Người dân vứt xác lợn chết trên suối Cam Ly ở Lâm Đồng

Ngày 5/3, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), ông Hoàng Huy Liệu – Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy Sản tỉnh Lâm Đồng và lãnh đạo xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) tỏ ra bất ngờ trước thông tin về tình trạng lợn chết trôi dọc suối Cam Ly.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy Sản tỉnh Lâm Đồng cho biết sẽ rà soát, cho tiêu hủy số lợn chết không rõ nguồn gốc này.

Suối Cam Ly chạy qua nhiều huyện nên nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Suối bắt nguồn từ huyện Lạc Dương, đi qua địa phận thành phố Đà Lạt, chảy qua huyện Lâm Hà và nhập vào sông Đạ Đờn (thượng nguồn sông Đồng Nai).

Nguy cơ bùng phát dịch khi người dân vứt xác lợn chết trên suối Cam Ly.

Cùng phóng viên đi dọc suối Cam Ly chảy qua địa phận thôn 2, xã Gia Lâm, ông Nguyễn Văn Hải là người dân sống tại đây bức xúc: Bệnh lở mồm long móng tại xã đã diễn ra cách đây khoảng 20 ngày. Tuy nhiên, các hộ dân không báo cho chính quyền địa phương mà mang lợn đã chết vứt xuống suối, mùi hôi thối nồng nặc.

Gia đình ông Hải cũng nuôi lợn nhưng khi có lợn chết, ông đã báo cáo địa phương. Mỗi ngày, gia đình ông phun khoảng 7 lần thuốc sát trùng để phòng dịch. Tuy nhiên, cách đây khoảng 1 tuần đàn lợn nhỏ 29 con đã bị dịch và chết. Ông Hà đã đem số lợn này bỏ vào hầm Bioga cho phân hủy.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN trong ngày 4/3, dọc theo suối Cam Ly, đoạn qua xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, hàng chục xác lợn chết đã nhiều ngày, trương phềnh nổi trên mặt nước, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Tại những đoạn nước suối cuốn vào vách đá, bụi cây những con lợn nhỏ được người dân cho vào bao tải rồi vứt xuống suối. Đặc biệt những nơi nước có vùng xoáy, xác lợn dạt vào, ứ đọng lại rất nhiều, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Ông Trần Văn Động, ở thôn 2, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, cho rằng nguyên nhân là do các hộ dân vứt gà chết, lợn chết xuống. Trong khoảng 2 tháng gần đây, mỗi lần ông nổ máy bơm để tưới dâu hay cà phê đều phải dùng gậy đẩy xác lợn chết trôi đi mới có chỗ đặt máy bơm.

Trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Đào Văn Hinh – Chủ tịch UBND xã Gia Lâm lại tỏ ra hết sức bất ngờ trước hình ảnh và thông tin phóng viên TTXVN cung cấp về tình trạng lợn chết.

Ông Đào Văn Hinh cho biết: “Địa phương đã phát hiện dịch từ trước Tết Nguyên đán và báo cáo Phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà kiểm tra. Tuy nhiên, khi phát hiện dịch người dân lại giấu, không báo với chính quyền địa phương. Vì vậy, khi kiểm tra trên địa bàn xã chỉ phát hiện 13 hộ có lợn mắc bệnh với số lượng nhỏ”.

Ông Hinh cũng cho rằng, việc người dân không thông báo với chính quyền địa phương sẽ gây khó khăn cho chính mình. Vì khi công bố dịch, thống kê số lượng lợn mắc bệnh, các hộ không thông báo sẽ không nhận được hỗ trợ.

Trong khi đó, ông  Hoàng Huy Liệu – Chi cục phó Chi cục Chăn  nuôi, Thú y và Thủy Sản tỉnh Lâm Đồng cho biết: Thời gian qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cơ quan thú y các cấp đã phối hợp xử lý dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi, dịch bệnh cơ bản đã được khống chế.

Hiện tượng vứt xác gia súc, gia cầm ra môi trường, sông suối cho thấy ý thức của người dân chưa cao. Trước thông tin TTXVN cung cấp chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan chuyên môn cấp huyện phối hợp với xã để thu gom, chôn lấp theo đúng quy định.

Để tránh tình trạng người dân giấu dịch, các cấp chính quền nên công khai chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các hộ có gia súc, gia cầm chết. Cụ thể theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh: Khi bị thiệt hại do dịch bệnh, Nhà nước sẽ hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi, 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu bò, dê cừu…

Theo báo cáo ngày 4/3 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận dịch bệnh long móng lở mồm xảy ra tại ba huyện Đức Trọng, Lâm Hà và Đạ Tẻh, làm trên 800 con lợn mắc bệnh; đã tiêu hủy 337 con mắc bệnh và chết.

Riêng tại huyện Lâm Hà, dịch lở mồm long móng đã xảy ra từ ngày 2/2/2019 làm 192 con lợn mắc bệnh, đã tiêu hủy 53 con mắc bệnh và chết. Số còn lại đã khỏi về triệu chứng.

Tuy nhiên, báo cáo từ chính quyền cơ sở và cán bộ thú y địa bàn huyện Lâm Hà lại thông tin từ ngày 17/2/2019 đến nay, tại địa phương này không phát hiện thêm gia súc mắc bệnh.

Hiện tại, tỉnh Lâm Đồng chưa ghi nhận bệnh dịch tả châu Phi trên lợn.