Một tương lai xứng đáng để lựa chọn

ThienNhien.Net – Đây là tên bản báo cáo (tên đầy đủ: Resilient People, Resilient Planet: A Future worth Choosing) do Ủy ban cấp cao về phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố mới đây trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trái đất Rio +20, nhằm kêu gọi chính phủ các nước quan tâm hơn tới vấn đề phát triển bền vững .  Báo cáo đã đề xuất một số khuyến nghị nhằm tái thiết nền kinh tế toàn cầu kết hợp với bảo vệ môi trường.

Báo cáo nêu trên là sản phẩm sau hơn một năm làm việc của Ủy ban soạn thảo báo cáo do Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Tổng thống Phần Lan Tarja Holonen chủ chì. Được Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon triệu tập vào năm 2010, Ủy ban soạn thảo báo cáo, bao gồm lãnh đạo các chính phủ, các bộ trưởng từng giữ chức và đương nhiệm, có nhiệm vụ cung cấp một cái nhìn tổng quát về các vấn đề bền vững, phát triển và sự thịnh vượng của thế giới trong những năm tới cùng với đó là đưa ra những giải pháp để giải quyết các trở ngại kinh tế, chính trị có ảnh hưởng tới sự phát triển của thế giới.

Trong báo cáo, Ủy ban soạn thảo báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp nhằm tạo ra một “nền kinh tế xanh” như đưa phí môi trường vào giá thành sản phẩm để khi người dân mua sản phẩm thì họ cũng trả phí môi trường, giảm dần các trợ cấp phản tác dụng (đặc biệt là các trợ cấp cho nguyên liệu hóa thạch), yêu cầu các tổ chức kinh doanh hợp tác và nộp báo cáo hàng năm về việc thực hành bảo vệ môi trường cho các cơ quan chính phủ và các tổ chức quốc tế đồng thời thiết lập một chỉ số phát triển bền vững ngoài GDP để đo lường sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Nội dung quan trọng thứ hai của báo cáo liên quan đến việc tăng cường các thể chế quản lý. Báo cáo khuyến nghị các chính phủ cần thành lập các mục tiêu phát triển bền vững để bổ sung và tiếp nối Mục tiêu thiên niên kỷ 2015, thành lập Hội đồng Liên hợp quốc về phát triển bền vững mới, tạo ra một cơ chế bình đẳng để các khu vực có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đánh giá đây là một báo cáo thực sự cần thiết, là căn cứ cho các cam kết tại hội nghị thượng đỉnh Rio + 20 diễn ra vào tháng 6 tới, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thực hiện các khuyến nghị của báo cáo, tạo điều kiện cho cuộc “Cách mạng xanh của thế kỷ 21”.

Tuy nhiên, theo nhận định của WWF, báo cáo vẫn còn một số điểm hạn chế như đưa ra rất nhiều khuyến nghị tích cực về cải cách kinh tế và thể chế chính trị nhưng lại không đưa ra ràng buộc cụ thể về thời gian thực hiện. Thêm nữa, báo cáo này quá tập trung vào vấn đề môi trường trong khi các cuộc đàm phán của Hội nghị Rio +20 vẫn cần tập trung vào các vấn đề xã hội cốt lõi như xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, công bằng xã hội, giáo dục và tạo công ăn việc làm.

Dẫu vậy, A Future worth Choosing vẫn được đánh giá là bước tiếp nối quan trọng của Our common Future – bản báo cáo công bố năm 1987  và sau đó đã trở thành tài liệu tham khảo về phát triển bền vững, là cơ sở ban đầu cho Hội nghị thượng đỉnh Rio 1992.