Ứng phó ngập lụt tại đô thị

Chuyện đô thị bị ngập lụt đã thấy có từ xa xưa trên thế giới. Dân số tăng, biến đổi khí hậu trên trái đất và sự tàn phá của thiên nhiên, của con người là một trong những nguyên nhân chính khiến chuyện đô thị bị lũ lụt nhiều hơn và mức độ trầm trọng hơn.

Con người đã tạo nên kỳ tích với những công trình kỹ thuật và kiến trúc ngăn đô thị bị ngập lụt bởi nước biển dâng cao, với hệ thống đê điều hai bên bờ những dòng sông lớn và với kỹ thuật, công nghệ tiêu thoát nước trong đô thị.

Buenos Aires, Argentina: Thành phố xinh đẹp này hứng chịu nhiều trận lụt khủng khiếp gây thiệt hại nặng nề cả về con người và vật chất. Gần đây nhất, trận lụt vào tháng tư khiến hàng trăm người phải rời bỏ nhà cửa. Ảnh: The Bubble.

Xây dựng đê điều và chống tàn phá rừng ở thượng nguồn các dòng sông trải qua biết bao thế kỷ đến nay vẫn được coi là biện pháp phòng ngừa và đối phó ngập lụt công hiệu nhất. Trên phương diện này, một quan điểm khoa học ngày càng thắng thế là trả lại cho những con sông dòng chảy tự nhiên của nó. Nhiều TP ở châu Âu đã dần phục hồi những dòng sông, dòng suối chảy qua TP, để cho dòng sông chảy vòng vèo, uốn lượn chứ không làm thẳng dòng chảy của chúng. Khôi phục lại sông, hồ và thảm thực vật ở hai bên bờ những dòng sông là giải pháp được cho là rất đắc dụng về lâu dài.

Ở bên trong TP, những giải pháp phòng ngừa và đối phó ngập lụt được đưa ra. Trước hết là quy hoạch và phát triển mạng lưới hệ thống cống rãnh thoát nước phù hợp với mức độ phát triển của đô thị về xây dựng, giao thông và cuộc sống của dân cư đô thị tăng lên cho khoảng thời gian ít nhất từ 20 đến 30 năm. Tiếp đến là việc phủ xanh đô thị như có thể được cả trên mặt đất lẫn trên mái nhà để hạn chế được nước chảy tràn trên mặt đất. Những sân vận động hay công viên được chủ ý xây dựng thấp hơn nền mặt đường trong đô thị để trong trường hợp mưa to nước ngập sẽ trở thành nơi hút nước tạm thời, giúp cho hạn chế ngập lụt trên đường phố. Những biện pháp này được rất nhiều đô thị ở châu Âu và Mỹ áp dụng.

Nguồn: