“Rhino Coin” có cứu được tê giác châu Phi?

Những chủ trang trại nuôi tê giác tại Nam Phi đang ủng hộ một loại tiền mã hóa, được hỗ trợ bởi các kho dự trữ sừng tê giác có giá trị, để tài trợ cho việc bảo vệ các loài động vật bị đe dọa. Tuy nhiên, hy vọng của họ vẫn nằm trong canh bạc lâu dài rằng lệnh cấm buôn bán sừng tê toàn cầu sẽ được dỡ bỏ.

Trong một hầm sâu dưới lòng đất ở đâu đó tại Nam Phi là một bộ sưu tập sừng tê giác được bảo vệ cẩn thận, mỗi cái được cân, đo, chụp ảnh, gắn microchip, lấy mẫu DNA, giải mã và ghi lại trong cơ sở dữ liệu. Tổng cộng, những chiếc sừng – được khai thác hợp pháp từ tê giác được nuôi trên đất tư nhân – nặng 108 kg.

“Sẽ thật điên rồ nếu xét trên khía cạnh tài sản bị định giá thấp”, Alexander Wilcocks, một giám đốc của Cornu Logistics, công ty sở hữu số sừng tê nói.

Wilcocks dẫn chứng thực tế là sừng tê giác được giao dịch bất hợp pháp – để làm đồ trang sức hoặc được bán dưới dạng “thuốc” mà hiệu quả không được chứng minh rõ ràng – hiện là một trong những mặt hàng có giá trị nhất trên hành tinh, lên đến 125 USD mỗi gram tại thị trường chợ đen châu Á.

Thương mại quốc tế sừng tê giác đã bị cấm trong nhiều thập kỷ nhưng điều đó không ngăn được Wilcocks và các đối tác của mình – được ủng hộ bởi những chủ trang trại Nam Phi nuôi tê giác trên đất riêng – lập ra một kế hoạch có thể thu được lợi nhuận khổng lồ một khi thương mại quốc tế được hợp pháp hóa. Họ đã tung ra một loại tiền kỹ thuật số mới có tên “Rhino Coin”, qua đó hầu như ai cũng có thể sở hữu một phần sừng trong hầm của Cornu với giá khoảng 4 đô la/gram – một phần rất nhỏ so với giá trị thị trường chợ đen.

Nam Phi có quần thể tê giác lớn nhất thế giới với khoảng 15.000 đến 20.000 cá thể tê giác trắng và đen. Nhưng những kẻ săn trộm đã giết hơn 1.000 con mỗi năm kể từ năm 2013, và nhiều người trong số 330 chủ nuôi tê giác tư nhân của nước này – đang chăm sóc hơn 7.000 con tê giác – nói rằng họ phải trả tiền cho an ninh để ngăn những kẻ săn trộm được vũ trang giết tê giác của họ lấy sừng. Bằng cách bán Rhino Coin – một loại tiền mã hóa giống như Bitcoin nhưng được hậu thuẫn bởi sừng tê giác, Wilcocks nói rằng công ty của ông có thể huy động vốn để bảo vệ tê giác. Đó là “tiền mã hóa có lương tâm”, ông nói.

“Các khu bảo tồn tư nhân đã chi khoảng 140 triệu USD từ năm 2009 đến cuối năm 2017 để bảo vệ động vật của họ”, Pelham Jones, chủ tịch Hiệp hội chủ sở hữu tê giác tư nhân nói. “Chúng tôi rất mong muốn có nguồn thu để chi trả cho việc bảo tồn các loài động vật này, đặc biệt là trong bối cảnh chúng tôi đang sở hữu khoảng 50% tổng đàn của quốc gia”.

Rhino Coin vốn nằm ở rìa của một cuộc tranh luận đã nổ ra trong nhiều năm về việc hợp pháp hóa thương mại sừng tê giác, nay cuộc tranh luận ấy lại càng sâu sắc hơn do nạn săn trộm đang diễn ra dữ dội. Việc thương mại hóa quốc tế sừng tê đã bị cấm theo Công ước CITES từ năm 1977 và thương mại nội địa trong hầu hết các nước châu Á, bao gồm cả các thị trường lớn ở Trung Quốc và Việt Nam cũng vậy.

Phần lớn các tổ chức bảo tồn và phúc lợi động vật toàn cầu đều chống lại đến cùng việc hợp pháp hóa thương mại bởi họ tin rằng hành động này sẽ làm trầm trọng thêm nạn săn trộm bằng cách tạo ra nhu cầu tiêu dùng không thể kiểm soát đối với sừng. Các nhà bảo tồn nói rằng người mua tiềm năng từ Trung Quốc lớn đến mức họ sẽ tiêu thụ số sừng hợp pháp nhanh hơn mức có thể được bổ sung và sẽ khuyến khích những kẻ săn trộm hành động. Giới chuyên gia khẳng định vì sản phẩm sừng săn trộm khó phân biệt với các sản phẩm sừng được khai thác hợp pháp và giao dịch ở Nam Phi nên thương mại quốc tế hợp pháp có thể tạo luồng cho sừng săn trộm tìm đường đến thị trường.

Khác với phần lớn các nước châu Phi, Nam Phi có khu vực chăn nuôi động vật hoang dã tư nhân lớn. Trang trại nuôi là một thuật ngữ lỏng lẻo: Một số chủ trang trại hoạt động theo kiểu vỗ béo tê giác, họ dồn hàng tá con tê giác vào một bãi quây và cho chúng ăn thức ăn công nghiệp. Trong đó, có John Hume, chủ sở hữu tê giác lớn nhất thế giới với hơn 1.600 cá thể. Hume rất ủng hộ sáng kiến ​​Rhino Coin và là người đóng góp sừng hàng đầu cho hệ thống.

Bác sĩ thú y kiểm tra một cá thể tê giác ở trang trại của John Hume gần Klerksdorp, Nam Phi (Ảnh: Mujahid Safodien/AFP/Getty Images)

Các chủ trang trại khác giữ cho tê giác tương đối hoang dã, thả chúng trên các khu vực rộng lớn để tự tìm thức ăn. Hầu như tất cả các trại chăn nuôi tê giác cần lực lượng an ninh để ngăn chặn những kẻ săn trộm có sử dụng súng và thậm chí cả các thiết bị nổ. Các trận đấu súng chết người diễn ra khá phổ biến. Các khu bảo tồn công và tư đều có bảo vệ với súng trường tự động và súng phóng lựu đạn, hàng rào điện, máy bay hạng nhẹ và trực thăng cũng như radar, máy ảnh và thiết bị nghe. Điều này giúp giảm săn trộm trong một số khu bảo tồn nhưng cũng khá tốn kém, do đó dẫn tới những nỗ lực để gây quỹ thông qua việc bán sừng tê giác.

Nam Phi yêu cầu ngừng buôn bán sừng tê giác nội địa vào năm 2009 vì chính phủ nhận thấy thị trường nội địa được sử dụng làm vỏ bọc để bán sừng săn trộm cho các tổ chức tội phạm quốc tế. Bất chấp sự phản đối từ các nhóm bảo tồn, các chủ sở hữu tê giác tư nhân ở Nam Phi tiếp tục đẩy mạnh việc tái hợp pháp hóa thương mại, thậm chí, năm ngoái họ đã thắng một vụ kiện tại Tòa án Hiến pháp Nam Phi và lật ngược lệnh tạm ngừng năm 2009.

Chính phủ hiện đã xây dựng một hệ thống khá cồng kềnh nhằm hỗ trợ thương mại nội địa như sừng được đăng ký DNA, cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống giấy phép được thiết lập nhằm giúp người mua và người bán có thể giao dịch hợp pháp sừng ở Nam Phi, đồng thời giúp nhà nước theo dõi được quyền sở hữu của mỗi chiếc. Có khoảng 860 chiếc sừng đã được giao dịch trong nước trong năm 2018, theo Bộ Môi trường nước này.

Rhino Coin được đưa ra đầu năm 2018 nhằm đơn giản hóa quá trình kinh doanh hợp pháp sừng và để tạo ra một dòng doanh thu cho chủ sở hữu tê giác cũng như giới bảo tồn tê giác nói chung. “Ý tưởng của chúng tôi là nó sẽ giống như tiêu chuẩn vàng”, Wilcocks nói. Kế hoạch của Wilcocks là sử dụng tiền điện tử giao dịch trên Internet thay vì đô la giấy và sừng tê giác thay vì vàng. Hầu hết những người mua Rhino Coin đều là những nhà đầu cơ, họ đánh cược rằng lệnh cấm giao dịch sừng tê giác quốc tế sẽ được dỡ bỏ một ngày nào đó, và chiếc sừng đó có thể được bán ở châu Á.

Theo kế hoạch Rhino Coin, một chủ sở hữu đặt sừng vào hệ thống bằng cách bán cho Cornu Logistics một cách hợp pháp. Sừng được cân chính xác đến từng gram, kiểm tra và đặt trong hầm của Cornu. Một mã thông báo kỹ thuật số được tạo ra cho mỗi gram sừng thông qua công nghệ blockchain, một phương tiện tạo ra cơ sở dữ liệu phân tán các hồ sơ có thể kiểm chứng và chống tham nhũng. Rhino Coin có thể được mua bằng đồng rand Nam Phi bởi người mua trong nước và quốc tế, có thể giao dịch trên sàn Cornuex, nơi giá biến động theo cung và cầu.

Chủ sở hữu sừng nhận được 54% Rhino Coin và có thể giữ lại mã thông báo hoặc bán chúng thông qua trao đổi để lấy tiền mặt bất cứ lúc nào. Phần còn lại của Rhino Coin được phân bổ cho một quỹ bảo tồn và chi phí hành chính, chẳng hạn như lưu trữ sừng.

Ảnh: Mujahid Safodien/AFP

Theo Wilcocks, tất cả các đồng tiền được tạo ra từ 108 kg sừng trong hầm của Cornu hiện đang được lưu hành nhưng khối lượng giao dịch thấp vì gần đây họ không thực hiện bất kỳ chương trình khuyến mãi nào. Chưa có đồng xu nào được đổi lấy sừng. Ông dự định ra mắt một chiến dịch quảng bá vào tháng 1/2019 để tăng lãi suất cho Rhino Coin và thêm 500 kg sừng đang chờ kiểm tra để bổ sung vào hệ thống.

Việc cưa sừng là khá phổ biến tại các khu bảo tồn và trang trại nuôi tê giác nhằm giảm bớt giá trị của loài động vật này với những kẻ săn trộm cũng như phục vụ việc thu hoạch sừng. Tê giác thường được bác sĩ thú y tiêm thuộc an thần bằng súng phi tiêu và vài centimet sừng sẽ được cắt theo một cách không gây đau đớn. Cứ 2 đến 3 năm, khi sừng mọc lại, chu trình này lại quay vòng. Pelham Jones ước tính khoảng 30 tấn sừng đang dự trữ ở Nam Phi (trong đó chừng 10 tấn thuộc sở hữu của khu vực tư nhân) thì có đến 17 – 20 tấn có nguồn gốc từ các vườn quốc gia và khu bảo tồn nhà nước, cụ thể là được trữ trong các căn hầm của chính phủ.

Jones nói rằng sừng trong các kho dự trữ này – liên tục được bổ sung từ các trang trại tê giác – có thể mang lại nguồn tiền lên tới 65 tỷ Rand (khoảng 4,5 tỷ USD) trong 5 năm nếu được bán hợp pháp ở châu Á. Các ước tính thận trọng hơn thì cho rằng giá trị tiềm năng của kho dự trữ của Nam Phi khoảng hơn 1 tỷ đô la.

Nhiều người giám hộ tê giác – bao gồm một số cơ quan bảo tồn chính phủ và phần lớn các chủ tê giác tư nhân ở miền nam châu Phi – cho rằng thương mại hợp pháp có thể khuyến khích bảo tồn tê giác tốt hơn, và thị trường châu Á có thể được quản lý để nhu cầu tiêu dùng vô độ không dẫn tới việc săn trộm tràn lan.

Tuy nhiên, các tổ chức bảo tồn thường trích dẫn việc hợp pháp bán ngà voi từ Botswana, Nam Phi và từ Zimbabwe sang Trung Quốc, Nhật Bản năm 2008 để tái bảo lưu quan điểm không nên bán sừng tê giác. Giống như sừng tê, việc buôn bán ngà voi quốc tế từ lâu đã bị cấm, nhưng trong năm 2008, CITES đã cho phép “bán một lần” dựa trên quy định nghiêm ngặt. Mặc dù Trung Quốc đã triển khai các biện pháp bảo vệ tinh vi để theo dõi và kiểm soát ngà voi từ vụ này nhưng O Criodain, Giám đốc chính sách thực hành động vật hoang dã của WWF International cho biết việc đó đã thất bại. Nhiều cửa hàng và xưởng chạm khắc ngà không được chứng nhận mọc lên như nấm sau mưa để tận dụng nhu cầu tiêu dùng hồi sinh và “có một thị trường bất hợp pháp song song mà Trung Quốc không muốn hoặc không thể kiểm soát được”.

Săn trộm voi và buôn lậu ngà tăng vọt để cung cấp cho các cửa hàng bất hợp pháp này. Đến năm 2011, ít nhất 15.000 con voi châu Phi bị giết hàng năm. Dưới áp lực quốc tế, Trung Quốc triệt phá buôn lậu và cấm bán ngà voi trong nước, kết quả là tỷ lệ săn trộm voi giảm hẳn.

Mặc dù John Hume miêu tả mình là một nhà bảo tồn yêu tê giác, song động cơ của ông ta thường được bị nghi ngờ. Ông ta sở hữu hàng tấn sừng và có thể kiếm được hàng trăm triệu đô la nếu bán ở châu Á. Trước đây, ông ta đã bán tê giác cho những người tham gia trò săn bắn có chiến lợi phẩm và cũng đã bán tê giác cho hai anh em bị nghi ngờ là săn trộm và buôn lậu sừng tê, theo Dự án Báo cáo Tội phạm và Tham nhũng có tổ chức.

Một số nhà quan sát nói rằng khi mà người mua có thể mua thẻ từ bất cứ nơi nào, CITES có thể xem Rhino Coin như một hình thức giao dịch sừng quốc tế và cố gắng hạn chế nó bởi xét cho cùng thì Công ước này điều chỉnh các loài hoang dã “và các dẫn xuất của chúng”. Tom Milliken thuộc tổ chức TRAFFIC nói: “Tôi không có nhiều điều để nói về Rhino Coin ngoài việc đây là một nỗ lực để tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ cho giới nuôi tê giác tư nhân vốn khá gây tranh cãi, nó không thực sự có tác dụng bảo tồn theo bất kỳ khía cạnh nào và sẽ không tạo thành lực hút trên thị trường tài chính”.

O Criodain cho biết ông sẽ không đặt cược vào việc lệnh buôn bán sừng tê giác được hợp pháp hóa ở quy mô quốc tế hoặc trong phạm vi Trung Quốc vì toàn cầu phản đối rất mạnh mẽ và các nhà đầu cơ Rhino Coin có thể không bao giờ hiện thực hóa được lợi nhuận. Ông chỉ ra rằng vào ngày 30/10, chính phủ Trung Quốc tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng sừng tê giác trong y học cổ truyền và xem đây là bước đầu để mở lại thương mại, nhưng tuyên bố này nhanh chóng bị rút lại khi chính quyền Bắc Kinh hứng chịu một cơn bão phản đối từ các tổ chức bảo tồn. Và ngày 12/11, Trung Quốc phải ra thông báo tuyên bố các quy định chi tiết nhằm thực hiện sự thay đổi pháp lý được nêu vào tháng 10 sẽ bị “hoãn lại sau khi nghiên cứu”. Theo đó, lệnh cấm bán và sử dụng sừng tê giác vẫn có hiệu lực.

Mặc dù số vụ tê giác chết dường như đang giảm nhẹ ở Nam Phi trong năm 2018 nhờ các biện pháp chống săn trộm tốt hơn, song các cuộc đột nhập vào các khu bảo tồn được ghi nhận và nạn săn trộm vẫn tiếp tục gia tăng do các tập đoàn tội phạm xuyên quốc gia đang nỗ lực gom sừng. Trong khi đó, các kho dự trữ tư nhân và chính phủ tiếp tục mọc lên, làm tăng động cơ thương mại hóa sừng tê trên toàn thế giới.

Nhật Anh (Theo e360.yale.edu)

Nguồn: