Khó khăn trong bảo đảm kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu

Công tác kiểm dịch thực vật (KDTV) có vai trò hết sức quan trọng trong bảo đảm an toàn các mặt hàng nông sản từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại.

Cán bộ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 kiểm tra hàng nông sản trước khi nhập khẩu vào Việt Nam tại Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.

Tuy nhiên, lực lượng KDTV ở nước ta hiện nay khá mỏng, vì thế đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác KDTV khi mỗi năm có hàng trăm nghìn lô hàng xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu.

Với nhiệm vụ chính là kiểm tra, phát hiện nhanh những đối tượng gây hại trên các mặt hàng nông sản nhập khẩu vào Việt Nam cũng như kiểm soát các dịch hại trước khi hàng hóa của nước ta xuất khẩu ra thế giới, việc làm tốt công tác KDTV tại các cửa khẩu sẽ góp phần bảo đảm an toàn sản phẩm và bảo vệ sản xuất trong nước, tạo uy tín xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Trung cho biết, hệ thống KDTV ở Việt Nam đã hình thành, phát triển gần 50 năm và đã có những bước phát triển về hệ thống kiểm dịch từ trung ương đến cơ sở. Hiện nay, kinh tế đất nước ta đang phát triển và hội nhập sâu rộng, do vậy, khối lượng hàng hóa nông sản xuất, nhập khẩu cũng tăng theo. Theo thống kê từ năm 2005 đến nay, số lượng hàng hóa tăng gấp hơn 10 lần và số cửa khẩu mới mở cũng tăng hơn hai lần. Nếu tính toàn bộ các cửa khẩu quốc tế, đường mòn, lối mở, nước ta có khoảng 115 cửa ngõ như vậy. Việc giao lưu, thông thương hàng hóa hiện nay từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại vì vậy ngày càng lớn.

Trong năm 2017, Cục Bảo vệ thực vật đã tập trung thực hiện tốt công tác KDTV, quản lý chặt chẽ, kiểm tra nhanh và kết luận chính xác tình hình sinh vật gây hại trên hàng hóa, đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, triệt để. Các mặt hàng xuất khẩu đáp ứng được những yêu cầu, quy định về KDTV của các nước, đồng thời không để lọt đối tượng thuộc dạng KDTV vào sâu trong nước. Qua thống kê, tổng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua KDTV trong năm là 713.975 lô với trọng lượng khoảng 63,3 triệu tấn. Trong đó, đối với hàng nhập khẩu đã phát hiện đối tượng KDTV trên 53 lô hàng ở năm loại mặt hàng (lạc, lúa mì, bột bã ngô, bông, gừng tươi) từ 10 nước. Tất cả các lô hàng này đều được xử lý triệt để trước khi nhập khẩu hoặc tái xuất. Đối với hàng xuất khẩu đã kiểm dịch được 226.701 lô với khối lượng 29,6 triệu tấn, trong đó quả tươi xuất khẩu đạt khoảng ba triệu tấn. Các mặt hàng quả tươi xuất khẩu đi các thị trường khó tính có chiều hướng tăng so với tổng số lượng xuất khẩu là 10.397 tấn.

Khi khối lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu tăng đòi hỏi lực lượng KDTV cần tăng theo để đáp ứng yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng gây hại trong hàng hóa xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, những năm qua, lực lượng KDTV không những không tăng mà có xu hướng giảm dần đã gây khó khăn cho công tác này nhất là vào mùa vụ, hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu qua khu vực cửa khẩu cả ngày lẫn đêm. Hiện, cả nước có chín chi cục KDTV vùng nhưng chỉ có 300 cán bộ làm trong lĩnh vực này. Do thiếu nhân lực cho nên một số cán bộ KDTV phải làm việc hơn 300 ngày/năm nhằm bảo đảm công việc được giao.

Theo đại diện Chi cục KDTV vùng 8 (Lào Cai), với nhiệm vụ ngăn chặn các đối tượng gây hại xâm nhập vào Việt Nam theo con đường nông sản qua cửa khẩu, hiện nay, địa bàn KDTV của Chi cục thực hiện ở sáu tỉnh là Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái và Tuyên Quang. Mặc dù địa bàn kiểm dịch rộng như vậy nhưng số lượng cán bộ chỉ có 15 người trong biên chế. Toàn Chi cục hiện có năm trạm kiểm dịch trực thuộc, ngoài một số trạm được ủy quyền cho các tỉnh thì có những trạm hầu như không có xuất, nhập khẩu sản phẩm nông sản qua nhưng vẫn phải bố trí nhân viên thường trực để bảo đảm nhiệm vụ khi có yêu cầu. Vì vậy, việc thiếu lực lượng KDTV của Chi cục đang gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Chất lượng, hiệu quả công việc vì vậy cũng khó bảo đảm. Chi cục thậm chí đã phải thuê lao động hợp đồng để bảo đảm công việc nhưng kinh phí trả lương cho lực lượng lao động này cũng đang gặp khó khăn.

Để khắc phục những khó khăn do thiếu lực lượng KDTV ở những chi cục KDTV vùng, Cục Bảo vệ thực vật thường xuyên tăng cường cán bộ từ Cục xuống các chi cục KDTV vùng nhằm bảo đảm công việc. Cùng với đó, xác định các mặt hàng nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu nào, trong thời gian nào để điều chuyển, tăng cường lực lượng tại các chi cục KDTV vùng lân cận sang hỗ trợ. Bên cạnh đó, những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ này. Đồng thời đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại nhằm kiểm tra nhanh, gọn, chính xác bảo đảm hàng hóa được lưu thông sớm. Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật cũng đẩy mạnh việc giảm thủ tục hành chính, giảm các giấy tờ, rút ngắn thời gian xuất, nhập khẩu cho các lô hàng nhằm giảm bớt khối lượng công việc cho lực lượng KDTV ở các cửa khẩu.