Đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng

Thời gian qua, tại Quảng Nam liên tiếp xảy ra những vụ phá rừng lớn, trong đó có cả rừng phòng hộ và rừng biên giới.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình phá rừng phòng hộ ở Quảng Nam.

Rừng luôn luôn nóng

Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, trong công tác quản lý- bảo vệ rừng (QL-BVR), ngành lâm nghiệp và chính quyền địa phương tuy có nhiều nỗ lực, song thời gian qua trên địa bàn Quảng Nam đã liên tục xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô lớn. Vì vậy, Quảng Nam đang tiến hành cải tổ triệt để bộ máy giữ rừng theo hướng tinh gọn, như mỗi huyện chỉ có một Hạt Kiểm lâm, tách Hạt Kiểm lâm ra khỏi BQL rừng, quy trách nhiệm cho lãnh đạo huyện, xã.

Thời gian qua, việc tàn phá rừng cũng rất nóng tại các buổi tiếp xúc cử tri và tại các kỳ họp HĐND các cấp, nhất là những địa phương có rừng bị tàn phá. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Quảng Nam, theo báo cáo của HĐND tỉnh, công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều bất cập. Từ đầu năm đến nay các vụ phá rừng liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương với số lượng gỗ bị khai thác trái phép hàng trăm mét khối, nhưng chậm phát hiện, ngăn chặn và xử lý, gây bức xúc trong nhân dân. Như tại khu vực thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, lực lượng chức năng phát hiện 34 cây gỗ bị khai thác trái phép (33 cây lim xanh, 1 cây xoan đào) , khối lượng 235 m3. Tại xã  Tà Lu và Za Hung, huyện Đông Giang, lực lượng chức năng phát hiện 33 gốc cây bị chặt hạ, khối lượng gỗ quy tròn 72 m3. Tại khu vực đập chính thủy điện Sông Tranh 2, lực lượng chức năng phát hiện ô tô tải chở 30 phách gỗ từ nhóm 1 đến nhóm 7, khối lượng 8,96 m3 không có dấu búa kiểm lâm…

Cần đẩy mạnh công tác QL-BVR

Để đẩy mạnh công tác QL-BVR, mới đây UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo Đề án tổ chức lại công tác QL-BVR (thí điểm-PV) trên địa bàn huyện Nam Giang nơi xảy ra những vụ phá rừng lớn, như vụ tàn phá hàng loạt cây gỗ lim xanh cổ thụ quý hiếm hàng trăm năm tuổi.

Thế nhưng, Đề án cải tổ nói trên cũng khiến chính quyền cơ sở và cả ngành kiểm lâm băn khoăn. Cụ thể, như Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Tranh có diện tích 75.000 ha nằm trên 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, nếu giao rừng về cho địa phương thì khu bảo tồn này tách làm hai, vì do 2 huyện quản lý. Điều này trái với Nghị định 117 của Chính phủ. Còn nếu để như hiện nay Kiểm lâm kiêm luôn BQL rừng chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Các lãnh đạo địa phương cũng nhìn nhận, nguyên nhân xảy ra phá rừng một phần do liên quan công tác quản lý cấp ủy, chính quyền; bố trí kiểm lâm thiếu đồng bộ; chính sách giao khoán rừng cho người dân còn nhiều bất cập; đơn giá giao khoán BVR không phù hợp, chưa có sự đồng nhất,… Từ đây, nhiều ý kiến cho rằng nên giao khoán rừng cho nhóm hộ theo diện tích và số lượng cây có trong đó.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang, cần có cách tiếp cận mới về giữ rừng, nghiên cứu khoán BVR cho lực lượng kiểm lâm; nâng cao vai trò trách nhiệm của chủ rừng là các BQL rừng phòng hộ, đặc dụng. Cho nên xem xét sắp xếp bộ máy, cán bộ cần thiết để bổ sung, bố trí các lực lượng giữ rừng phải phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Đinh Văn Thu cũng cho rằng, nên quy định chi tiết việc giao khoán BVR theo hướng thay đổi hình thức giao khoán BVR từ nhóm hộ sang giao khoán cho cộng đồng thôn, bản. Cần có định mức giao khoán về diện tích, đơn giá, số người tham gia nhằm đảm bảo thu nhập, lựa chọn những cá nhân đủ sức khỏe, có tâm huyết tham gia BVR. Kiểm lâm địa bàn, cán bộ lâm nghiệp cấp xã chịu trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ, theo dõi, đôn đốc, tham gia tuần tra, đánh giá hiệu quả công việc của các đội tuần tra và cùng chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ.