UNESCO và Coca-Cola hỗ trợ các chiến dịch tái chế rác thải

Ngày 17/10, tại Hà Nội, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam phối hợp cùng Coca Cola Foundation và một số đối tác tổ chức khởi động Dự án hợp tác “Vì một thế giới không rác thải” năm 2018. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình hành động chung của Liên hợp quốc cùng các đối tác trong nước và quốc tế về rác thải nhựa tại Việt Nam.

Sinh viên Hà Nội trải nghiệm một số trò chơi được làm từ chai nhựa

Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thu thập, tái sử dụng, tái chế nhựa và các chất thải rắn một cách sáng tạo; tạo ra mạng lưới thu gom và xử lý các chất thải tái chế, thực hành thu gom rác tại các cộng đồng địa phương, làm sạch biển; khuyến khích ứng dụng cách tiếp cận sáng tạo để nâng cao nhận thức của cộng đồng và hỗ trợ thanh niên cùng phát triển các ý tưởng sáng tạo trong thu thập, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa cũng như các chất thải rắn khác. Trong pha 1 (từ tháng 10/2018 đến tháng 5/2019), chương trình sẽ hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ, sinh viên và cộng đồng địa phương thực hiện các dự án, chiến dịch về tái chế rác thải tại các địa điểm là di sản thế giới ở Việt Nam.

Theo ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối, đe dọa hệ sinh thái biển do không được thu hồi và tái chế đúng cách. Với chương trình này, UNESCO và các đối tác mong muốn góp phần truyền cảm hứng thúc đẩy người dân Việt Nam thu gom, tái chế và tái sử dụng rác thải nhựa hướng tới mục tiêu “Vì một thế giới không rác thải”.

Ông Hiroshi Kanazawa, Tổng giám đốc Coca Cola khu vực Đông Dương cũng chia sẻ 4 bốn mục tiêu mà công ty sẽ thực hiện tại Việt Nam gồm: giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy mô hình kinh doanh bền vững; phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; xây dựng và hình thành thói quen quản lý chất thải một cách có trách nhiệm cho xã hội, cộng đồng. Ngoài ra, công ty cũng hướng tới mục tiêu sử dụng nhựa tái chế để sản xuất 10% số lượng chai nước Dasani vào cuối năm 2018.

Tại Lễ khởi động, UNESCO Việt Nam chính thức kêu gọi các tác phẩm/ý tưởng tham gia Giải thưởng “The art of recycle” với giải nhất trị giá 30 triệu đồng. Giải thưởng dự kiến được công bố vào tháng 4/2019 và những ý tưởng xuất sắc sẽ được hỗ trợ tài chính để triển khai trong thực tế.