Các tỉnh ĐBSCL tích cực phòng chống lũ

Ngày 11-8, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên, nguy cơ ngập úng vùng trũng thấp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Theo đó, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu là 3,49m, ở mức báo động 1; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,89m, dưới báo động 1 là 0,11m.

Bộ đội giúp dân thu hoạch lúa bị ngập

Trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến ngày 15-8, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 3,85m, dưới báo động 2 là 0,15m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 3,25m, trên báo động 1 là 0,25m; các trạm cuối nguồn trên dòng chính lên mức báo động 1 – báo động 2. Những ngày tiếp theo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên chậm. Đến ngày 20-8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 3,9m, dưới báo động 2 là 0,1m; tại Châu Đốc ở mức 3,3m, dưới báo động 2 là 0,2m. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1-2.

Trước tình hình lũ đầu nguồn lên nhanh, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống. Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết: “Đối với 13.600ha cây ăn trái và lúa trong vùng đê bao, cơ bản đảm bảo an toàn. Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là bảo vệ 18.000ha lúa hè thu ở vùng sản xuất 2 vụ chưa thu hoạch, khoảng 16.000ha hoa màu trồng ngoài vùng đê bao ở các huyện: Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân, An Phú…”. Đợt triều cường kết hợp nước lên rằm tháng 7 sắp tới có thể trùng vào bão số 4. Nếu các nước thượng nguồn vận hành xả đập thủy điện sẽ khiến nước dâng nhanh, cục bộ. “Lâu nay, người dân đã quen ứng phó với lũ lên từ từ, nước tới đâu đắp đê bao đến đó. Nếu nước lên quá nhanh, người dân sẽ không kịp trở tay”, ông Thư lo lắng.

Tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Buôn, Phó phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự, cho biết: Tình hình mực nước lũ trên địa bàn huyện Hồng Ngự cũng đang tăng khá rõ. Địa phương hiện đang theo dõi sát sao diễn biến mực nước lũ và hệ thống đê bao để chủ động ứng phó. Toàn huyện có gần 30ha sản xuất hoa màu như bắp, bí, củ sắn, bắp cải… đang canh tác tại các khu vực bãi bồi ở các xã Long Khánh A, Long Khánh B, Thường Phước 1, Thường Phước 2. Đây là những diện tích sản xuất nằm ngoài quy hoạch, đê bao. Nếu lũ làm thiệt hại năng suất, hoa màu của người dân nằm trong các tuyến đê bao khép kín mà huyện có chủ trương xuống giống thì địa phương sẽ xem xét và có kiến nghị tỉnh để có hướng hỗ trợ. Còn đối với các trường hợp người dân tự sản xuất khu vực ngoài bãi bồi sẽ không được hỗ trợ.

Tại Long An, theo thông tin từ Phòng NN-PTNT huyện Tân Hưng, tính đến ngày 11-8, toàn huyện thu hoạch gần 30.000/37.000ha lúa hè thu. Trên 7.000ha còn lại dự kiến thu hoạch dứt điểm trước ngày 15-8. Theo thống kê, năng suất bình quân vụ hè thu năm nay trên địa bàn huyện từ 5 – 6,5 tấn/ha. Hiện tại, giá lúa tươi được thương lái thu mua 4.500 – 5.300 đồng/kg. Một số diện tích tại các xã Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu A… còn nằm trong vùng có nguy cơ ngập lũ nhưng được gia cố đê bao, bảo đảm an toàn đến ngày thu hoạch. Hiện tại, tổng diện tích lúa hè thu các huyện vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An còn khoảng 152.450ha, dự kiến đến cuối tháng 8 là thu hoạch dứt điểm. Tuy nhiên, nếu mực nước lũ lên nhanh thì diện tích lúa hè thu có khả năng bị ảnh hưởng khoảng 12.529ha.

Nguồn: