Bài 4: Chính quyền bao che cho “thiên đường than lậu” vô tư tồn tại?

Trong quá trình điều tra về than lậu tại các vùng mỏ Thái Nguyên, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus liên tiếp nhận được tin báo rằng, hoạt động vận chuyển, tuồn bán xít than trái phép ở Quảng Ninh, thời gian gần đây cũng đang diễn ra rầm rộ bằng cả đường bộ và đường biển. Cuối tháng 12, chúng tôi quyết định xuôi về vùng đất cảng.

Sau gần hai tháng bám địa bàn, nhóm phóng viên đã phát hiện “thiên đường than lậu” với hàng chục điểm tập kết xít thải để tuyển than trái phép nằm trong Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Xít thải sau khi “tuồn” từ các mỏ than đến đây sẽ được đưa lên máy móc tuyển rửa lấy than bùn, rồi xuất bán đi khắp nơi ở trong nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài bằng tàu biển..

Điều đáng nói là, thực trạng trên diễn ra công khai ngay giữa ban ngày, hỏi người dân trên địa bàn phường Cẩm Thịnh, dường như ai cũng biết tới “thiên đường than lậu” này. Vậy mà, lãnh đạo chính quyền sở tại lại chối bay “sự thật” rằng “làm gì có bến bãi than lậu nào.” Vì sao vậy?

Hãy tưởng tượng “thiên đường than lậu” nơi đây như một lòng chảo khá lớn. Để đi hết chu vi trên phần đất bằng của lòng chảo bằng ôtô cũng phải mất cả giờ đồng hồ. Xung quanh lòng chảo, ở phía Bắc và Tây Bắc có khai trường của các mỏ than Cọc Sáu, Đèo Nai, Thống Nhất, Cao Sơn, Khe Chàm III; phía Đông giáp với Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả, hệ thống kho bãi, khu xử lý của Công ty tuyển than Cửa Ông – TKV, phía Đông và Đông Nam giáp với biển, là nơi có những cầu cảng để tàu ra vào chở “hàng.”

Trung tâm của lòng chảo là Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh đang trong quá trình san lấp bằng hàng loạt đống xít thải đen óng. Hoạt động đổ thải, sàng tuyển, bốc than diễn ra rầm rộ như thể “đại công trường.” Tiếng máy xúc, máy tuyển rửa xít, còi tàu, xà lan lấy than kêu vang vẳng làm náo động cả vùng.

Chính sự phân bố dày đặc khai trường, bến bãi của các đơn vị khai thác, kinh doanh than nhà nước đã vô hình tạo “điều kiện cần” cho than lậu “cộng sinh” và phát triển. Tuy nhiên, muốn cộng sinh cũng phải phân rõ đẳng cấp. Loại “nhất đẳng” là loại có bến bãi hoàn toàn nằm trong khu vực bến bãi nhà nước, có thể “tàng hình” một cách chủ động. Đại diện của mô hình này phần lớn có bến bãi tập trung ở khu vực km6, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả.

Một điểm sàng tuyển xít than ngay trong khu vực Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Loại “nhất đẳng” là loại có bến bãi hoàn toàn nằm trong khu vực bến bãi nhà nước, có thể “tàng hình” một cách chủ động.

Còn loại “nhị đẳng” tập trung ở ven vịnh Bái Tử Long với các đại diện như M., “Xít”, H., “Xăm”, T., “Bò”, D., “Than”… là loại có bến bãi hoàn toàn nằm ngoài khu vực bến bãi nhà nước. Một số hoạt động “ký sinh” ngay trong Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh để tự do “xơi hàng.” Mặc dù vậy, nó chỉ cách biệt so với quần thể bến bãi nhà nước bởi một đoạn đường ngắn bằng cả đường bộ và biển. Vì vậy, mô hình cộng sinh “nhị đẳng” ít nhiều vẫn được hưởng chút lợi lộc “san sẻ” với tư cách là những bến bãi “hàng xóm” của các nhà nước.

Hoạt động than lậu tại lòng chảo rộng lớn nhưng thưa thớt dân này diễn ra cả ngày lẫn đêm, từ ngày này qua ngày khác. Ngoài những bãi, điểm tuyển rửa xít quy mô công nghiệp, áp dụng máy móc kỹ thuật hiện đại để tuyển, thì ẩn hiện giữa những “rừng” lau, vườn chuối ở ven Bái Tử Long còn có rất nhiều điểm người dân chỉ cần dùng máy bơm nước vào những đống xít là than bùn theo nước chảy xuống máng. Sau đó, chỉ cần vớt lên phơi khô là có thể xuất bán, vận chuyển bằng ôtô tải đi đường bộ, và tàu vận chuyển đường biển, tùy khối lượng khách hàng cần mua.

Sau nhiều ngày theo dõi, nhập vai điều tra, nhóm phóng viên đã ghi lại toàn bộ quá trình vận chuyển, hoạt động trái phép của những tổ chức, cá nhân tuyển rửa xít lấy than trái phép diễn ra rầm rộ một cách công khai. Chỉ tính thời điểm tháng 12/2018, trong và ngoài khu vực Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh đã có tới gần 20 bãi, điểm tập kết, tuyển rửa xít lấy than trái phép.

Một mỏ than thuộc TKV trên địa bàn thành phố Cẩm Phả.

Ấy vậy mà, khi gặp và trao đổi với ông Lâm Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả về hoạt động nêu trên, ông Dũng lại khẳng định như đinh đóng cột rằng “ở trên địa bàn không có bến bãi trái phép nào cả.”

“Về mặt nhà nước, mình kiểm tra thường xuyên, mỗi tháng đích thân chủ tịch đi kiểm tra 3 đêm, trực 3 buổi. Rất yên tâm trong lĩnh vực quản lý, không có bến bãi trái phép nào cả. Như tại cụm công nghiệp 10/10, tỉnh và thành phố vừa kiểm tra xong, từ đất cát đến bến bãi nó sạch tinh luôn. Sáng nay cả Công an kinh tế xuống, người dân nhắn cho bí thư, cứ có thông tin mình đi kiểm tra ngay, gần đây Cẩm Phú làm rất tốt, mình kiểm tra thấy thế,” ông Dũng cười nói.

Tuy nhiên, khi nhóm phóng viên đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường đi kiểm tra cùng để tận thấy hoạt động tuyển rửa từ các bãi, điểm tập kết xít, than trên địa bàn, ông Dũng liền từ chối với lý do “đang bận, đi đâu mình sẽ cho anh em đi cùng.”

Ngẫm nghĩ một lúc rồi ông Dũng nói tiếp: “Trước đây có bãi xít ở đấy, vừa rồi có một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần kinh doanh than họ bàn giao hết đất. Riêng Cẩm Phú có 16 hécta ở khu vực đó. Hiện nay đang trong quá trình san lấp mặt bằng, chắc người ta sàng xảy ít xít.”

Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi về việc sàng tuyển xít như vậy có được phép không? Nhưng vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Cẩm Phú chỉ im lặng.

Xít lãn than đổ ngổn ngang ngay trước trụ sở ban quản lý dự án Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh.

Trong lúc phóng viên đang trao đổi với ông Dũng, thì ông Nguyễn Thế Quân-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Cẩm Phú (phụ trách môi trường) xuất hiện và cùng trao đổi. Như đã nghe câu chuyện của chúng tôi từ lâu, ông Quân liền nói: “Riêng về chỗ xít, đấy không phải là than, đấy là bã được sàng tuyển than rồi. Ngày xưa ta lu lèn lấp biển, giờ họ đào gom lại cái to thì bỏ đi, còn cái nhỏ người ta dùng nước rửa lấy cám xít để vận chuyển về trong quê tôi vôi, làm gạch để giảm chi phí, đó chỉ là tận dụng nếu không cũng làm đất đổ nền.”

Phóng viên lại đặt câu hỏi như vừa trao đổi với ông Dũng rằng việc sàng tuyển xít trên có được phép không? Xít lấy từ đâu, tại sao xít lại đen óng và sau khi tuyển rửa lại ra nhiều than bùn như vậy? Ông Quân trả lời rằng, từ khi cụm công nghiệp mới sinh ra, các điểm sàng tuyển bị tháo dỡ hết, hiện chỉ còn một cái cuối cùng là chỗ sát cụm công nghiệp. Một số trường hợp đã bị phạt rồi.

“Tôi phải nói thẳng là môi trường ở đó mắt trực quan nhìn vào là không được, nó không phải là bụi, mà ảnh hưởng bùn xuống dòng chảy. Trường hợp vi phạm sẽ xử phạt hành chính, nhưng anh em chúng tôi phạt không quá 5 triệu đồng. Thấy bức xúc nên có phạt hai ba lần,” ông Quân nói thêm.

Vẫn lời đề nghị lãnh đạo phường cùng đi kiểm tra thực tế, nhưng ông Quân không những không hợp tác, còn đặt lại câu hỏi và nói: “Nếu kiểm tra bây giờ anh có nghiệp vụ gì về than, anh phân biệt thế nào là than, anh cứ đen là than. Hai nữa người ta nói về nguồn gốc, chúng tôi đã nói rồi, sở dĩ cụm công nghiệp người ta đang bóc cái nền lên để làm đường, ra thấy đang làm đường. Trong khi đó họ vun cái đấy lên để đưa ra mép biển, trong quá trình đó người ta tận dụng để đưa lên sàng tuyển, đưa vào nước để sục lấy ‘cái nhẹ’ nó chảy theo nước đó ra.”

Xít thải lẫn than được các xe tải trọng lớn chở về tập các điểm tập kết trong và ngoài khu vực Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh.

Trước yêu cầu của phóng viên, ông Quân cực chẳng đã cùng một cán bộ khác lấy xe máy phóng một mạch ra khu vực Ban quản lý Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh. Ngay khi vào khỏi cổng ban quản lý, ông Quân bất ngờ rẽ vào nói chuyện trước với một người thanh niên là chủ của một điểm tuyển rửa xít ở trong cụm công nghiệp.

Trong lúc chờ ông Quân nói chuyện, chúng tôi quan sát thấy ngay trong cổng Ban quản lý là đống than lớn đến khoảng vài nghìn tấn. Xung quanh, xe tải, máy xúc, máy sàng tuyển rửa, cùng hàng chục công nhân đang vận hành máy móc tuyển xít lấy thân hoạt động ầm ầm. Dù thấy lãnh đạo phường xuống kiểm tra nhưng mọi hoạt động vẫn diễn ra. Nước thải trong quá trình tuyển rửa xả thẳng xuống cống 4 cửa rồi chảy ra Vịnh Bãi Tự Long, khiến nước biển đen như mực.

Thấy phóng viên đang ghi hình, ông Quân vội vàng đi ra, vừa đi vừa quát lớn “đã bảo phải dừng trước ngày 31/12/2018 rồi sao đến bây giờ vẫn làm thế này, khẩn trương dừng ngay…” Lời Phó Chủ tịch phường vừa dứt, ông chủ của bãi tập kết tuyển rửa xít lấy than cười làm hòa: “Thầy hôm nay nóng thế,” rồi quay sang bảo với chúng tôi: “Bọn em cũng sắp nghỉ rồi.”

Nước thải sau khi tuyển rửa xít lấy than được xả thẳng ra vịnh Bái Tử Long.

“Người ta làm khổ lắm, làm được cân đó nhục lắm, nói thẳng với anh em thế. Họ chở ở đâu đến để xử lý. Sau đó than bùn vét lên để đông đặc lại để chở về quê bán, câu chuyện là từ đó chứ không phải than nguyên khai đâu…”

Sau gần 30 phút chúng tôi và ông Quân cùng rời khỏi hiện trường, suốt quãng thời gian đó mọi hoạt động tuyển rửa xít lấy than vẫn diễn ra bình thường. Cũng không có một biên bản nào được lập để yêu cầu bãi tuyển này dừng hoạt động tuyển rửa xít lấy than trái phép.

Bất ngờ hơn là, trên đường rời khỏi hiện trường, ông Quân còn nói với chúng tôi rằng: “Người ta làm khổ lắm, làm được cân đó nhục lắm, nói thẳng với anh em thế. Họ chở ở đâu đến để xử lý. Sau đó than bùn vét lên để đông đặc lại để chở về quê bán, câu chuyện là từ đó chứ không phải than nguyên khai đâu. Còn về nguyên tắc nghiêm cấm toàn bộ không có bến bãi chế biến. Chứ bây giờ đào được gánh than nhục lắm, nước đó bơm lên nước ngập tận cổ, nhục lắm.”


Chúng tôi tiếp tục đề nghị ông Quân cùng đi kiểm tra tiếp tại 4 bãi tập kết và tuyển rửa xít lấy than khác nằm trong và ngoài Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh. Đến đâu thì ông Quân mà người cán bộ đi cùng cũng vào trước gặp các trùm than lậu có lẽ là để yêu cầu tạm dừng. Nhưng chắc do quá bất ngờ nên mọi hoạt động bốc xúc, tuyển rửa xít lấy than tại các bãi vẫn tiếp tục vận hành theo guồng quen thuộc cho đến khi chúng tôi lấy các phương tiện ghi hình ra tác nghiệp.

Ghi nhận tại hiện trường các bãi này cho thấy, có rất nhiều xe tải, máy xúc, máy sàng tuyển bên cạnh các đống xít “khổng lồ” cao như nóc nhà cấp 4. Mỗi điểm có hàng chục người tụ tập, đó là công nhân cùng đội quân canh gác với điệu bộ hình dáng ăn mặc vô cùng “anh chị giang hồ.”

Sau khi kiểm tra thực tế, ông Quân thừa nhận tất cả những bãi đó đều hoạt động trái phép, nhưng “phường chỉ ‘quản lý hộ’ do những điểm tuyển xít lấy than này thuộc địa phận của phường, việc quản lý chính thức là thuộc cấp nhà nước.”

Xe chở xít, than thường xuyên ra vào khu vực “Thiên đường than lậu” tại hai phường Cẩm Phú và Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả.

“Trước đây, về xít, Cẩm Phả cho 6 điểm tận thu tận dụng là của Công ty than S.H và Công ty than T.L thuộc Tổng Công ty Đông Bắc. Còn năm nay có cụm công nghiệp vào làm tôi dẹp hết. Chỗ các điểm tuyển rửa vừa xem, theo bản đồ là của Cẩm Thịnh, nhưng chúng tôi không phải đổ lỗi cho nhau. Đâu cũng có sự quản lý nên chúng tôi có sự phối hợp. Đó là bãi Cẩm Thịnh chứ có phải của mình đâu,” ông Quân giãi bày thêm.

Lời ông Quân nói là vậy, nhưng khi mang nội dung thông tin trên tới gặp lãnh đạo Ủy ban Nhân dân phường Cẩm Thịnh, ông Bùi Đình Việt-Phó Chủ tịch phường lại một mực khẳng định trụ sở cụm công nghiệp, những bãi, điểm tập kết và tuyển rửa than mà ông Quân đưa phóng viên đi kiểm tra hoàn toàn nằm trên đất của phường Cẩm Phú chứ không phải của Cẩm Thịnh!.

“Phần nào liên quan đến đất của chúng tôi quản lý là chúng tôi vẫn phải kiểm tra, tránh tình trạng vận chuyển than trái phép hoặc mua về sàng sảy. Vừa rồi có điều chỉnh địa bàn thì toàn bộ mặt bằng cụm công nghiệp là của phường Cẩm Phú. Trước đây có 6 hộ của Cẩm Thịnh, nhưng bây giờ đã điều chỉnh lại, anh Dũng Chủ tịch Cẩm Phú là người đi điều chỉnh,” ông Việt khẳng định như đinh đóng cột.

Sau khi xem hình ảnh nhóm phóng viên cung cấp, ông Việt tiếp tục khẳng định: “Trong khu đấy (Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh) có 4-5 hộ đang sàng sảy tạp nham. Đầu năm, chúng tôi đã kiểm tra toàn bộ tổng thể, cả Cẩm Phú và Cẩm Thịnh cùng phối hợp, bên Cẩm Thịnh là hộ ông Lê Công Lợi. Hiện tại đất này ông ấy quản lý. Hộ này đang lọc rửa xít. Họ không được phép làm, chúng tôi đã cho lập biên bản và xử phạt hành chính, đây có thể là họ lén lút làm tiếp.”

“Ở Cẩm Thịnh đã có thanh tra nhưng chưa có kết luận. Đồng chí lãnh đạo trực tiếp đang không có nhà và chương trình làm việc lịch kín hết rồi, các phóng viên cứ để điện thoại lại khi nào đặt được lịch chị sẽ gọi…”

Để rõ hơn về “quả bóng trách nhiệm” nêu trên, nhóm phóng viên tiếp tục đặt lịch làm việc với lãnh đạo thành phố Cẩm Phả. Tuy nhiên, sau khi nắm bắt nội dung công việc, bà Nguyễn Thị Minh Huyền-Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Cẩm Phả nói: “Ở Cẩm Thịnh đã có thanh tra nhưng chưa có kết luận. Đồng chí lãnh đạo trực tiếp đang không có nhà và chương trình làm việc lịch kín hết rồi, các phóng viên cứ để điện thoại lại khi nào đặt được lịch chị sẽ gọi…”

Tuy nhiên, cho đến nay, sau gần 3 tháng đặt lịch, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía Ủy ban Nhân dân thành phố Cẩm Phả.

Ở góc độ cấp tỉnh, phóng viên đã liên hệ với ông Đặng Huy Hậu-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, sau đó được đồng chí thư ký giới liệu gặp ông Nguyễn Ngọc Thu-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Sau khi tiếp nhận thông tin, ông Thu lại giao ông Phạm Văn Cường-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc. Qua trao đổi, ông Cường cho biết: “Không biết về ‘thiên đường than lậu’ nêu trên vì chưa được cấp huyện, phường báo cáo.”

“Chúng tôi sẽ yêu cầu thành phố Cẩm Phả kiểm tra và thông tin tới phóng viên,” ông Cường nói, nhưng cũng tương tự phía Thành phố Cẩm Phả, thời gian cứ trôi mà thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn bặt vô âm tín.

Xít thải lẫn than được đổ thành từng đống khổng lồ trong và ngoài Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh.
Nguồn: