Thúc đẩy hòa bình bền vững

Theo Liên hợp quốc (LHQ), để xây dựng một nền hòa bình bền vững cho khu vực Xa-hen của châu Phi, thế giới cần khẩn trương hỗ trợ nhằm giảm đến mức thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm các cộng đồng nơi đây có cơ hội tiếp cận những giải pháp đó. Mới đây, các nước phương Tây cam kết tài trợ khoảng 2,7 tỷ USD nhằm ngăn chặn khủng bố và tình trạng vô luật pháp dọc vành đai Nam sa mạc Xa-ha-ra.

Hạn hán nghiêm trọng ở khu vực Xa-hen. Ảnh: TRWORLD.COM

Vùng Xa-hen gồm 10 quốc gia với khoảng 300 triệu dân, trải dài từ Đại Tây Dương đến Biển Đỏ. Xung đột hiện xảy ra tại nhiều quốc gia trong khu vực, như Ma-li, Ni-giê-ri-a, CH Sát, Xu-đăng… Chỉ riêng năm 2018, khoảng 4,9 triệu người phải bỏ nhà cửa, chạy trốn bạo lực. Theo thống kê của LHQ, khoảng 24 triệu người ở các quốc gia vùng Xa-hen cần trợ giúp nhân đạo.

Tại phiên họp hằng năm của Ủy ban gìn giữ hòa bình của LHQ mới đây, Phó Tổng Thư ký LHQ A.Mô-ha-mét khẳng định, để đạt được hòa bình và phát triển bền vững cho khu vực Xa-hen, thế giới cần chung tay giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột và khủng hoảng, đó là nạn phân biệt đối xử, chính phủ yếu kém, xung đột và tác động của biến đổi khí hậu.

Xa-hen hiện cũng là một trong những khu vực bị suy thoái môi trường nặng nề nhất trên thế giới, mức tăng nhiệt độ ước cao gấp 1,5 lần so trung bình toàn cầu. Điều này trực tiếp dẫn đến những thảm họa lũ lụt và hạn hán phá hủy mùa màng, cản trở phát triển kinh tế. Điều kiện sống của hàng triệu người dân địa phương vô cùng khó khăn. Theo một thống kê mới nhất, khoảng 33 triệu người ở khu vực Xa-hen thiếu đói, trong đó, 4,7 triệu trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Cố vấn đặc biệt của LHQ về Xa-hen I.Thi-o cho rằng, Xa-hen là khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Khu vực này cũng đối mặt hàng loạt vấn đề do tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, dự báo khoảng 2,8%/năm, trong khi tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Chủ tịch Hội đồng Kinh tế xã hội (ECOSOC) I.Kinh nhận định, những điều này có nguy cơ dẫn đến các cuộc xung đột mới và làm gia tăng dòng người di cư, vốn được xem là các vấn đề nổi cộm trong khu vực.

Trong khuôn khổ cuộc họp chung mới đây giữa ECOSOC và Ủy ban gìn giữ hòa bình của LHQ, diễn ra tại Niu Oóc (Mỹ), lãnh đạo các địa phương trong khu vực đã trình bày nhiều sáng kiến hành động, nhằm giải quyết các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu. Thị trưởng thành phố Đô-ri ở Buốc-ki-na Pha-xô A.Đi-a-lô nêu bật một số chính sách đã được triển khai trong địa phương của mình, trong đó có những nỗ lực tái trồng rừng, hỗ trợ tài chính cho nông dân, tập huấn cho người nuôi ong, hợp tác xuyên biên giới với các thành phố nước khác để triển khai các dự án chung. Ông A.Đi-a-lô cũng đề nghị sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy các sáng kiến về đô thị, vì hạnh phúc của người dân và cộng đồng trong khu vực.

Báo cáo của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) chỉ ra rằng, mức độ rủi ro mà Xa-hen đối mặt liên quan sự ấm lên toàn cầu, có thể được hạn chế, nếu nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,50C so mức thời kỳ tiền công nghiệp. Chủ tịch Ủy ban gìn giữ hòa bình của LHQ I.Din-ga cũng nhấn mạnh, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, bao gồm: Sa mạc hóa, hạn hán, lũ lụt và thực phẩm không an toàn đã và đang đặt ra hàng loạt mối đe dọa nghiêm trọng cho nhiều thế hệ người dân, ảnh hưởng sự phát triển của khu vực và trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia LHQ khẳng định, ECOSOC và Ủy ban gìn giữ hòa bình của LHQ có thể cùng nhau hỗ trợ các sáng kiến địa phương, thông qua việc phối hợp các chính sách, xây dựng quan hệ đối tác, huy động nguồn lực và thúc đẩy các dự án hợp tác.