Bất cập về thủy điện, hồ chứa thủy lợi ở Tây Nguyên

Phát huy thế mạnh của vùng đồi núi, ở Tây Nguyên hầu như tỉnh nào cũng thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng các công trình thủy điện lớn, nhỏ và hồ chứa thủy lợi. Tuy nhiên, những bất cập về thủy điện và thủy lợi đã và đang tác động đến môi trường, vốn rừng, thổ nhưỡng…

Khu vực Tây Nguyên là đầu nguồn các con sông chảy ra Biển Đông, thuộc ven biển miền Trung. Tây Nguyên có nguồn tài nguyên nước dồi dào, phong phú với 4 hệ thống sông chính: Sê San, Sêrêpốk, sông Ba và sông Đồng Nai; khá thuận lợi trong việc phát triển thủy điện, thủy lợi.

Hiện nay, số lượng thủy điện vừa và nhỏ ở Tây Nguyên nâng lên vài trăm dự án (D.A). Không thể phủ nhận cái được của các D.A thủy điện ở Tây Nguyên thời gian qua đã cung ứng điện năng, điều tiết nguồn nước giữa mùa lũ và mùa cạn, phục vụ thủy lợi; phát triển cơ sở hạ tầng góp phần đổi thay bộ mặt dân cư vùng sâu, vùng xa và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương…

Tuy nhiên, việc ồ ạt xây dựng thủy điện trên các sông lớn của Tây Nguyên đã gây ra nhiều hệ lụy đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên; được điện thì mất rừng; lụt lội, lũ quét, sạt lở sông, suối luôn đe dọa…

Ông Nguyễn Ngọc Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn – Môi trường (Sở Công thương Đắk Lắk) cho biết, đến nay, toàn tỉnh đang vận hành 24 nhà máy thủy điện với tổng công suất 758MW, trong đó 7 nhà máy có công suất lớn hơn 30MW, 17 nhà máy vừa và nhỏ có công suất dưới 30MW. Chỉ riêng trên lưu vực sông Sêrêpốk đã có 12 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp đặt 841MW, các nhà máy thủy điện đều được xây dựng bậc thang trên các dòng sông…

Do xây dựng dày đặc trên các dòng sông đã làm thay đổi lưu lượng dòng chảy và từng xảy ra sự cố về thủy điện như việc vỡ bờ kênh thủy điện Sêrêpốk 4A vào năm 2013 – 2014 tại khu vực buôn Yang Bông, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn), gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu và tài sản của nhân dân.

Đang giữa mùa mưa Tây Nguyên, ông Y Phan Nia, Trưởng trạm Kiểm lâm số 4, Ban Quản lý rừng Quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk dẫn chúng tôi ra bờ sông Sêrêpốk – đoạn chảy qua vùng lõi của rừng. Ông cho biết: “Đang mùa mưa, sông còn có chút nước, chứ đến mùa khô thì cạn trơ đáy; tình trạng này xảy ra mấy năm gần đây. Nguyên nhân là do các nhà máy thủy điện đắp đập chặn dòng phía thượng lưu, đã giành hết nước của vườn quốc gia”.

Khi xây dựng 2 nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4 và 4A phía thượng lưu dòng sông Sêrêpốk, đã chặn dòng sông và đưa nguồn nước chảy theo một con kênh khác qua các xã vùng Đông, huyện Buôn Đôn. Việc chặn dòng đã làm hơn 22kmdòng sông chảy qua vùng lõi vườn và Khu Du lịch văn hóa – sinh thái Buôn Đôn bị cạn kiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái động, thực vật. Năm 2017, Sở Công thương Đắk Lắk đề xuất UBND tỉnh cho xây dựng một con đập chặn ngang dòng sông tại khu vực buôn Trí A, Krông Ana, Buôn Đôn để giữ nước cho đoạn sông bị khô kiệt, nhưng không khả thi.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 605 hồ thủy lợi với tổng dung tích 650 triệu m3nước. Kết quả kiểm tra của Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 22/8/2018, có 95 hồ đập công trình bị hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn cao. Từ năm 2014, tỉnh xây dựng phương án cần 2.343 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 307 hồ chứa. Tuy nhiên đã qua 4 năm, từ nguồn vốn ODA và vốn cấp bách phòng, chống thiên tai do Trung ương hỗ trợ, tỉnh mới thực hiện được 528 tỷ đồng, nguồn vốn còn lại cần 1.815 tỷ đồng vẫn chưa biết bao giờ có thực hiện.

Một công trình thủy điện trên vùng cao Tây Nguyên. Ảnh: NP

Tại tỉnh Gia Lai, đến nay có 74 thủy điện vừa và nhỏ được quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh, trong đó có 35 thủy điện đang vận hành với tổng công suất 286,9MW, 6 thủy điện đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất 52,2MW.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những vị trí khi đầu tư xây dựng thủy điện gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, vốn rừng; sinh hoạt đời sống của người dân; an ninh trật tự… thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã mạnh dạn loại khỏi quy hoạch 17 D.A thủy điện, dừng vận hành 2 thủy điện và 14 D.A thủy điện khác có trong quy hoạch nhưng chưa có chủ trương đầu tư.

Mới đây nhất, vào ngày 9/8/2018, UBND tỉnh Gia Lai đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với D.A thủy điện Krel 2, tại xã Iadom, huyện Đức Cơ. Đây là D.A thủy điện nhỏ có công xuất 5,5MW, được triển khai từ năm 2008, nhưng đã xảy ra nhiều sai phạm, nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện như đã cam kết và đã 2 lần xảy ra sự cố gây vỡ đập; ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trên địa bàn.

Về công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện trên địa bàn, lãnh đạo Sở Công thương Gia Lai biết, đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan kiểm tra hiện trạng an toàn đối với 37/44 đập, hồ chứa thủy điện trước mùa mưa lũ năm nay; qua đó chấn chỉnh, khắc phục nhiều vi phạm về an toàn vận hành theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ Công thương.

Tỉnh Kon Tum đã loại bỏ 48 D.A thủy điện ra khỏi quy hoạch, trong đó có 6 vị trí không đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư vì công suất nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp; tập trung ở các huyện Đăk Glei, Kon Plong, Kon Rẫy, Đăk Hà và Ngọc Hồi.

Cụ thể như: D.A thủy điện Đăk Đ’Rinh 1A, 1B, Đăk Đ’Ring 2 tại huyện Kon Plong chiếm dụng 100ha đất màu và 144ha đất rừng. D.A thủy điện Thượng Sa Thầy chiếm dụng 135ha đất rừng, gần 40ha đất khác, ảnh hưởng đến Quốc lộ 14C và khu trung tâm huyện mới Ia H’Drai…

Ngày 7/8/2018, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc khẩn cấp tăng cường quản lý, kiểm tra đảm bảo an toàn hồ, đập thủy điện, thủy lợi trên toàn quốc trước và trong mùa mưa bão. Trong đó, đã giao trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh sai phạm để hạn chế những hậu quả khôn lường có thể xảy ra…

Ngọc Phó

Nguồn: