Bảo đảm an ninh, trật tự vùng sông, biển

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh kiểm tra, xử lý tàu khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ vào cuối tháng 9-2018.

TP Hồ Chí Minh là đô thị đông dân cư, nơi tập trung số lượng lớn người lao động từ nhiều địa phương, trong đó nhiều người cư trú, hành nghề không ổn định, nhận thức không đồng đều… nên dễ nảy sinh tội phạm, tệ nạn. Những yếu tố này đòi hỏi các lực lượng chức năng trong đó có Bộ đội Biên phòng (BĐBP), nỗ lực ngăn chặn, xử lý, nhằm bảo đảm an ninh trật tự, ổn định tình hình địa bàn.

Đầu tháng 9 vừa qua, lực lượng BĐBP thành phố phát hiện nhiều phương tiện gắn vòi bơm công suất lớn vừa di chuyển vừa bơm hút cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ. Khi thấy lực lượng chức năng, các chủ phương tiện tháo chạy khỏi hiện trường, còn lại sà-lan mang số hiệu SG-8168 bị bắt quả tang. Thời điểm phát hiện, sà-lan này có sáu máy nổ cùng đầu bơm và ống hút cát đang hoạt động hết công suất. Cùng thời điểm, BĐBP tiếp tục kiểm tra sà-lan mang số hiệu BV-1341, phát hiện phương tiện này đang vận hành 16 máy nổ công suất lớn kèm đầu bơm để hút cát lên khoang. Lực lượng chức năng lập biên bản, thu giữ tang vật phục vụ điều tra, xử lý.

Trước đó, vào đầu tháng 6, tổ công tác của Đồn Biên phòng Cần Thạnh (BĐBP thành phố) tổ chức tuần tra, mật phục tại khu vực sông Lòng Tàu, xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ), đã phát hiện và kiểm tra phương tiện TG-14022 do ông Phạm Minh Tài làm thuyền trưởng đang sang mạn cát từ một tàu gỗ không có biển kiểm soát. Tại thời điểm kiểm tra, trên phương tiện chứa khoảng 50 m3 cát; ông Tài không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa và khai nhận, đã mua lại từ tàu gỗ với giá 200.000 đồng/m3. Những ngày đầu năm 2018, tổ công tác của Hải đội 2 (BĐBP thành phố) cùng các Đồn Biên phòng Cần Thạnh, Long Hòa bắt quả tang sáu phương tiện đang có hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép với tổng khối lượng lên đến 1.900 m3…

Theo thống kê của BĐBP thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, lực lượng này đã xử lý 86 vụ vi phạm pháp luật; bắt hai vụ tàng trữ, mua bán chất ma túy; bắt sáu vụ buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép; xử lý 78 vụ các vi phạm pháp luật khác; điều tra, xử phạt hành chính 60 vụ với 95 đương sự… Mặc dù từ năm 2013 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố không cấp bất kỳ giấy phép nào về khai thác cát trên địa bàn, nhưng nạn khai thác tài nguyên trái phép vẫn không giảm mà diễn biến hết sức phức tạp. Thiếu tá Trịnh Ngọc Biên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cần Thạnh, cho biết, các đối tượng hoạt động liều lĩnh, lợi dụng sở hở của lực lượng chức năng để thực hiện hành vi phạm pháp. Ngoài ra, còn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, đánh bắt hải sản theo kiểu tận diệt và chặt phá rừng làm ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh trật tự, môi trường tự nhiên và đời sống người dân…

TP Hồ Chí Minh có bờ biển dài hơn 23 km, diện tích biển rộng 1.755 km2; tuyến cảng biển dài gần 70 km. Trước thực trạng nêu trên, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để quản lý địa bàn. Theo Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, lực lượng BĐBP thành phố đã chủ động phối hợp với Công an, Hải quan, Cảng vụ hàng hải, Cảnh sát biển… tổ chức các đợt tuần tra, mật phục, theo dõi từ xa để phát hiện, đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác cát trái phép trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh, nơi cửa sông, cửa biển. Đồng thời, dựa vào “tai, mắt” của quần chúng nhân dân cung cấp thông tin tố giác tội phạm để giữ gìn an ninh trật tự trên sông, biển.

Đại tá Lâm Văn Huy, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Phối hợp đồng bộ các giải pháp chuyên môn kết hợp với huy động sức mạnh của các lực lượng và sự tham gia tích cực của nhân dân… chính là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự, an toàn trên các tuyến sông, biển hiện nay.