Marubeni ngừng đầu tư dự án điện than mới sau cáo buộc vi phạm nhân quyền

Trong một thông cáo phát đi gần đây, Marubeni – công ty sản xuất điện năng lớn nhất Nhật Bản và là chủ đầu tư của rất nhiều nhà máy điện than ở Nhật cũng như các quốc gia trên thế giới – khẳng định đến năm 2030, đơn vị này sẽ cắt giảm khoảng 1,5 GW tức một nửa công suất nhiệt điện than, đồng thời áp dụng công nghệ mới nhằm tăng hiệu quả đầu tư và thúc đẩy giảm thiểu tác động môi trường.

Đặc biệt, trong thời gian tới, công ty sẽ không tham gia bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào liên quan đến sản xuất nhiệt điện than mà thay vào đó sẽ mở rộng tỷ lệ điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo từ khoảng 10% hiện nay lên khoảng 20% ​​vào năm 2023, đồng thời mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo trong giao dịch năng lượng.

Tuy nhiên, Marubeni có thể vẫn cân nhắc theo đuổi các dự án (điện than) áp dụng “công nghệ có sẵn tốt nhất” và tuân thủ các chính sách của chính phủ Nhật Bản cũng như các quốc gia sở tại.

Thông cáo này được đưa ra trong bối cảnh Marubeni bị nhiều tổ chức cáo buộc vi phạm nhân quyền và nhiều vấn đề liên quan đến các dự án điện than tại Nhật Bản và một số quốc gia. Cụ thể: Tổ chức phi chính phủ Urgewald của Đức cho biết tổng doanh số điện năng của Marubeni là 13.620 MW, bao gồm kế hoạch xây dựng các nhà máy điện chạy bằng than mới ở 9 quốc gia và xếp Marubeni đứng thứ 10 trong danh sách “120 nhà máy sản xuất điện than hàng đầu” vi phạm nhân quyền và các vấn đề khác liên quan đến các dự án đó.

Nhiều nhà máy nhiệt điện than đang là nguồn gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tới sinh kế của người dân. Ảnh internet.

Tháng 6/2018, 21 tổ chức phi chính phủ Nhật Bản và quốc tế đã gửi tới 39 nhà đầu tư lớn và các tổ chức cho vay (gồm 9 nhà đầu tư Nhật và 30 nhà đầu nước ngoài) lá thư kêu gọi thoái vốn khỏi Marubeni cùng các số liệu về 6 dự án nhà máy nhiệt điện than ở Nhật Bản và nước ngoài đã được xác định là có vấn đề.

Theo đánh giá của một số tổ chức (Những người bạn Trái Đất Nhật Bản, Trung tâm Môi trường và Xã hội Bền vững Nhật Bản, Mạng lưới Kiko), tuyên bố của Marubeni là một dấu hiệu cho thấy công ty đã lắng nghe những lời chỉ trích, đặc biệt công ty không chỉ ngừng kinh doanh, xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới mà còn giảm tỷ trọng phát điện than trong danh mục năng lượng hiện nay. Các tổ chức đề nghị Marubeni nhanh chóng đưa các chính sách này vào hành động và thúc đẩy chúng, đồng thời kêu gọi các công ty năng lượng J-Power, Sumitomo và các công ty khác cần xây dựng các chính sách tương tự Marubeni.

Đánh giá cao quyết định của Marubeni nhưng các tổ chức vẫn e ngại việc công ty này cân nhắc theo đuổi các dự án điện than áp dụng tiêu chuẩn và phù hợp với chính sách các quốc gia bởi bất cứ hoạt động sản xuất nhiệt điện than nào cũng không phù hợp với Hiệp định Paris ngay cả khi công ty đó sử dụng thiết bị hiệu quả cao, vì vậy ngoại lệ này có thể làm mất ý nghĩa của chính sách.

Ngoài ra, ở Nhật Bản và nước ngoài, Marubeni tham gia vào các nhà máy điện than đang hoạt động, đang được xây dựng hoặc đang được xem xét và phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau (biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến đất nông nghiệp và ngư trường của người dân, sức khỏe con người, và các vấn đề nhân quyền), tuy nhiên, Marubeni chưa thông tin rõ ràng dự án nào có thể bị hủy bỏ. Các tổ chức kêu gọi Marubeni hủy bỏ tất cả các dự án hiện đang được xây dựng hoặc lập kế hoạch, đồng thời ngừng một số nhà máy đang hoạt động nhưng được xác nhận là gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng tại địa phương.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (ENV), Marubeni mở văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 1991 và tính đến nay đã xây dựng 11 nhà máy điện tại Việt Nam với tổng công suất đạt 4.000 MW.