Việt Nam trong top các quốc gia cam kết mạnh mẽ nhất về tăng chi tiêu xã hội

Việt Nam nằm trong top 10 các quốc gia tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cam kết mạnh mẽ nhất cải thiện chính sách thuế và việc tăng chi tiêu cho các dịch vụ xã hội – theo báo cáo Chỉ số Cam kết giảm Bất bình đẳng…

Nhân Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa khai mạc tại Bali, Indonesia, với sự tham dự của lãnh đạo các ngân hàng trung ương, các bộ trưởng tài chính cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, đại diện các tổ chức xã hội dân sự và học giả toàn cầu, Oxfam đã công bố báo cáo Chỉ số Cam kết giảm Bất bình đẳng, xếp hạng 157 quốc gia dựa trên các chính sách liên quan tới vấn đề giảm bất bình đẳng.

Báo cáo xếp hạng toàn cầu các chính phủ dựa trên những can thiệp mà họ đang triển khai nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Chỉ số Cam kết Giảm Bất bình đẳng (CRI) cho thấy các chính phủ đang theo hai hướng: Giải quyết hay thúc đẩy gia tăng bất bình đẳng.

Chỉ số CRI 2018 xếp hạng 157 quốc gia dựa trên chính sách của họ về chi tiêu xã hội, thuế và quyền lao động – ba lĩnh vực mà theo các tổ chức là thiết yếu trong việc giảm bất bình đẳng. Chỉ số CRI 2018 cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa các chính phủ như Hàn Quốc, Indonesia và Gruzia, những nước đang có nhiều bước tiến tích cực để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, và nhóm các chính phủ đang làm cho khoảng cách này tồi tệ hơn. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia, ngay cả những nước được xếp hạng cao, cũng đã có thể làm được nhiều hơn nữa.

Chỉ số CRI 2018 được công bố trước thềm cuộc họp các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương và các nhà lãnh đạo kinh tế khác tại Ngân hàng Thế giới và Hội nghị Thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế tuần này, ở Bali, Indonesia.

Quốc gia giàu nhất nhưng đứng cuối bảng

Chỉ số CRI 2018 cho thấy, mặc dù là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, Singapore hiện đang nằm trong danh sách 10 quốc gia đứng cuối bảng về giải quyết bất bình đẳng, xếp thứ 149. Thứ hạng này được đo bởi một chỉ số mới bổ sung trong CRI 2018 về các mức độ chính sách quốc gia tạo điều kiện để doanh nghiệp né tránh thuế. Singapore cũng không có lương tối thiểu cho công nhân, ngoại trừ nhân viên vệ sinh và bảo vệ.

Nigeria đứng cuối cùng trong hai năm liên tiếp do chi tiêu xã hội thấp, vi phạm quyền lao động và thu thuế kém. Xếp hạng phản ánh hiện trạng tại quốc gia này cho thấy, cứ 10 trẻ thì có một trẻ chết trước ngày sinh nhật 5 tuổi.

Ngược lại, Hàn Quốc đã thực hiện các bước đáng kể để giải quyết bất bình đẳng – tăng mức lương tối thiểu lên 16,4%, tăng thuế đối với những người giàu và các công ty, đồng thời mở rộng chi tiêu xã hội.

Việt Nam nằm trong top 10 các quốc gia tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cam kết mạnh mẽ nhất cải thiện chính sách thuế và việc tăng chi tiêu cho các dịch vụ xã hội.

Ảnh minh họa

Các quốc gia khác đang nhiều bước tiến tích cực như Georgia, đã tăng chi tiêu cho giáo dục lên gần 6% trong năm 2017 – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác – và Indonesia, quốc gia tăng mức lương tối thiểu lên gần 9% vào năm ngoái.

Đan Mạch đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số nhờ quá trình lịch sử lâu dài của các chính sách bao gồm hệ thống thuế lũy tiến, chi tiêu xã hội hào phóng, và có những biện pháp bảo vệ người lao động tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, chính phủ Đan Mạch gần đây đang xem xét lại nhiều chính sách và bất bình đẳng đã tăng lên nhanh chóng.

Các nước như Argentina và Brazil cũng đạt chỉ số tốt nhờ chính sách của các chính quyền trước đây. Tuy nhiên, sự đóng băng chi tiêu xã hội trong 20 năm gần đây ở Brazil và các biện pháp thắt lưng buộc bụng ở Argentina đang là nguy cơ ảnh hưởng tới tiến bộ này.

Trung Quốc dành hơn gấp đôi ngân sách của mình cho y tế so với Ấn Độ, và gần gấp bốn lần cho chi tiêu phúc lợi, cho thấy cam kết nghiêm túc hơn nhiều của chính phủ nước này để giải quyết vấn đề khoảng cách giàu nghèo.

Báo cáo Chỉ số Giảm Bất bình đẳng lần thứ hai có cải thiện về phương pháp luận so với Báo cáo đầu tiên bằng việc bổ sung các chỉ số mới về né tránh thuế, bạo hành đối với phụ nữ, và nguồn dữ liệu cập nhật hơn. Chỉ số mới về bạo hành đối với phụ nữ cho thấy, mặc dù có nhiều thắng lợi đáng kể trong những tháng gần đây từ phong trào #MeToo và các phong trào vận động khác cho quyền phụ nữ, vẫn chỉ có chưa đến một nửa số quốc gia có luật thỏa đáng về quấy rối tình dục.

Bất bình đẳng làm chậm tăng trưởng kinh tế, làm suy yếu cuộc đấu tranh chống đói nghèo và tăng căng thẳng xã hội. Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng nếu các chính phủ không giải quyết bất bình đẳng, mục tiêu xóa đói giảm nghèo cùng cực vào năm 2030 sẽ không thực hiện được và gần một nửa tỷ người vẫn sẽ sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực.

Bà Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành của Oxfam Quốc tế, cho biết: “Rõ ràng, bất bình đẳng trói buộc con người vào đói nghèo. Chúng ta thấy các em bé chết vì các bệnh có thể phòng ngừa được ở các nước không dành ngân sách cho y tế, trong khi những người giàu nhất đang trốn thuế hàng tỷ đô la. Chúng ta nghe những câu chuyện về những người phụ nữ sống bằng mức lương nghèo nàn và đối mặt với cái đói, mà không nhận được chút gì từ sự thịnh vượng mà chính họ tạo ra. Những điều này hoàn toàn giải quyết được. Các chính phủ thường hành động như họ cam kết chống lại đói nghèo và giải quyết vấn đề bất bình đẳng – chỉ số này cho chúng ta thấy liệu họ có hành động như những cam kết đã đưa ra không”.

Ông Matthew Martin, Giám đốc Phát triển Tài chính Quốc tế (DFI), cho rằng: “Điều đáng chú ý nhất là chỉ số CRI đã cho chúng ta thấy một cách rõ ràng rằng đấu tranh chống bất bình đẳng không phải việc cố gắng trở thành quốc gia giàu có nhất hay nền kinh tế hùng mạnh nhất, mà là ý chí chính trị để thông qua và đưa vào thực hành các chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách giữa người siêu giàu và người nghèo. Chỉ số này cho phép chúng ta nhận ra ai đang làm và ai không làm điều đó”.