Vụ “Không trồng cao su, vẫn được bồi thường tiền tỷ”: Cục Cảnh sát môi trường yêu cầu Công an tỉnh Bình Phước làm rõ

ThienNhien.Net – Ngày 19.11.2016, báo Lao Động Đời Sống đã đăng bài: “Dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt ở tỉnh Bình Phước (BP): Không trồng cao su, vẫn được bồi thường tiền tỷ (?)”. Nội dung bài báo phản ánh tại dự án “bảo vệ – trồng rừng và chăn nuôi” do Cty dịch vụ Sasco làm chủ đầu tư đã xảy ra hiện tượng, một số người không hề trồng cao su trên đất dự án, nhưng vẫn nhận hàng tỷ đồng tiền bồi thường khi chủ đầu tư thu hồi lại đất, khắc phục sai phạm… Ngay sau phản ánh của báo, được biết Cục cảnh sát môi trường đã có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh BP xác minh vụ việc trên…

Ông Trần Đức Lý (trái) đã tố cáo dấu hiệu sai phạm trong bồi thường tại dự án Sasco.

Phải xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật

Cụ thể, ngày 7.12.2016, đại tá Nguyễn Văn Sáu – Phó Cục trưởng Cục cảnh sát môi trường, thuộc Tổng cục cảnh sát – Bộ Công an, đã ra văn bản số 1990/C49-P1, gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh BP. Theo đó, Cục cảnh sát môi trường đã căn cứ Thông tư số 10/2014/TT-BCA ngày 4.3.2014 của Bộ Công an quy định việc xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân, Cục cảnh sát PCTP về môi trường đã chuyển đơn tố cáo của ông Trần Đức Lý về dấu hiệu sai phạm trong bồi thường tại dự án Sasco, đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh BP để “xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, theo nguồn tin riêng, chúng tôi được biết Công an tỉnh BP đã tiếp xúc lấy lời khai từ người của Cty Sasco, Cty Phát Lộc và cá nhân ông Trần Tấn Minh – nguyên GĐ Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung. Và, trên thực tế, từ cách đây 4 năm, vụ sai phạm về quản lý và sử dụng đất rừng tại dự án Sasco đã từng được Công an tỉnh BP điều tra xác minh…Và, sau đó, hàng loạt hành vi có dấu hiệu sai phạm của các cá nhân liên quan đã bị phơi bày. Cty Sasco xin đầu tư dự án trồng rừng trên diện tích đất “khủng” 545 ha. Thế nhưng, vừa được chính quyền tỉnh BP giao đất, đơn vị này đã chuyển luôn dự án cho ông Trần Tấn Minh… Để rồi, cá nhân ông Minh đã “xẻ thịt” hàng trăm héc-ta đất rừng cho hàng chục cá nhân nhằm động cơ trục lợi.

Một góc dự án Sasco đã được bồi thường, sau khi dự án bị “xẻ thịt” cho nhiều cá nhân…

Dự án công thành… “dự án của ông”

Ngày 1.12.2006, Cty dịch vụ Sasco ký hợp đồng giao khoán số 01/HĐGK-BQL với Ban quản lý rừng kinh tế (QLRKT) Suối Nhung, tỉnh BP, thực hiện dự án “quản lý bảo vệ rừng kết hợp trồng rừng, chăn nuôi gia súc”, trên diện tích 545 ha, tại tiểu khu 363 (trong đó đất rừng chiếm 481,5 ha, đất không rừng là 63,5 ha). Điều kỳ lạ, hợp đồng giao khoán vừa ký kết, Ban QLRKT Suối Nhung đã ra tờ trình xin UBND tỉnh BP cho chủ trương “chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng lại rừng kinh tế”. Ngay thời điểm đó (2007), Hạt Kiểm lâm Đồng Phú đã phản đối và đề nghị “giữ lại rừng”. Song, UBND tỉnh BP lại chấp thuận cho Ban QLRKT Suối Nhung liên doanh với Sasco chuyển đổi 105 ha đất rừng sang trồng cao su… Năm 2008, UBND tỉnh BP điều chỉnh 200 ha/545 ha đất lâm nghiệp (giao khoán cho Sasco) sang cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh BP để xây dựng căn cứ hậu phương. Vì vậy, tổng diện tích đất rừng còn lại trong dự án của Sasco là 345 ha. Năm 2009, Ban QLRKT Suối Nhung và Sasco tiếp tục xin tỉnh BP cho chuyển đổi tiếp 152 ha đất rừng sang trồng cao su. Và, UBND tỉnh BP đã chấp thuận cho phép chuyển 143,2 ha đất rừng sang trồng cao su. Tuy nhiên, điều bất thường, ngay trong ngày ký hợp đồng liên doanh với Ban QLRKT Suối Nhung (hợp đồng số 153, ngày 2.4.2009, trồng 105 ha cao su) và hợp đồng số 044, ngày 15.1.2010 (trồng 143,2 ha cao su), Sasco đã ký tiếp hợp đồng liên doanh “ngược” lại với cá nhân ông Trần Tấn Minh – GĐ Ban QLRKT Suối Nhung, chuyển toàn bộ 2 hợp đồng đầu tư dự án trên cho ông Minh trực tiếp đầu tư để hưởng lợi theo thỏa thuận. Theo đó, với dự án 105 ha, sau khi ông Minh trồng cao su, Sasco được chia 60% diện tích vườn cao su và ông Minh được chia 40% diện tích. Đối với dự án 143,2 ha, thì Sasco hưởng 51,9% và ông Minh hưởng 48,1%.

