Phân cấp quản lý an toàn thực phẩm: Giải bài toán kinh phí, nhân lực

Gần 3 năm thực hiện phân công, phân cấp quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản đã tạo được sự chuyển biến quan trọng về nhận thức. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí và cán bộ chuyên môn… nên hoạt động quản lý an toàn thực phẩm ở cơ sở còn nhiều vướng mắc.

Tuân thủ quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo đảm chất lượng nông sản. Ảnh: Thái Hiền

Nhiều vướng mắc

Đánh giá việc thực hiện Quyết định 2582/QĐ-UBND ngày 5-6-2015 của UBND TP Hà Nội về phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các xã, thị trấn trên địa bàn thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo và kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các phòng chức năng của các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với xã, phường, thị trấn tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm nông nghiệp đến người dân, nhằm nâng cao nhận thức trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, các địa phương thực hiện việc phân công, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm còn khó khăn do cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản đều nhỏ lẻ, tự phát, thiếu cán bộ chuyên môn… nên không kiểm soát được toàn bộ chất lượng nông sản khi lưu thông trên thị trường.

Thực tế thời gian qua tại huyện Đông Anh cho thấy, các xã, thị trấn đã đẩy mạnh kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp nhưng tình trạng vi phạm vẫn tồn tại. Theo ông Lê Quốc Tuấn, cán bộ Phòng Kinh tế huyện Đông Anh, nguyên nhân chủ yếu là do nhiều cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng trên địa bàn chỉ hoạt động theo mùa vụ, quy mô nhỏ lẻ… đã gây khó khăn cho công tác quản lý. Lực lượng cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác kiểm tra, đánh giá xếp loại cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản còn “mỏng”.

Cán bộ phụ trách công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm từ huyện tới các xã, thị trấn chưa có, chỉ hoạt động kiêm nhiệm nên hiệu quả quản lý thấp, đặc biệt ở cấp xã. Ngoài ra, ngân sách cấp cho công tác này còn ít, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Trong khi đó, ông Ngô Vi Khả, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, hiện thành phố đã phân cấp trong quản lý an toàn thực phẩm, nhưng các xã, thị trấn triển khai còn lúng túng. Đặc biệt, việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản ở cấp xã đạt tỷ lệ thấp do chưa bảo đảm các điều kiện như chứng chỉ đào tạo, tập huấn của cán bộ theo dõi, người dân tham gia chưa tích cực, kinh phí còn hạn chế…

Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) Nguyễn Đại Hải, trên địa bàn thị trấn có hàng chục cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhiều chợ cóc, chợ tạm nhưng đều nhỏ lẻ, trong khi chỉ có 2 cán bộ làm công tác bảo vệ thực vật và thú y nên việc kiểm soát chất lượng sản phẩm nông nghiệp khi lưu thông ra thị trường chưa đạt kết quả như mong muốn…

Nâng cao trình độ cán bộ chuyên môn

Để tháo gỡ khó khăn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho rằng: Các sở, ngành cần tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát công tác quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ kinh phí cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; kinh phí đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên môn làm lĩnh vực này; quan tâm đầu tư trang thiết bị cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo đảm các mặt hàng nông nghiệp cung cấp ra thị trường có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

“Huyện Ba Vì đã yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện theo đúng nhiệm vụ được phân công, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, cấp giấy chứng nhận, ký cam kết an toàn thực phẩm đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ” – ông Nguyễn Đình Dần nhấn mạnh.

Theo quan điểm của Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Mạnh Quân, các xã, thị trấn cần nâng cao công tác quản lý an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp trên địa bàn. Theo đó, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức hoạt động tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân. Các xã, thị trấn cần phối hợp với phòng, ban, đơn vị liên quan của huyện trong việc kiểm tra, đánh giá phân loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo thẩm quyền.

“Ngoài chính sách hỗ trợ của thành phố, chính quyền địa phương cần quan tâm, bố trí kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm ở cấp xã; thường xuyên mở các lớp tập huấn về nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ chuyên môn để nâng cao kiến thức về kiểm tra, đánh giá, xếp loại cơ sở sản xuất, nông, lâm, thủy sản; huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong việc giám sát chất lượng vật tư và mặt hàng nông nghiệp lưu thông trên thị trường” – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đề xuất.