Ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học ở Việt Nam – Bài 2

Bài 2: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học

Là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhưng Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học và sự mất cân bằng hệ sinh thái diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, mối đe dọa này đến từ những nguyên nhân khách quan như áp lực tăng dân số, khai thác và sử dụng quá mức các nguồn đa dạng sinh học, tác động của biến đổi khí hậu và cả những nguyên nhân chủ quan do hệ thống quản lý nhà nước về đa dạng sinh học.

Bài 1: Thực trạng về hệ sinh thái tự nhiên

Chế tài chưa đủ mạnh

Rừng ở Gia Lai bị chặt, đốt để làm nương rẫy. Ảnh: Dư Toán/TTXVN

Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách bảo vệ đa dạng sinh học chưa đồng nhất, thiếu thực tiễn. Công tác quản lý đa dạng sinh học thiếu cơ chế điều phối, dẫn đến chồng chéo các chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành và các bộ liên quan.

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm các quy định về bảo tồn, phát triển bền vững các hệ sinh thái và đa dạng sinh học còn nhiều bất cập, chưa đủ răn đe, ngăn cản sự xâm hại, gây tổn thương cho hệ sinh thái. Thực tế tình trạng phá rừng tiếp diễn mặc dù đã có quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, đã xảy ra những vụ khai thác cây cổ thụ ở Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Việc khai thác hệ sinh thái quá mức cũng như mâu thuẫn do phân chia lợi ích không hài hòa, tập trung nhiều ở những hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao, kể cả các hệ sinh thái đã được khoanh vùng bảo tồn dẫn đến nhiều vấn đề, tiềm ẩn các nguy cơ phát triển thiếu bền vững. Các hoạt động điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học ở các kiểu đất ngập nước nội địa đặc thù như thủy vực ngầm trong hang động vùng núi đá vôi còn ít được quan tâm. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của các dịch vụ hệ sinh thái vẫn còn hạn chế.

Nguồn lực đầu tư cho đa dạng sinh học còn hạn chế. Ngân sách cho bảo tồn đa dạng sinh học còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng ngân sách cho nhiệm vụ môi trường. Khu bảo tồn sử dụng tới 90% nguồn kinh phí có được để duy trì hoạt động của bộ máy quản lý, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện  Khoa học và Công nghệ Việt Nam), có sự chồng chéo về chức năng và quản lý về đa dạng sinh học giữa các cơ quan có liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao là đầu mối quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, song Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại quản lý rừng đặc dụng và khu bảo tồn biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý khu bảo tồn đất ngập nước.

Ưu tiên củng cố hệ thống pháp luật

Nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (Lâm Đồng) trồng rừng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường ưu tiên củng cố hệ thống chính sách và pháp luật về đa dạng sinh học gồm rà soát đồng bộ, chỉnh sửa, bổ sung Luật Đa dạng sinh học; xây dựng Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học cho giai đoạn sau năm 2020; tiếp tục hoàn thiện, thống nhất các văn bản dưới luật hướng dẫn về đa dạng sinh học; thống nhất hệ thống khu bảo tồn trên toàn quốc và phân cấp, phân loại khu bảo tồn phục vụ quản lý hiệu quả các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao; tăng cường lực lượng thực thi pháp luật về đa dạng sinh học, quản lý đa dạng sinh học ở cấp tỉnh, đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm quản lý ở địa phương.

Bên cạnh đó, hiệu quả thực thi pháp luật cũng cần nâng cao bằng việc thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học, công khai các thông tin về các vụ vi phạm; tăng cường giám sát quá trình thực thi pháp luật, bao gồm cả việc giám sát của cộng đồng; thực hiện các sáng kiến về chính sách và cơ chế khuyến khích thay đổi hành vi.

Xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học cần được tăng cường bằng việc cần tạo cơ chế có thể huy động sự tham gia của cộng đồng và khu vực tư nhân; phát huy quyền cộng đồng trong bảo tồn, xây dựng mô hình bảo tồn mới; có cơ chế đồng quản lý, tự quản và các mô hình hợp tác công tư nhằm bảo tồn, kiểm soát chặt chẽ các tác động lên đa dạng sinh học, đặc biệt là tác động từ các dự án phát triển thông qua việc thực hiện tốt đánh giá môi trường chiến lược và tác động môi trường; đồng thời hướng dẫn tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; thể chế hóa giáo dục về bảo tồn đa dạng sinh học ở bậc phổ thông.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, các cơ quan, bộ, ngành tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về giá trị và vai trò của đa dạng sinh học; tuyên truyền thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học; phổ biến các vi phạm và hình phạt áp dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa; không buôn bán, sử dụng các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, ưu tiên thực hiện các mô hình bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học gắn với xóa đói, giảm nghèo…; triển khai các chương trình bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, ưu tiên cấp độ hệ sinh thái và loài.

Nhấn mạnh về vấn đề quy hoạch, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030 cần được lồng ghép vào Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch mới dựa trên quan điểm mới, nhiệm vụ mới trong giai đoạn mới là đảm bảo tăng trưởng bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Quy hoạch sẽ giúp định hướng việc sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật tại các khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng; tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc sử dụng tài nguyên sinh vật; đảm bảo sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan; đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về đa dạng sinh học theo hướng tiếp cận hệ thống dựa trên hệ sinh thái.

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đề xuất ưu tiên hiện nay là công tác giám sát và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học cần được đầu tư lâu dài để cung cấp thông tin cho công tác quản lý. Cần có phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu thống nhất, dễ sử dụng, đáp ứng mục tiêu quản lý, liên kết với dữ liệu quốc gia và quốc tế. Việc giám sát cần thực hiện thường xuyên với phương pháp đơn giản, hài hòa giữa yếu tố khoa học và thực tiễn năng lực triển khai của các khu bảo tồn. Các cơ sở bảo tồn cần được nâng cao năng lực tại chỗ thực hiện giám sát và có lộ trình như tập huấn theo cách cầm tay chỉ việc, tập huấn kết hợp với thu thập dữ liệu nền và bắt đầu với quy mô nhỏ rồi mở rộng dần. Công tác bảo tồn biển cần được quan tâm đầu tư hơn nữa. Có thể tận dụng các cơ hội hợp tác với tư nhân để đầu tư vào bảo tồn đa dạng sinh học.

Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật khuyến nghị nên đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, đặc biệt, thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để triển khai các cơ chế tài chính mới như REDD+, buôn bán tín chỉ các bon, chi trả dịch vụ môi trường/hệ sinh thái…