Không chờ “chết khát” mới chống biến đổi khí hậu

Cape Town là một trung tâm du lịch hàng đầu của Nam Phi nhưng đang có nguy cơ cạn kiệt nước sinh hoạt do bị hạn hán kéo dài. Hiện nay thành phố này đang cải tiến toàn bộ hệ thống cấp nước để cải thiện tình trạng này. Và có thể đây sẽ là một tấm gương sáng cho các vùng đang bị đe doạ bởi biến đổi khí hậu học tập.

Ben Peters, kỹ sư xây dựng các công trình nước sinh hoạt kiểm tra hệ thống khử muối trong nước biển để sản xuất nước ngọt ở ngoại ô Cape Town.

Tiết kiệm nước phải trở thành “nếp sống mới”

Cape Town gần như bị khô kiệt hoàn toàn và rơi vào tình trạng “báo động đỏ” sau ba năm rơi vào tình trạng hạn hán liên tục. Cuối năm 2017, khi nguy cơ “chết khát” đã nhãn tiền, toàn bộ cán bộ nhân viên cơ quan cấp nước của thành phố làm việc suốt ngày đêm trong nhiều tuần liền nhằm tránh điều xấu nhất có thể xảy ra, Xanthea Limberg, người đại diện của cơ quan cấp nước tại Cape Town đã kể với Tuần kinh tế Đức.

Đứng trước tình trạng khủng hoảng nước, thành phố không còn chờ đợi, cầu mưa mà đã tính kế lâu dài để bảo đảm có nguồn nước bền vững. Từ tháng hai vừa qua, thành phố với 4,5 triệu dân này buộc phải hạ tiêu chuẩn tiêu thụ nước mỗi ngày từ 87 lít xuống chỉ còn 50 lít – lượng nước này chỉ để phục vụ nhu cầu tối thiểu hằng ngày như tắm giặt, nấu nướng và xối nước trong nhà vệ sinh. Ngoài ra ở nhiều khu vực, người ta chủ động hạ áp lực nước để tránh lãng phí nước. Cơ quan cung cấp nước tăng cường các nguồn nước bổ sung như nước ngầm, khử muối nước biển, xử lý nước thải làm nước sinh hoạt đồng thời huy động nước mà nông dân ở ngoại thành tích trữ được để bổ sung cho nguồn nước ở thành phố.

Mùa hè khô hạn ở Cape Town đã chấm dứt từ đầu tháng ba. Nhờ tiết kiệm nước triệt để và nhờ khai thác các nguồn nước bổ sung, thành phố hiện có lượng nước đủ dùng tới tháng tám. Tuy nhiên, “Người dân Cape Town phải tiếp tục tiết kiệm nước tiêu dùng. Tiết kiệm nước phải trở thành nếp sống mới”, Limberg nói.

Bài học trong quản lý

Quan trọng hơn, từ vụ hạn hán nghiêm trọng kéo dài này, thành phố Cape Town đã rút ra được một bài học lớn trong quản lý nguồn nước. Đó là, trước vụ hạn hán xảy ra, chính quyền thành phố luôn tin rằng các đập chứa nước mưa đủ để cung cấp nước sạch cho thành phố. Tuy nhiên khi lượng nước mưa trong các bể chứa xuống dưới mức 23% thì họ bắt đầu thật sự hoang mang. Họ nhận thấy chiến lược quản lý nước mà họ thực hiện lâu nay không ứng phó nổi trước sự biến đổi khí hậu.

“Do đó, khác với trước đây, điều mà chúng tôi làm hiện nay là phải đa dạng hoá hệ thống nguồn nước. Nội trong ba đến năm năm tới chúng tôi phải xây dựng một hệ thống cung cấp nước hoàn toàn mới, trong đó lượng nước mưa, nước ngầm, nước biển khử mặn và nước thải qua xử lý, mỗi thứ chiếm 25%”, Ben Peters , kỹ sư về xây dựng các công trình nước cho biết. Để thực hiện điều này, thành phố phải dành khoản ngân sách 3,3 tỷ Rand (khoảng 225 triệu Euro) trong hai năm tới.

Cape Town đã làm đúng khi có cam kết về tiết kiệm triệt nước trong sử dụng nước sinh hoạt, nước dành cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Kể từ khi bắt đầu xảy ra hạn hán vào năm 2015, Cape Town giảm khoảng 60% lượng nước tiêu dùng hàng ngày, theo các chuyên gia về nước thì mức giảm này là “rất đáng kể“. Trước đây, người dân Cape Town tiêu thụ bình quân mỗi ngày 235 lít nước, trong khi đó lượng tiêu thụ bình quân của thế giới là 160 lít.

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu về quản lý nước, muốn tiết kiệm nước thì không thể chỉ kêu gọi sự tự giác của người dân mà phải đánh vào túi tiền của họ. “Để người dân tiết kiệm nước thì phải tăng giá nước”. Ngoài ra phải có chỉ tiêu về xây dựng các bể chứa nước mưa đối với các công trình công cộng cũng như tư nhân  và quy định chặt chẽ về việc tái chế nước thải, quy định về sản xuất và xử dụng các vòi nước tiết kiệm vv…Có thể nói Cape Town đang đi đầu về  những biện pháp này. Từ đầu năm thành phố cũng xây dựng biểu về mức phạt đối với những người lãng phí nước. Bên cạnh đó, thành phố có quy định về chế độ sử dụng nước tiết kiệm ở đô thị.

Bài học quan trọng nhất mà thành phố này rút ra được là phải có tầm nhìn xa và quy hoạch dài hạn, không thể xử lý khủng hoảng nước theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Điều mà các nơi khác có thể học tập ở Cape Town là, biến đổi khí hậu có thể diễn ra đột ngột, không có cảnh báo trước vì thế “đừng chờ cho đến khi hạn hán xảy ra mà phải hành động ngay từ bây giờ”.

Cape Town không phải là thành phố lớn duy nhất trên thế giới “khát nước” mà rất nhiều nước trên thế giới cũng đang lâm vào hoàn cảnh “khốn đốn” vì thiếu nước trầm trọng do biến đổi khí hậu. Năm 2015, thành phố Sao Paulo của Brazil cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. 22 trong số 32 thành phố lớn ở Ấn độ cũng buộc phải ngừng cấp nước nhiều giờ đồng hồ hàng ngày, theo báo Times of India. Tại Indonesia, năm ngoái cũng có hàng triệu người bị khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt do hạn hán.