Thế nhưng, ngay sau đó, coi như đất của mình, ông Minh đã mang toàn bộ diện tích đất rừng trên (105 ha và 143,2 ha), ký hàng loạt “hợp đồng bàn giao đất” cho hàng loạt cá nhân khác, với diện tích bình quân từ 5 ha – 10 ha – 40 ha/cá nhân. Theo đó, ông Minh không trực tiếp bỏ vốn trồng cao su, mà các cá nhân ký hợp đồng với ông Minh phải đứng ra bỏ vốn trồng cao su. Để nhận được đất từ ông Minh, các cá nhân còn phải trả tiền cho ông Minh từ 40 – 80 triệu đồng/ha.v.v…

Vì sao chưa khởi tố vụ án hình sự ?

Hành vi “xẻ thịt” dự án Sasco cho nhiều cá nhân để thu tiền của ông Minh, không khác gì hình thức bán đất rừng trá hình nhằm trục lợi cá nhân. Từ tháng 5.2012, Công an tỉnh BP đã vào cuộc điều tra dấu hiệu vi phạm luật pháp của các tổ chức và cá nhân trong dự án này. Ngày 11.5.2012, phòng an ninh điều tra – Công an tỉnh BP đã ra văn bản số 76/BC-PA81, kết luận: “Cty Sasco là chủ đầu tư của dự án trên, tuy nhiên Sasco đã không đầu tư mà chuyển dự án cho Trần Tấn Minh trực tiếp đầu tư nhằm hưởng lợi theo tỷ lệ ăn chia… Việc không đầu tư, chuyển nhượng dự án của Cty Sasco là trái với quyết định của UBND tỉnh và vi phạm hợp đồng liên doanh đã ký với Ban QLRKT Suối Nhung. Trần Tấn Minh với tư cách là GĐ Ban QLRKT Suối Nhung ký hợp đồng liên doanh với Sasco, đồng thời ký lại hợp đồng liên doanh cho cá nhân mình trực tiếp đầu tư và giao đất dự án cho các cá nhân khác đầu tư là hành vi vi phạm luật pháp, nhằm động cơ trục lợi (vi phạm trách nhiệm của chủ rừng…, có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhằm mục đích trục lợi, việc giao đất trồng cao su cụ thể cho các cá nhân đầu tư để thu tiền có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản…)”. Từ đó, Công an tỉnh BP kiến nghị: “Báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiến nghị thu hồi dự án. Điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Trần Tấn Minh- GĐ Ban QLRKT Suối Nhung, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Xác minh việc hạch toán đầu tư cho dự án của Cty Sasco, làm rõ sai phạm của các cá nhân để xử lý”.

Dấu hiệu vi phạm luật pháp của tổ chức, cá nhân trong dự án trồng rừng Sasco là rõ. Tuy nhiên, không hiểu tại sao, suốt 4 năm qua, vụ án vẫn… giậm chân tại chỗ, không được xem xét xử lý về mặt hình sự. Hậu quả hiện nay, dự án Sasco chẳng những không tiến triển; trái lại, phát sinh hàng loạt tranh chấp giữa các cá nhân bỏ vốn đầu tư với Trần Tấn Minh và chủ đầu tư dự án là Cty Sasco.

Nguồn: