TP.Đà Nẵng đóng cửa nhà máy thép ô nhiễm: Người dân và chính quyền loay hoay tìm tiếng nói chung

Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, lãnh đạo TP.Đà Nẵng từ cấp xã, huyện đến Phó Chủ tịch UBND thành phố đã tổ chức 3 cuộc đối thoại với nhân dân 2 thôn Vân Dương 1 và 2 – nơi có 2 nhà máy thép (Dana – Ý và Dana – Úc) gây ô nhiễm.

Tại buổi đối thoại, nhiều người dân thôn Vân Dương mong muốn được di dời. Ảnh: NT

Vậy nhưng sau nhiều ý kiến, thậm chí là quyết định nhưng cả 2 bên vẫn đang loay hoay tìm tiếng nói chung. Người dân nửa muốn đi, nửa muốn ở. Trước đó, chính quyền quyết di dời dân đi thì nay bỗng dưng huỷ bỏ kế hoạch.

Ở không xong, đi cũng dở

Chiều 14.3, lãnh đạo huyện Hoà Vang cùng UBND xã Hoà Liên đã có buổi họp, đối thoại với người dân thôn Vân Dương 1 và 2. Cuộc họp nhằm thông báo chủ trương của thành phố về việc đóng cửa 2 nhà máy thép, đồng thời huỷ bỏ việc di dời giải toả tại 2 thôn.

Tuy nhiên, tại đây, người dân lại muốn được di dời chứ không đồng thuận như ban đầu. Ông Lê Văn Đông – người dân thôn Vân Dương 2 – có ý kiến: “Từ năm 2016, khi thành phố công bố quy hoạch di dời giải toả, cuộc sống ở 2 thôn Vân Dương gần như bị xáo trộn. Cho đến cuộc họp gần nhất, thành phố rút lại quyết định di dời thì người dân vẫn không yên ổn bởi môi trường chung quanh đây đã bị ô nhiễm. Vậy, chúng tôi muốn hỏi, giải quyết của thành phố như vậy đã thấu đáo hay chưa?”

Tiếp lời, nhiều ý kiến người dân cho rằng: “Chúng tôi muốn di dời đến nơi ở mới để an cư lạc nghiệp. Còn nếu để dân ở lại thì phải di dời nhà máy chứ không thể đóng cửa là được. Dân ở lại cũng không yên ổn vì nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, doanh nghiệp đóng cửa cũng thua lỗ, công nhân mất việc” – anh Đông ý kiến.

Từ đó, đại diện hội người cao tuổi thôn Vân Dương 2 bày tỏ mong muốn thành phố nên thực hiện chủ trương như ban đầu đã trao đổi với người dân và cả nhà máy là di dời người dân đến nơi ở mới.

Mặc dù vậy, cũng tại buổi đối thoại, trong chính nội bộ người dân Vân Dương cũng có sự “dùng dằng”. Ông Trần Ánh phát biểu: “Thành phố rồi sẽ mở rộng ra, nhà máy chắc chắn phải dời đi thì chúng tôi muốn ở đây. Còn việc có ý kiến người dân muốn dời đi thì thực tế là năm 2017, thành phố có quyết định di dời, nhiều hộ đổ xô cơi nới nhà cửa để chờ giải toả. Tôi cho rằng, điều đó không chính đáng”.

Tiếp tục gửi kiến nghị lên thành phố

Tham dự và ghi nhận các ý kiến của người dân, bà Nguyễn Thị Hiệp – Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Hoà Vang – cho rằng: “Trong ý kiến của bà con, có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Trong vai trò trách nhiệm của Uỷ ban MTTQ, chúng tôi sẽ tập hợp đầy đủ để gửi lên lãnh đạo thành phố”.

Bà Hiệp cho rằng, cũng xuất phát từ nhu cầu nguyện vọng của bà con khi yêu cầu dừng hoạt động nhà máy, nhưng nay khi thành phố có chủ trương đó thì bây giờ lại không thuận. “Đà Nẵng đang hướng đến thành phố môi trường. Vì vậy, vấn đề về ô nhiễm, môi trường sống của người được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, năm 2018, Đà Nẵng chọn là năm thu hút đầu tư, việc đóng cửa 2 doanh nghiệp gây ra nhiều áp lực. Vậy nên, mong bà con hiểu quyết định của thành phố vừa rồi là hết sức khó khăn” – bà Hiệp chia sẻ.

Trong thời gian chờ đợi những cuộc họp và chủ trương tiếp theo của thành phố về việc có thay đổi đóng cửa nhà máy hay tiếp tục di dời dân, UBND xã Hoà Liên cho biết, đã có kế hoạch hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống. Theo đó, đất nông nghiệp trên toàn xã sẽ được cày xới để chuẩn bị vụ xuân hè. Xã sẽ hỗ trợ cây giống cho người dân. Riêng các công nhân mất việc sau khi nhà máy đóng cửa, xã sẽ tổ chức gặp mặt để tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp.