Cà Mau: Yêu cầu kiểm điểm cá nhân, tập thể để xảy ra phá rừng lấy đất nuôi tôm

Thời gian qua, nhiều hộ dân tại các ấp Tân Tiến, Tân Trung thuộc xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển rất bức xúc trước hành vi của một hộ dân tự ý phá rừng lấy đất nuôi tôm kéo dài hơn 4 năm qua nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Một đối tượng tham gia vụ phá rừng bãi bồi tại xã Rạch Chèo (Cà Mau). Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Ngọc Hiển cương quyết xử lý dứt điểm tình trạng phá đất rừng lấy đất nuôi tôm công nghiệp.

Theo đó, ngành chức năng khẩn trương yêu cầu chủ hộ ngừng nuôi tôm công nghiệp không đúng quy định; san lấp mặt bằng hoàn trả hiện trạng đất lâm nghiệp trước khi đào ao nuôi tôm; hoàn thành việc trồng khôi phục rừng trong năm 2018 đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và tỉ lệ diện tích quy định.

UBND tỉnh Cà Mau đề nghị UBND huyện Ngọc Hiển kiểm tra, xác lập biên bản hiện trạng nuôi tôm, yêu cầu chủ hộ không mở rộng diện tích, có biện pháp bảo vệ môi trường. Nếu hộ dân đang thả nuôi tôm, chờ đến khi thu hoạch nhưng không quá 90 ngày. Qua đó, có báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 31/5.

UBND tỉnh Cà Mau  cũng đã yêu cầu  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Ngọc Hiển, UBND huyện Ngọc Hiển tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý đúng quy định đối với từng đơn vị, cá nhân có liên quan đến hộ dân đã chặt phá cây rừng, đào đất lâm nghiệp, nuôi tôm công nghiệp trái phép kéo dài nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm; qua đó, báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 18/6.

Trước đó, ngày 11/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã thành lập đoàn kiểm tra vụ việc theo đơn yêu cầu của các hộ dân ấp Tân Tiến, Tân Trung thuộc xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, hiện trạng khu đất phá rừng bị phá để nuôi tôm công nghiệp là của ông Nguyễn Văn Bạch được Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển quản lý, giao khoán bảo vệ rừng vào năm 1994 với tổng diện tích 6,9 ha. Đến năm 2014, ông Bạch tiến hành phá đất rừng, bắt đầu nuôi tôm công nghiệp.

Khu vực này không thuộc diện tích quy hoạch nuôi tôm công nghiệp. Đến thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra (tháng 4/2018), ông Bạch đã tiến hành đào 10 ao với diện tích 2,74 ha, gồm 8 ao lớn đã đào từ năm 2014 và 2 ao nhỏ để ươm tôm giống. Qua đó, từ tháng 3/2018, ông cải tạo 3 ao nuôi lót bạt chuẩn bị thả tôm giống, đây là diện tích đào ao lấn thêm vào năm 2017 với diện tích khoảng 1.500 m2.

Trước hành vi trên, vào tháng 1/2014, UBND xã Tân Ân Tây đã lập biên bản xử phạt hộ ông Bạch với số tiền 2 triệu đồng. Tháng 4/2014, Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển sau khi kiểm tra cũng lập biên bản vi phạm với hành vi đào phá đất rừng trái phép để làm ao nuôi tôm công nghiệp với diện tích 9.918 m2.

Đến tháng 9/2014, Hạt Kiểm Lâm Ngọc Hiển lại lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi đào 0,6ha đất lâm nghiệp trái phép, phá rừng trái pháp luật 0,075 ha và chuyển đến UBND huyện Ngọc Hiển xử lý. Tuy nhiên, UBND huyện Ngọc Hiển đã ban hành quyết định số 16/QĐ-XPVPHC ngày 27/11/2014 và không tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, chỉ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là trồng lại rừng vào mùa vụ năm 2015.

Năm 2015, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Ngọc Hiển đi kiểm tra, lập biên bản và xử phạt 20 triệu đồng, ông Bạch chấp nhận nộp phạt nhưng vẫn tiếp tục thả nuôi tôm mà không trả lại hiện trạng ban đầu, khôi phục lại rừng.

Qua công tác kiểm tra, rà soát hồ sơ, tài liệu liên quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau khẳng định Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển, Hạt Kiểm lâm Ngọc Hiển chưa thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, theo dõi công tác quản lý bảo vệ rừng, từ đó, chưa phát hiện vi phạm kịp thời.

Đồng thời, Quyết định số 16/QĐ-XPVPHC ngày 27/11/2014 của Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển chưa đảm bảo cơ sở pháp lý để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, quyết định này chưa phù hợp quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (ký chậm 3 ngày so với thời hạn tối đa theo quy định).

Mặt khác, từ năm 2016 đến nay, các đơn vị có trách nhiệm liên quan không kiểm tra, ngăn chặn kịp thời, do đó, đương sự vẫn đang cải tạo ao nuôi tôm và thả nuôi tôm công nghiệp, chưa san lấp lại diện tích mặt bằng đã đào ao theo quy định.