Bài 5: Lộ diện những “bà trùm” sở hữu bãi xít than lớn nhất Quảng Ninh

Tiếp tục tìm hiểu về “thiên đường than lậu” ở Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã nhận được nhiều luồng tin từ người dân về danh tiếng của hai người phụ nữ tên P.T và L “Xít.”- hai “bà trùm” có tiếng đang sở hữu bãi xít “khổng lồ” lớn nhất nhì tỉnh Quảng Ninh, do Công ty tuyển than Cửa Ông-TKV thải ra khoảng 1 triệu tấn xít/năm.

Theo quy trình, mỗi khi đoàn tàu chở xít cập bãi (ven Bãi Tự Long, sát Cụm công nghiệp Cẩm Thinh), những chiếc máy xúc, máy ủi lại kéo đến “ăn hàng.” Sau đó, xít được đưa lên máy tuyển rửa tại chỗ để lấy than đem bán, hoặc gián tiếp bằng cách bán xít cho các đơn vị khác tuyển rửa, đưa đi tiêu thụ… trong và ngoài nước.

Điều đáng nói là, hoạt động tuyển rửa xít, xuất bán than trên hoàn toàn “lậu,” nên hai bà trùm chỉ nhận lời xuất “hàng” với số lượng lớn. Nếu vận chuyển bằng đường biển, mỗi đơn hàng phải lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tấn.

“THIÊN ĐƯỜNG THAN” MỖI NĂM THẢI MỘT TRIỆU TẤN XÍT

Qua tìm hiểu được biết, tại “thiên đường than” ở thành phố Cẩm Phả hiện đang có hàng chục Công ty than thuộc Tập đoàn TKV hoạt động, khai thác gồm: Đèo Nai, Thống Nhất, Cao Sơn, Cọc 6, Tây Nam Đá Mài… Than sau khi đào, múc lên từ các mỏ sẽ được chở về Công ty tuyển than Cửa Ông.

Mỗi năm, Công ty tuyển than Cửa Ông tuyển ra khoảng 9 triệu tấn than, trong đó, có khoảng 1 triệu tấn xít sau tuyển được chở đến bãi xít nằm trên địa bàn phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả. Và, người đứng ra tiếp quản, sở hữu bãi xít “khổng lồ” này chính là hai “bà trùm” than lậu P.T và L “Xít.”

Trong vai người đi mua than, ghé vào quán ven đường đối diện trạm thu phí… dò hỏi, chúng tôi được bà chủ quán nước thông tin tường tận từ phương thức vận chuyển xít, than đến số điện thoại cá nhân của bà trùm P.T.

“Than ở đây lấy từ các mỏ, tuỳ vào mối quan hệ của từng người. Hàng ngày thấy xe chạy ầm ầm qua đây. Người ta cũng chở cả từ trên km6 phường Quang Hanh (‘thiên đường than lậu’ vừa bị ‘khai tử’) xuống. Không chỉ bán trong nước đâu, bà P.T còn xuất khẩu than ra nước ngoài. Muốn mua than, điện cho bà í nhé, số điện thoại 0937…06. Ở đây chỉ có bà ấy là làm lớn nhất…,” bà chủ quán nước chia sẻ.

Xe chở xít lẫn than thường xuyên ra vào khu vực bãi xít khổng lồ ở bên cạnh Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh.

Những hoạt động này diễn ra cả ngày lẫn đêm. Tàu ra vào cảng liên tục.   

Từ thông tin của bà chủ quán nước, những ngày cuối tháng 12/2018, nhóm phóng viên tiếp cận bãi xít thải, một bên đã được quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp (đơn vị thi công đang xây dựng cơ sở hạ tầng), một bên là bãi chứa xít của Tuyển than Cửa Ông. Ở bãi xít, ngày nào cũng có tàu của Công ty tuyển than Cửa Ông chở xít ra đổ, chất thành từng đống cao như núi, rộng vài héc ta.

Ngay sau khi đoàn tàu hỏa đổ xít đen óng xuống bãi, những chiếc máy xúc cỡ lớn lại kéo tới xúc lên ô tô rồi chở thẳng ra cảng. Tại cảng có hai chiếc máy cẩu bốc xít lên những chiếc xà lan và tàu vài trăm nghìn tấn mang số hiệu ở các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Thái Bình chở đi tiêu thụ bằng tàu biển.

Những hoạt động này diễn ra cả ngày lẫn đêm. Tàu ra vào cảng liên tục. Thậm chí có cả tàu mang số hiệu của nước ngoài cũng luôn chờ sẵn tại cảng.

Không chỉ xít được chở đi, trên bãi còn nhiều đội quân mót than nhặt than cục để ra từng đống. Hàng loạt máy sàng tuyển cùng máy xúc, ô tô tải, máy bơm nước ra sức tuyển xít lấy than như một đại công trường. Than sau khi tuyển được dồn thành đống, sau đó một loạt xe ôtô tải trọng lớn tới “ăn hàng” rồi tỏa đi khắp nơi. Có những xe chở thẳng ra cảng đổ lên tàu, vận chuyển bằng đường biển.

HÀNH TRÌNH TIẾP CẬN “BÀ TRÙM THAN LẬU” NỨC TIẾNG ĐẤT MỎ

Ngỏ ý muốn mua một lượng than lớn (khoảng 5-7 trăm tấn) vận chuyển vào Cửa Lò, chúng tôi gọi điện cho “bà trùm” P.T để hỏi giá cả và phương thức vận chuyển. Tuy nhiên, lượng than mỗi tháng cần mua mà chúng tôi nghĩ là “khủng khiếp” ấy lại chỉ là một con số nhỏ, lẻ với “bà trùm” P.T. Qua điện thoại, “bà trùm” gằn giọng: “Vào đó vận chuyển bằng đường biển, nhưng 5-7 trăm tấn thì chạy gì. Ít quá.” Cũng có lẽ vì “ít quá” nên “bà trùm” dập tắt luôn điện thoại.

Tiếp tục nhiều lần liên hệ thương thuyết về số lượng, đến cuối 12/2018, chúng tôi đã hẹn được “bà trùm” P.T trước cổng bệnh viện Cọc 7 (Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả). Qua điện thoại, bà mời chúng tôi lên xe để trao đổi. Trên xe còn một người lái xe đội mũ cối, đeo kính đen, hàng ghế sau có một người thanh niên thân hình vạm vỡ.

Hoạt động tuyển rửa, tuồn bán xít, than diễn ra rầm rộ tại khu vực bãi xít khổng lồ do “bà trùm” L., “xít” tiếp quản.

“Mua được. Than chị lấy từ mỏ Đèo Nai. Nhưng xe bọn em phải chạy ra. Trong mỏ thì rẻ hơn, nhưng khâu vận chuyển bọn em có đủ tầm để chạy không. Trong mỏ này, không cần đến hoá đơn…”

Mới bước lên xe, chưa kịp chào hỏi làm quen thì người lái xe đã thăm dò: “Các anh sao lại có số điện thoại của chị thế, các anh ở Vinh mà đi xe biển 30E à?” Chúng tôi giải thích là có bạn ở Hà Nội cho mượn xe nên người lái xe không hỏi nữa.

Sau đó, lái xe đưa chúng tôi thẳng về phía trung tâm thành phố Cẩm Phả, qua nhiều con đường nhỏ ngoằn nghèo khiến cánh nhà báo trẻ chúng tôi khá lo lắng. Người lái xe quay lại nói tiếp: “Các anh là người trên bộ đúng không, hay là nhà báo?” Thấy chúng tôi cười, gã lái xe nói tiếp: “Không, anh hỏi thật, mới đầu gặp nhau mà đã có số điện thoại của chị (bà trùm P.T), thấy lạ.”

Chưa kịp trả lời thì người đàn ông ngồi bên cạnh có điện thoại. Nội dung cuộc điện thoại trao đổi về giá mua bán than với số lượng vài chục nghìn tấn, than ở Cẩm Phả, xuống hàng tại Đồng Nai và Hồ Chí Minh. Sau đó, bà trùm P.T yêu cầu người này gọi cho một người tên là Mão, để “hỏi xem chỉ tiêu của ông còn không?”

Sau cuộc điện thoại, người đàn ông báo với bà P.T rằng: “Anh ấy nói chỉ tiêu năm nay chỉ còn 600 tấn thôi, khi nào lấy thì thông báo.”

Trở lại câu chuyện, sau khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn mua than về đốt gạch ở Cửa Lò, “bà trùm” P.T nhanh miệng nói: “Bây giờ, bọn em xem nhà máy đốt nhiệt gì, chứ chưa nắm được thì khó lắm, giá thì đơn giản thôi. Nhưng giờ không biết nhà máy đốt cái gì, 6.000 hay 3.000, 4.000, nhiệt ấy, 4a, 4b, ví dụ thế. Cám 4a, 4b là đắt nhất, xong đến cám 5, cám 7. Bọn em hỏi xem rồi bảo chị.”

Tuy nhiên về số lượng “bà trùm” P.T rõ ràng: “Đường biển vào Cửa Lò thì không vấn đề nhưng số lượng 5-700 tấn thì tàu cỡ đó không chạy được còn đường bộ thì tốn chi phí vận chuyển.”

Một chiếc tàu chở than rời khỏi khu vực “thiên đường than lậu” tại phường Cẩm Thịnh hướng ra biển đưa đi tiêu thụ.

Tại hiện trường, hoạt động đổ xít, bốc xúc, tuyển rửa, vận chuyển xít, than đi tiêu thụ bằng cả đường bộ và đường biển vẫn luôn diễn ra nhộn nhịp từ ngày này qua ngày khác.

Khi đặt vấn đề mua than trong các mỏ của TKV “bà trùm” khẳng định chắc nịch: “Mua được. Than chị lấy từ mỏ Đèo Nai. Nhưng xe bọn em phải chạy ra. Trong mỏ thì rẻ hơn, nhưng khâu vận chuyển bọn em có đủ tầm để chạy không. Trong mỏ này, không cần đến hoá đơn…”

Khẳng định để lấy được than từ các mỏ và vận chuyển được phải “có tầm,” “bà trùm” P.T bảo: “Ngày xưa chị chuyên bán than sang Trung Quốc bằng đường biển, nhưng năm nay thôi rồi. Giờ nói chung khó khăn lắm, không có nhiều hàng. Tàu chỉ chở 1.000-2.000 tấn. Bây giờ đi cóp đi nhặt dồn vào ít một.”

Đang dở câu chuyện thì điện thoại “bà trùm” rung lên. Vừa bấm máy nghe thì đầu dây bên kia nói: “Nó không chạy, chắc nó sợ mấy nhà báo hôm nay xuống đây…” Sau đó “bà trùm” tắt máy, nhìn chúng tôi một lúc với vẻ mặt nghi ngờ rồi bảo “Chị có việc phải đi, hẹn bọn em dịp khác.”

Xe tải, máy xúc hoạt động hết công suất tại khu vực bãi xít khổng lồ do “bà trùm” L., “xít” tiếp quản.

Ngoài “bà trùm” P.T, thì tại bãi xỉ than của Công ty tuyển than Cửa Ông còn một người phụ nữ “nổi tiếng” được nhắc đến chẳng kém, đó là bà L “Xít.” Thông qua một mối quen, chúng tôi xin được số điện thoại của bà L., và gọi điện trao đổi.

Chia sẻ qua điện thoại với khách, bà L., cho biết vị trí bãi xít của Tuyên than Cửa Ông nằm trên đất của gia đình, gần điểm của bà trùm P.T (theo như lời bà T., giới thiệu thì bà trùm P.T là đứa em xã hội). Than của bà chủ yếu tuyển từ xít ra nên không đẹp, nhưng nếu làm gạch cũng được, than được bán với giá 960.000-970.000đ/tấn. Xít thì bán theo khối 60.000đ/khối.

“Ở đây người ta chạy (xít) ra bao nhiêu thì có từng đấy, nó thuộc về nhà máy tuyển than cửa Ông. Không có hoá đơn đâu, bọn chị làm gì có hoá đơn. Tàu 5-6 trăm tấn chở đi Hải Dương với ở gần gần đây. Chứ đi Nghệ An ít cũng phải tàu nghìn tấn chị mới chở,” “bà trùm” L., “xít” nói.

Ngay sau cuộc điện thoại, chúng tôi tiếp tục mục sở thị bãi xít “khổng lồ” của hai bà trùm P.T và L “Xít.” Tại hiện trường, hoạt động đổ xít, bốc xúc, tuyển rửa, vận chuyển xít, than đi tiêu thụ bằng cả đường bộ và đường biển vẫn luôn diễn ra nhộn nhịp từ ngày này qua ngày khác.

Trong ảnh là “bà trùm than lậu” P.T, một trong hai “bà trùm” đang khai thác bãi xít khổng lồ ở tỉnh Quảng Ninh.

VAI TRÒ CỦA TUYỂN THAN CỬA ÔNG TRONG VIỆC BÁN XÍT, THAN?

Ngày 28/12/2018, đem thông tin ghi nhận được tại “thiên đường than lậu” tới trao đổi với lãnh đạo Công ty tuyển than Cửa Ông. Tại đây, ông Toản-Phó Chánh văn phòng Công ty cho biết lãnh đạo đang đi vắng và hẹn lịch sáng hôm sau.

Ở góc độ cá nhân, ông Toản cho biết trong thời gian tới, chương trình kế hoạch của tập đoàn là chở xít lại mỏ, còn xử lý như nào thì chưa biết.

“Theo công nghệ sàng tuyển xong sẽ chở về mỏ, mình khai thác về than có lẫn đất đá. Than khai thác từ tất cả các mỏ thuộc Tập đoàn TKV chở về đây tuyển, mỗi năm tuyển khoảng 9 triệu tấn, năm nay khả năng chương trình của Tập đoàn cũng như lãnh đạo công ty sẽ tăng lên. Chương trình đưa xít về mỏ là chương trình của Tập đoàn để không gây ảnh hưởng đến môi trường, hoàn nguyên lại để trồng cây keo,” ông Toản nói thêm.

Tàu chở than thường xuyên ra vào khu vực “thiên đường than lậu” tại phường Cẩm Thịnh để “ăn hàng” rồi hướng ra biển đưa đi tiêu thụ.

Làm việc với nhóm phóng viên vào sáng 29/12, ông Phạm Thanh Tùng-Phó Giám đốc Công ty tuyển than Cửa Ông cho biết: “Nhiệm vụ chính của Công ty tuyển than Cửa Ông nhiệm là sàng tuyển. Than các mỏ đem về đây tuyển ra đá thải, vừa rồi tỉnh kiểm tra hết các khu vực bãi xít để phân định xem hoạt động trên bãi xít như thế nào cũng như quản lý đất đai như nào. Đợt đó mình cũng đi cùng đoàn.”

Ông Tùng cũng khẳng định, theo kết luận của chánh thanh tra tỉnh, Tuyển than Cửa Ông không quản lý tí đất nào ở khu vực bãi xít. Có một số khu sàng tuyển xít gần bãi xít thì đất quản lý hiện tại theo tỉnh giao cho thành phố, rồi thành phố giao cho Phường Cẩm Thịnh. Còn tuyển than trước đây đổ thải theo giấy phép của tỉnh, tỉnh ký đó không phải thuê của dân.’

“Vừa rồi mình đã bàn giao cho cụm công nghiệp san lấp, chứ Than Cửa Ông không quản lý đất đai. Ở đó nó rộng lắm, có khu cảng, phải địa chính mới nắm được. Nếu thành phố và địa chính cho hộ gia đình người ta làm phải có giấy phép chứ Than Cửa Ông không đồng ý cho ai làm cả,” ông Tùng nói thêm.

Về việc đổ xít ra “thiên đường than lậu,” ông Tùng cho hay: “Từ trước tới nay vận chuyển xít ra đó bằng hệ thống toa xe tự lật. Tuyển than Cửa Ông không quản lý khu đó. Chỗ đó xít thải ra theo tiêu chuẩn Việt Nam, vì trước đó đã có bộ phận giám định kiểm tra mẫu rồi mới đưa ra bãi thải chứ không phải có than chuyển ra đó. Yên tâm là Tuyển than Cửa Ông làm rất chắc chắn.”

“Chỗ này liên quan đến quản lý của chính quyền, chúng tôi không biết.”
Khi chúng tôi đề cập thông tin về việc nhiều điểm sàng tuyển xít đang hoạt động trái phép trên bãi đổ xít thải của Tuyển than Cửa Ông, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của quốc gia, trong khi giữa chính quyền địa phương lại chưa phân định rõ ràng ai là người đang quản lý đất cũng như tài sản trên đất, ông Tùng cho hay: “Chỗ này liên quan đến quản lý của chính quyền, chúng tôi không biết.”

Trước đó, khi trao đổi với ông Phong, Chánh văn phòng Công ty tuyển than Cửa Ông qua điện thoại, phóng viên đã thông tin việc bán xít thải cũng như sàng tuyển xít lấy than trái phép, ông Phong có nhắc đến tên hai bà trùm than lậu là L “Xít” và bà P.T đang là chủ khu đất đó.

Tuy nhiên khi làm việc với ông Tùng thì ông khẳng định không biết đó là hộ nào: “Mình không biết hộ đó là hộ nào, chắc anh Phong anh nghe thông tin phong phanh ở đâu. Đất nếu một là giao cho doanh nghiệp bên mình quản lý mình biết ngay, hai là giao cho địa phương quản lý. Xít mình đổ ra phục vụ san lấp, bãi xít đó rất rộng, mình đổ từ lâu rồi. Việc quản lý tiếp ở đó là địa phương quản lý, địa phương chịu trách nhiệm, đất của địa phương mà.”

Suy nghĩ một lúc rồi ông Tùng chia sẻ tiếp: “Bãi rộng thế họ hoạt động như nào sao biết được, mỗi năm công ty thải ra đó khoảng 1 triệu tấn. Xít thải ra theo tiêu chuẩn chỉ là xít, trong viên xít có lẫn tạp chất, khẳng định là xít thải một trăm phần trăm. Bây giờ tỉnh yêu cầu Tuyển than Cửa Ông hết 2019 làm thủ tục quy hoạch kéo người theo đường sắt chở xít vào mỏ. Nếu không làm xong thì tỉnh yêu cầu dừng không đổ thải nữa. Và không đổ thải thì phải dừng nhà máy tuyển.”

Hai chiếc máy cẩu bốc xít, than lên những chiếc xà lan và tàu hơn nghìn tấn mang số hiệu ở các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Thái Bình chở đi tiêu thụ bằng tàu biển

“Việc đó liên quan đến cảng biển và nhiều thứ khác, chúng tôi chỉ đổ thải thôi chứ không có mối liên hệ hay quan hệ gì cả. Bãi rộng mênh mông như thế làm sao chúng tôi biết được…

Trả lời câu hỏi do phóng viên đặt ra về vị trí Tuyển than Cửa Ông đang ở đâu trong câu chuyện xít thải đó là tài nguyên của nhà nước, nhưng cá nhân lại vô tư tuyển rửa, tuồn bán trái phép bằng cả đường bộ và đường biển với số lượng rất lớn… ông Tùng lập luận: “Việc đó liên quan đến cảng biển và nhiều thứ khác, chúng tôi chỉ đổ thải thôi chứ không có mối liên hệ hay quan hệ gì cả. Bãi rộng mênh mông như thế làm sao chúng tôi biết được. Quyết định đổ thải của tỉnh giờ đã giao hết cho thành phố, phường nói chúng tôi thuê đất của dân là không đúng, chúng tôi được phép đổ theo các quyết định của tỉnh. Chúng tôi làm đúng!”

Trong khi đó, ở phía địa phương cấp cơ sở, ông Nguyễn Hồng Chương-cán bộ địa chính phường Cẩn Thịnh lại cho rằng: “Bây giờ họ không có văn bản tỉnh cho mượn đất thì làm sao họ làm được. Bây giờ tôi mang đồ của tôi đổ vào sân nhà anh thì anh có nghe không. Tuyển Than Cửa Ông trả lời như thế là rất vô trách nhiệm, là không đúng.”

Cũng nội dung này, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Đình Việt-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Cẩm Thịnh chia sẻ: “Xít của Tuyển than Cửa Ông có ô số 5 và số 3. Hiện số 3 vẫn là xít thải, số 5 hiện tại cụm công nghiệp lấy toàn bộ, san lấp mặt bằng xong rồi. Còn toàn bộ ô số 3 là đất của nhà bà L. Toàn bộ xít đấy được vận chuyển ra ô đất đó. Xít đổ ra thì bà ấy quản lý, Cửa Ông ký hợp đồng với nhà bà ấy để đổ xít ra và xử lý, tận dụng lại.”

Như vậy, trong khi chính quyền địa phương và Công ty tuyển than Cửa Ông chưa bên nào chịu trách nhiệm quản lý bãi xít thải mỗi năm tiếp nhận cả triệu tấn, thì ngày này qua ngày khác trong suốt nhiều năm qua nguồn tài nguyên không nhỏ của Quốc gia đã “được” hai “bà trùm” P.T và L “Xít” tuyển xít lấy than tuồn bán đi khắp nơi cả trong lẫn ngoài nước.

Đoàn tàu chở xít từ Công ty tuyển than Cửa Ông ra đổ tại bãi xít mỗi năm tiếp nhận triệu tấn ở phường Cẩm Thịnh
Nguồn: