Bất cập trong quản lý thủy điện ở Nghệ An: Lợi doanh nghiệp hưởng, dân chịu thiệt

Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều dự án thủy điện đang hoạt động, đem lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp chủ đầu tư, trong khi hậu quả người dân phải gánh chịu.

Đến ngày 15.9, Thủy điện Bản Vẽ mới tổ chức dọn rác tại hồ thủy điện. Ảnh: PV

Đùn đẩy trách nhiệm

Sau cơn bão số 3 gây mưa lớn, lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương-Nghệ An) tràn ngập rác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Ngày 13.8, Sở TNMT Nghệ An đã có văn bản 4680, yêu cầu Cty CP thủy điện Bản Vẽ phải thực hiện thu dọn sinh khối thực vật khu vực lòng hồ và các biện pháp công trình bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, ngày 16.8, Cty CP thủy điện Bản Vẽ có văn bản số 410 hồi đáp với nội dung việc thu dọn sinh khối thực vật trôi nổi vùng lòng hồ không phải trách nhiệm của mình. Cty này cho rằng nguyên nhân gây rác tại lòng hồ là do thiên tai, nên thuộc trách nhiệm giải quyết là của… chính quyền địa phương. Động thái này làm người dân, cơ quan chức năng Nghệ An rất bức xúc. Ngày 5.9.2018, Sở TNMT Nghệ An tiếp tục có Công văn số 5229 gửi chủ đầu tư các công trình thủy điện trên địa bàn, dẫn Điều 68-Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn, đề nghị thường xuyên dọn vệ sinh, thu dọn lòng hồ. Đến lúc này, Cty CP Thủy điện Bản Vẽ mới chấp nhận tổ chức dọn rác tại lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

Trong đợt hoàn lưu bão số 4 sau đó, do lượng mưa lớn, nước về hồ chứa ngày càng nhiều, Thủy điện Bản Vẽ đã xả nước với lưu lượng lớn, dẫn đến vùng hạ du bị ngập nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, gây nhiều thiệt hại.

Được biết, Nghệ An hiện có 32 dự án thủy điện với tổng công suất 1.359,9MW đã được phê duyệt. Trong đó, 13 nhà máy đã vận hành phát điện, 2 nhà máy đang chạy thử; 9 dự án đang triển khai thi công; 5 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai; 3 dự án đã có trong quy hoạch được phê duyệt nhưng chưa có chủ trương đầu tư.

Nhiều bất cập

Theo đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Nghệ An, vào 9h30 ngày 31.8, lượng nước đổ về hồ đạt đỉnh 4.200m3/s. Để bảo đảm an toàn cho công trình, nhà máy phải tăng lượng xả lên 4.200m3/s. Đây cũng là mức xả lớn nhất trong 8 năm kể từ khi nhà máy vận hành. Việc xả này không làm tăng lũ tự nhiên, nhưng đã làm co hẹp dòng chảy và xả từ trên cao xuống thành lưu tốc lớn làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở cho vùng hạ du. Theo đoàn kiểm tra, công tác dự báo lưu lượng nước đổ về hồ Bản Vẽ vẫn sai số lớn; hành lang thoát lũ chưa đảm bảo an toàn khi hạ mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ; chưa có bản đồ ngập vùng hạ du của các nhà máy thủy điện; quy định dung tích phòng lũ 300 triệu mét khối cho hồ Bản Vẽ là quá nhỏ so với lũ hiện nay.

Với thủy điện Khe Bố (nằm trên sông Cả, ở hạ du so với thủy điện Bản Vẽ), việc dự báo và cung cấp thông tin, số liệu còn thiếu. Do đó thủy điện Khe Bố xả không kịp, tạo độ dềnh lớn khu vực lòng hồ nên xảy ra ngập lụt nghiêm trọng ở lòng hồ. Với những bất cập đó, việc xả lũ đã ảnh hưởng một phần tới khu vực hạ du.

Mặt khác, việc triển khai các dự án thủy điện gây ra nhiều hệ lụy: Người dân di dời tái định cư có cuộc sống không ổn định, nhiều người quay về lòng hồ, nhiều khu tái định cư xuống cấp, dang dở, một số dự án quy hoạch “treo” kéo dài.

Tại phiên họp của UBND tỉnh Nghệ An tháng 9.2018, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở NNPTNT – cho biết: Qua các cuộc làm việc, tỉnh đã yêu cầu các nhà máy thuỷ điện bồi thường thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng từ việc vận hành xả lũ của các hồ thủy điện gây lũ lụt tại một số địa phương trong thời gian qua.

 

Nguồn: