Hội thảo khoa học về Tiềm năng di sản công viên địa chất Gia Lai

Ngày 17.4, Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai cho biết, tại Khách sạn Pleiku, Sở KH&CN đã tổ chức Hội thảo khoa học Tiềm năng di sản khu vực dự kiến xây dựng công viên địa chất Gia Lai – một vài kết quả đánh giá bước đầu và lộ trình sắp tới.

Hội thảo Tiềm năng di sản khu vực dự kiến xây dựng công viên địa chất Gia Lai.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: Điều tra, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá triển vọng thành lập công viên địa chất toàn cầu, mã số KHGL-07-16, do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện.Tham gia hội thảo có lãnh đạo các Sở: Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật; lãnh đạo UBND và Phòng Văn hoá và Thông tin các địa phương trong khu vực dự kiến xây dựng công viên địa chất: Pleiku, Kbang, Mang Yang, Đak Đoa, An Khê, Chư Păh, Ia Grai; lãnh đạo Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh cùng nhóm thực hiện đề tài.

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ông Phan Xuân Vũ – Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và ông Trần Tân Văn – Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì hội thảo.

Thác 50 Khu Bảo tồn Kon Chư Răng, huyện K’bang

Nội dung các tham luận cho thấy Gia Lai có di sản địa chất phong phú, đa dạng sinh học và giá trị di sản văn hoá độc đáo. Nhóm thực hiện đã khảo sát 34 thác nước và 32 miệng núi lửa. Các thác nước được hình thành trên nhiều loại đá cổ, có hình dạng độc đáo; hoạt động của núi lửa trước đây, qua thời gian dài đã hình thành nên tài nguyên địa chất có giá trị ở khu vực này như đất đỏ badan, bô-xit…

Khu vực Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có kiểu địa hình núi xen cao nguyên, rừng được bảo vệ tốt và có tính đa dạng sinh học cao. Di sản văn hoá ở khu vực dự kiến xây dựng công viên địa chất được biết đến với nhiều di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng là di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh và những di sản văn hoá phi vật thể độc đáo của dân tộc Bahnar, Jrai tại địa phương.

Sau hội thảo này, nhóm thực hiện đề tài sẽ tổng hợp các ý kiến và gấp rút hoàn thành những công việc liên quan cho việc nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh vào tháng 5 tới. Kết quả đề tài là cơ sở để Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh việc thành lập Công viên địa chất tỉnh Gia Lai và thiết chế có liên quan.