Lốc xoáy và mưa đá gây nhiều thiệt hại ở các tỉnh miền núi phía bắc

Chiều nay, 18-2, Ban PCTT và TKCN huyện Bảo Yên (Lào Cai) cho biết, lốc xoáy mạnh kèm theo mưa xảy ra ở huyện này lúc 19 giờ tối 17-2 đã gây nhiều thiệt hại về nhà ở và hoa màu của người dân địa phương.

Lốc mạnh làm hư hỏng nhà dân ở xã Ý Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai).

Theo thống kê ban đầu, có 200 nhà ở của người dân bị hư hỏng (tốc mái, bay vách chắn…), trong đó có 10 nhà ở bằng gỗ bị sập đổ hoàn toàn. Bên cạnh đó, nhiều diện tích hoa màu của người dân bị giập nát, thiệt hại. Lốc xoáy gây thiệt hại nặng nhất ở hai xã Minh Tân và Lương Sơn. Ước tổng thiệt hại khoảng hơn một tỷ đồng.

Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ, tiến hành cứu hộ, giúp người dân di chuyển đồ đạc, vật dụng sinh hoạt; bố trí nơi ở tạm cho những hộ dân bị sập đổ, hư hỏng nhà ở; khôi phục giao thông và sản xuất nông nghiệp.

Lốc xoáy làm sập đổ, hư hỏng hàng trăm nhà ở của người dân huyện Bảo Yên (Lào Cai).

Trước đó, vào khoảng 16 giờ 20 phút, ngày 17-2, một trận mưa đá kèm theo gió giật mạnh cấp 6-7 quét qua các xã: Tả Van, thị trấn Sa Pa, Tả Giàng Phìn (Sa Pa – Lào Cai), xã Ý Tý (Bát Xát- Lào Cai) đã gây thiêt hại cho người dân tại đây.

Mưa đá kéo dài khoảng 15 phút, hạt đá có đường kính từ 1-1,5 mm, kèm theo gió giật mạnh đã làm gãy đổ và giập nát nhiều diện tích cây ăn quả, rau màu của người dân trong vùng.

Ở khu vực Thác Bạc và đèo Ô Quý Hồ (Sa Pa), mưa đá đổ xuống dày đặc phủ kín mặt đường khiến các phương tiện giao thông không thể di chuyển được trong gần một giờ đồng hồ.

Tại xã Ý Tý (Bát Xát) lốc xoáy mạnh, kéo dài khoảng 15 phút, tốc độ gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10 đã làm tốc mái, hư hại nhiều nhà dân thuộc khu vực trung tâm xã.

Nguyên nhân là do Lào Cai đang chịu ảnh hưởng của rìa phía nam rãnh áp thấp có trục ở khoảng 25 – 26 độ vĩ bắc, kết hợp với tác động của vùng áp thấp nóng phía Tây, nên đã tạo ra một hình thế thời tiết xấu gây mưa dông và mưa đá trên diện rộng.

Đây là trận mưa đá đầu tiên xảy ra trong thời gian giao mùa năm nay ở Lào Cai. Bên cạnh gây thiệt hại, trận mưa đá cũng cung cấp một lượng nước cần thiết để giảm nhanh độ hanh khô, tăng độ ẩm lên cao, hạn chế nguy cơ cháy rừng ở tỉnh Lào Cai, nhất là khu vực Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa).

Gió lốc làm đổ cây lớn ở thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình.

* Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang cho biết, do ảnh hưởng của dải mây dông, trong chiều và tối ngày 17-2, mưa dông mạnh đã xuất hiện tại nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Mưa dông đầu mùa đã gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân.

Cụ thể, theo thống kê đến 10 giờ sáng 18-2, đã có một người bị thương nặng do gió lốc làm đổ nhà tại thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình.

Về nhà ở, toàn tỉnh có 10 nhà bị sập hoàn toàn; hơn 300 nhà bị tốc mái; chín điểm trường, nhà lưu trú giáo viên, trụ sở thôn bị hư hỏng nặng. Nhiều công trình thông tin liên lạc, công trình điện bị hư hỏng do đổ cột, đứt dây điện.

Về nông nghiệp, có hơn 8.000 m2 nhà lưới trồng rau sạch bị sập hoàn toàn; hơn 35 ha ngô bị ngập úng; nhiều diện tích cam đang trong thời kỳ cho thu hoạch bị gió lốc làm rụng quả.

Tổng thiệt hại do mưa dông trên địa bàn tỉnh ước hơn năm tỷ đồng, trong đó thiệt hại nặng nhất ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên.

Ngay sau khi xảy ra mưa dông, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng triển khai công tác khắc phục hậu quả, giúp đỡ người dân theo phương châm “bốn tại chỗ”. Trước mắt, huy động dân quân giúp đỡ các gia đình có nhà bị sập, tốc mái ổn định chỗ ở, thu dọn dẹp tài sản. Chính quyền các cấp cũng kiểm đếm thiệt hại về tài sản, hoa màu để đề nghị cấp trên hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước.

* Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao, đêm 17-2 nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có mưa dông, riêng khu vực TP Tuyên Quang có mưa to tới 67mm trong kèm gió giật mạnh lên đến 26m/s gây thiệt hại nặng.

Nhiều nơi trên địa bàn TP Tuyên Quang bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lớn và lốc xoáy.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, ở huyện Chiêm Hóa có ba xã bị ảnh hưởng; Na Hang 10 xã; Lâm Bình bảy xã bị ảnh hưởng; Hàm Yên ba xã và các xã, phường của TP Tuyên Quang. Có tổng số 307 nhà ở bị ảnh hưởng, trong đó sáu nhà bị thiệt hại sập đổ, tốc mái hoàn toàn; 301 nhà bị tốc mái hoặc hư hại. Có ba trường học bị ảnh hưởng, trong đó Trường Nà Cóoc Bắc Danh, xã Thanh Tương huyện Na Hang bị tốc mái hoàn toàn; Trường tiểu học Hồng Thái, TP Tuyên Quang bị tốc mái tầng 2; Trường THCS Lê Quý Đôn TP Tuyên Quang đổ 80m hàng rào, hư hỏng hệ thống điện: đổ, gãy một cột điện 3 pha, đứt hệ thống dây điện vào khu vực lớp học và phòng học bộ môn, hư hỏng hệ thống mái che và pano, camera giám sát… Cây xanh đô thị ở nhiều tuyến đường của TP Tuyên Quang cũng bị lốc xoáy quật đổ, gãy gây cản trở giao thông.

Hiện nay, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ quan phụ trách xã, phường xuống cơ sở nắm tình hình thiệt hại và hướng dẫn nhân dân khẩn trương khắc phục thiệt hại, bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.

* Do ảnh hưởng của dãy áp thấp bị nén kết hợp với hội tụ trong đới gió Tây trên cao, chiều ngày 16 và tối 17- 2 trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra mưa đá và lốc xoáy bất thường, gây nhiều thiệt hại về tài sản, nhà cửa của nhân dân huyện Mù Cang Chải, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Yên Bình.

Tính đến 14 giờ ngày 18-2, đã có năm ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn (huyện Yên Bình một nhà, huyện Lục Yên bốn nhà); 271 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó huyện Mù Cang Chải có 50 nhà bị tốc mái; mưa đá, lốc xoáy làm gãy đổ 5,5 ha cây bạch đàn, 58 lồng cá bị thiệt hại ở huyện Yên Bình, tổng ước tính tổng thiệt hại gần 1,7 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, trận mưa đá, lốc xoáy không gây thiệt hại về người. Hiện, những địa phương bị thiệt hại đang tích cực chỉ đạo, huy động các lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Đây là đợt thiên tai bất thường đầu tiên xảy ra sớm trong năm, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các địa phương trong tỉnh cần làm tốt công tác cảnh báo, dự báo để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

* Đêm 17-2, tại Bắc Cạn đã có mưa to, kèm theo tố lốc gây thiệt hại tại huyện Ba Bể và Pác Nặm. Thống kê ban đầu cho thấy, có hơn 400 nhà của người dân bị tốc mái.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Lưu Quốc Trung cho biết, qua thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng 312 nhà dân ở các xã Cao Trĩ, Thượng Giáo, Khang Ninh, Nam Mẫu, Quảng Khê, Địa Linh… bị tốc mái, hư hỏng. Phân trường Bản Duống, Coọc Mu, xã Hoàng Trĩ bị tốc mái. Thiệt hại về tài sản ước tính hơn một tỷ đồng.

Mái phibro xi-măng bị mưa lốc giật vỡ rơi vào trong nhà bà Triệu Thị Nhã.

Tại thôn Nà Lìn, xã Địa Linh mưa, gió lốc làm vỡ mái phibro xi-măng, rơi vào trong nhà khiến bà Triệu Thị Nha và cháu Lâm Thị Phương Thảo bị thương. Cả hai bà cháu đã được đưa đi cứu chữa tại bệnh viện. Tại thôn Kéo Pựt, xã Cao Trĩ, bà Nguyễn Thị Nông cũng bị thương do mái nhà sập đã được lực lượng tại chỗ kịp thời cứu giúp.

Theo Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Vi Duy Tuyến, toàn huyện có khoảng 123 nhà dân bị tốc mái, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Bộc Bố. Ngày 17-2, huyện tổ chức khai mạc lễ hội xuân Mù Là ở xã Cổ Linh, trong đêm 17-2, nhiều người dân tổ chức vui hội tại các trại dựng ở bãi trống trên núi. Mưa to kém gió lốc đã kéo sập toàn bộ các lán, trại ở lễ hội, tuy nhiên rất may không có người bị thương.

Ngay sau khi mưa lốc xảy ra gây thiệt hại, UBND huyện Ba Bể đã cử cán bộ xuống các xã, chỉ đạo huy động lực lượng dân quân thực hiện phương châm bốn tại chỗ giúp người dân ổn định cuộc sống, sửa chữa nhà cửa. Lãnh đạo huyện xuống thăm hỏi, động viên gia đình có người bị thương. UBND huyện Ba Bể và Pác Nặm chỉ đạo các xã thống kê chi tiết thiệt hại, lên phương án hỗ trợ cho người dân theo quy định.

* Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, mưa lớn, mưa đá kèm lốc xoáy trong hai ngày 16 và 17-2 trên địa bàn tỉnh Điện Biên gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Tại huyện Tủa Chùa, có một người mất tích là Lò Văn Dương (SN 1961) ở thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng khi anh Dương đi đánh cá trên lòng hồ Sông Đà, thôn Huổi Trẳng, bất ngờ gặp mưa to, gió lớn làm lật thuyền. Người dân và chính quyền địa phương nỗ lực tìm kiếm nhưng hiện tại vẫn chưa thấy anh Dương.

Một ngôi nhà của người dân bản Cáp, thị trấn Tủa Chùa bị đổ sập hoàn toàn.

Thống kê toàn tỉnh Điện Biên có 255 nhà dân bị thiệt hại, trong đó một nhà dân ở huyện Tuần Giáo cần di dời gấp, 16 nhà bị đổ sập hoàn toàn (huyện Tủa Chùa ba nhà, Nậm Pồ ba nhà, Tuần Giáo có năm nhà, Mường Chà năm nhà); 238 nhà bị tốc mái (huyện Tủa Chùa 49 nhà, huyện Nậm Pồ 70 nhà, Tuần Giáo 115 nhà và huyện Mường Chà bốn nhà).

Mưa lớn kèm lốc xoáy cũng khiến 14 điểm trường bị tốc mái, thiệt hại; một thuyền bị chìm tại lòng hồ Sông Đà ở Tủa Chùa; một nhà thi đấu đa năng bị sập, một số tường bao và cổng nhà bị gãy đổ. Ước tính thiệt hại ban đầu gần hai tỷ đồng.

Ngay sau khi mưa bão xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện khẩn trương phối hợp với UBND các xã xuống cơ sở đánh giá thiệt hại; đồng thời xây dựng phương án chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão năm nay.