Tận dụng bùn nạo vét tôn tạo bãi, không đổ ra biển

Khoảng 1,2 triệu khối bùn nạo vét bến số 3 cảng Chân Mây (Thừa Thiên – Huế) sẽ được tận dụng tôn tạo bãi, không xả ra biển. Việc xử lý chống tràn bùn cát ra biển cũng được quản lý chặt chẽ.

Dự án bến số 3 cảng Chân Mây tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế có chiều dài 270 m, với tổng mức đầu tư gần 850 tỉ đồng, do Công ty TNHH Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu năm 2019. Khi hoàn thành, đây sẽ là cảng tổng hợp với kết cấu hạ tầng phục vụ cho dịch vụ hậu cần, đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải đường thủy có trọng tải đến 50.000 tấn ra vào.

Dự án bến số 3 cảng Chân Mây đang được thi công

Liên quan đến vấn đề xử lý lượng bùn cát nạo vét khu nước trước bến và luồng thuộc dự án này, ngày 22-8, Ban Quản lý Khu kinh tế – công nghiệp (KKT-CN) tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết sẽ quản lý chặt, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Ban Quản lý KKT-CN tỉnh Thừa Thiên – Huế, khẳng định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trên đã được Bộ TN-MT phê duyệt tại Quyết định số 2907/QĐ-BTNMT ngày 12-11-2015. Theo đó, khối lượng bùn cát nạo vét khoảng 1,2 triệu m3 sẽ được tận dụng để tôn tạo bờ của bến này. Nếu không hết, chủ dự án sẽ xin đổ san lấp cho các bến cạnh bên. Trong trường hợp lượng bùn còn dư thừa, chủ dự án sẽ xin chủ trương để đổ thải ngoài khơi, dự kiến cách bờ khoảng 3 km.

Tiến độ dự án đang được đẩy nhanh

Theo Ban Quản lý KKT-CN tỉnh Thừa Thiên – Huế, khối lượng bùn cát này được tận dụng phần lớn để tôn tạo bãi của bến số 3, sau đó sử dụng các giải pháp xử lý nền đất yếu để gia cố nền trước khi xây dựng các công trình bên trên. Phương án chống tràn bùn cát ra biển thực hiện theo yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Sau khi thi công hoàn thành kè bảo vệ bờ, kè bến kín 3 mặt và kết hợp đường trục chính cảng Chân Mây đã đầu tư cùng với các giải pháp kỹ thuật khác sẽ hạn chế tối đa lượng bùn cát tràn ra biển.

Lượng bùn cát nạo vét sẽ được tận dụng tối đa để san lấp mặt bằng bến bãi

Với khối lượng dư sau khi đã tôn tạo bãi, sau khi có chủ trương thống nhất của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho tận dụng để san lấp các khu vực lân cận như kho chứa xăng dầu, khu liên hợp các ngành, cơ quan chức năng khu công nghiệp và xuất nhập khẩu. Ban Quản lý KKT-CN tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định sẽ giao một đơn vị sự nghiệp trực thuộc phối hợp chủ dự án để thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường, đầu tư xây dựng, đất đai theo hướng một dự án độc lập trước khi thực hiện; trong đó yêu cầu đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường, đất đai theo quy định.

Nguồn: