở Liên minh châu Âu, việc sản xuất hầu hết các loại bao bì và túi nhựa sẽ chấm dứt từ năm 2021. Các chính trị gia cho rằng nếu không thực hiện các biện pháp cứng rắn như vậy, nhựa trong đại dương sẽ nhiều hơn cá.