Ấn Độ dự định chi 12 tỷ USD để giảm ô nhiễm không khí

Chính phủ Ấn Độ đã đề xuất nhiều sáng kiến với tổng trị giá 885 tỷ Rupee (12,4 tỷ USD) nhằm khuyến khích các nhà máy điện lắp đặt thiết bị giảm ô nhiễm, và phát triển hạ tầng cho xe điện.

Khói bốc lên từ nhà máy nhiệt điện Badarpur ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Theo thông báo của chính phủ, phần lớn số tiền trên (835 tỷ Rupee) sẽ được sử dụng để giảm khí thải lưu huỳnh từ các nhà máy điện, phần còn lại dùng để phát triển hạ tầng cho xe điện tại 70 thành phố trong vòng 5 năm tính đến năm 2025.

Sáng kiến phát triển hạ tầng cho xe điện là một phần nỗ lực của Ấn Độ nhằm khuyến khích tăng bán xe điện, với hy vọng sử dụng hoàn toàn xe điện vào năm 2030.

Đề xuất trên của Bộ Điện lực Ấn Độ được đưa ra sau khi có một đề xuất rằng các chi phí lắp đặt thiết bị giảm ô nhiễm nên do người tiêu dùng chi trả.

Theo một báo cáo gần đây, các kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh lĩnh vực tiện ích đang chịu sức ép về tài chính, khi các khoản vay từ hầu hết các ngân hàng nhà nước đã cần được tái cơ cấu.

Trong hai năm trở lại đây, Hiệp hội các nhà sản xuất điện – một nhóm công nghiệp đại diện cho các công ty tư nhân như Reliance Power và Adani Power hay cả công ty điện lực nhà nước NTPC – đã vận động hành lang cho các sáng kiến trên.

Ấn Độ đã kéo dài thời hạn tháng chót 12/2017 cho các cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn thải khí trong vòng 6 năm, trong khi các nhà sản xuất điện đang nỗ lực tuân thủ các quy chế nghiêm ngặt do Bộ Môi trường đặt ra năm 2015 về cắt giảm khí thải gây các bệnh về phổi, gây mưa axit và sương mù.

Các nhà máy nhiệt điện gây ra 80% lượng khí thải công nghiệp dạng hạt, lưu huỳnh và khí ôxít nitơ tại Ấn Độ.