Giải quyết bài toán về quản lý du lịch và rác thải tại Hạ Long – Cát Bà

Ngày 9/1, tại Trung tâm Hội nghị TP Hải Phòng, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức cuộc họp cấp Lãnh đạo sáng kiến Liên minh Hạ Long – Cát Bà, liên quan đến quản lý du lịch cũng như các khuyến nghị về rác thải tại di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – Cát Bà.

Tới dự có sự tham gia của đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh, các sở ban ngành có liên quan, các DN, các thành viên trong Liên minh Hạ Long – Cát Bà.

Quang cảnh cuộc họp

Trước đó vào tháng 7/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có yêu cầu gửi đến tổ chức IUCN nhằm hỗ trợ các hoạt động về quản lý du lịch bền vững và bảo vệ môi trường tại vịnh Hạ Long.

Theo ý kiến của các chuyên gia, hiện tại vịnh Hạ Long chưa nằm trong mối đe dọa. Nhưng nếu lượng khách du lịch ngày càng gia tăng, thì có thể thời gian tới việc quản lý du lịch cũng như quản lý rác thải chưa thực sự hiệu quả chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến di sản.

Liên quan đến việc làm thế nào để thời gian tới đưa Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới, đại diện Ban quản lý di sản Cát Bà Nguyễn Anh Tuân cho biết: Hiện Cát Bà đã hoàn thành được hồ sơ khoa học theo 4 tiêu chí, trong đó có 2 tiêu chí mới về đa dạng sinh thái và hệ sinh thái… Riêng việc khoanh vùng di sản thì có một số nét mới. Theo đó, UBND TP Hải Phòng phải trình với Ban di sản Quốc gia, và sẽ tiến hành làm các bước theo trình tự cho phù hợp với thực tiễn để mang lại hiệu quả cao nhất.

Để giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường tại vịnh Lan Hạ, ông Hoàng Trung Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho rằng, hiện nay thực trạng nuôi cá lồng bè tại Cát Bà đa phần đều tự phát nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy, tích tụ ô nhiễm dẫn tới sự cố môi trường, thiếu hụt ôxi trong nước đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường của vịnh.

Giải pháp đặt ra, từ 2019 – 2020 hoàn thiện quy hoạch chi tiết vị trí nuôi lồng bè, sắp xếp lại toàn bộ vị trí neo đậu, đảm mỹ quan môi trường sinh thái. Tập trung phát triển các đối tượng cá biển có giá trị hiệu quả kinh tế cao, quy định về điều kiện nuôi lồng bè và trang thiết bị kỹ thuật không gây ô nhiễm môi trường…

Đối với nước thải phát sinh từ tàu du lịch, có 121 phương tiện thủy kinh doanh dịch vụ du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà là nguyên nhân tiềm ẩn gây ô nhiễm. Với 51 đơn vị đăng ký ngủ đêm phải ký hợp đồng với cơ quan chức năng để xử lý. Thời gian tới UBND huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiên quyết đình chỉ và chấm dứt hoạt động đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh khi có hành vi nước thải, rác thải ra môi trường…

Tại cuộc họp cũng đã đề cập đến việc xác định ranh giới của Di sản Thiên nhiên thế giới mở rộng, bao gồm vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà sẽ cần phải được thực hiện cùng công tác quản lý và quy hoạch chặt chẽ nhằm đảm bảo không có thêm những tác động gây ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên thế giới. Bên cạnh đó, đề ra một số giải pháp về sự đồng bộ giữa Hải Phòng và Quảng Ninh về ô nhiễm chất thải rắn và ô nhiễm nước. Cả hai tỉnh thành phố cần kết hợp để bảo tồn giá trị độc đáo và giải quyết các thách thức về môi trường trong khu vực.

Đối với tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ đạo cụ thể cho UBND TP Hạ Long cần có giải pháp thay thế phao xốp đối với các công trình nổi trên vịnh Hạ Long. Hạn chế tối đa sử dụng phao xốp vật liệu trong nuôi trồng thủy sản làm ảnh hưởng đến môi trường trên vịnh.

Đối với huyện Cát Hải cần chấn chỉnh xử lý đưa các tàu xi măng, phương tiện khai thác, cơ sở sửa chữa cơ khí ra khỏi vịnh bến Bèo, vịnh Lan Hạ. Chấm dứt nuôi nhuyễn thể trên các bãi triều, rạn ngầm tại các vịnh, cắt giảm 30% cơ sở nuôi và số ô lồng nuôi thủy sản…

Cuối cùng tại cuộc họp đề cập đến các tiêu chí để đánh giá và hướng đưa hồ sơ để đề cử Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới, mặc dù các tiêu chí cũng như việc trình hồ sơ mất khá nhiều thời gian nhưng thời gian tới Quảng Ninh, Hải Phòng cần bàn bạc về ranh giới như các khu vùng đệm; quản lý khu di sản vịnh Hạ Long Cát Bà là đa ngành đa lĩnh vực nên cần quan tâm tới việc quản lý, huy động nhiều lực lượng sức mạnh vào khu di sản. Cần có một Ban quản lý khu di sản chung để đủ mạnh làm tốt công việc của mình.