Thành công của Trung Quốc sau 4 năm tuyên chiến với ô nhiễm

Tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc có thể tăng thêm hơn 4 năm nhờ vào kết quả tích cực từ chiến dịch bảo vệ môi trường trên quy mô toàn quốc.

Ngày 4-3-2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố trước gần 3.000 đại biểu tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và hàng triệu người xem qua truyền hình rằng: “Chúng tôi sẽ kiên quyết tuyên chiến với nạn ô nhiễm môi trường cũng như với nạn nghèo đói”.

Lời khẳng định được đưa ra trong bối cảnh chính sách lâu dài của nước này đang đặt tăng trưởng kinh tế lên trên bảo vệ môi trường khiến nhiều người tự hỏi liệu Trung Quốc hiện thực hóa tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Vậy mà các số liệu thống kê mới đây chứng tỏ: Trung Quốc đang thành công, cụ thể, chỉ trong 4 năm, các thành phố đã cắt giảm tới 32% nồng độ bụi trong không khí.

Ngày sương mù ở Thượng Hải trong năm 2017. Ảnh: New York Times

Mặc dù chiến dịch chống ô nhiễm môi trường đang đặt ra thách thức về giá nhân công cao, nhưng theo nghiên cứu gần đây của một số nhà khoa học, nếu Trung Quốc vẫn duy trì những sự cắt giảm này, người dân sẽ nhận được những cải thiện sức khoẻ đáng kể, kéo dài tuổi thọ đến vài tháng, thậm chí vài năm.

Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc đã làm thế nào trong 4 năm qua? Vài tháng trước tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường, nước này công bố bản kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí, đạt mục tiêu cắt giảm ít nhất 10%  nồng độ bụi gây ô nhiễm không khí tại các vùng đô thị, thậm chí là cao hơn ở một số thành phố.

Để đạt được những mục tiêu này, Trung Quốc đã cấm xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới trong các vùng ô nhiễm nặng nhất của đất nước, bao gồm cả vùng Thủ đô Bắc Kinh. Những nhà máy hiện tại được yêu cầu cắt giảm khí thải, nếu không, nhiên liệu than đá sẽ bị buộc phải thay thế bằng khí ga tự nhiên. Những thành phố lớn, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, đã hạn chế số lượng ô tô lưu hành. Nước này cũng giảm công nghiệp luyện sắt thép và đóng cửa các mỏ than.

Thậm chí, hè năm 2017, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc còn ban hành một bản kế hoạch dài 143 trang, trong đó cấm sử dụng bếp than để sưởi ấm trong mùa đông, bất chấp lệnh cấm này khiến một số người dân, doanh nghiệp và cả học sinh không được sưởi ấm trong mùa đông.

Theo kết quả của các nghiên cứu, các thành phố ô nhiễm nặng nhất đã có sự cắt giảm đáng kể. Ví dụ, nồng độ bụi trong không khí ở Bắc Kinh giảm đến 35%, Thạch Gia Trang – Thủ phủ của tỉnh Hà Bắc giảm tới 39% và Bảo Định – thành phố ô nhiễm nhất của Trung Quốc năm 2015, giảm 38%.

Theo các nghiên cứu khoa học về chuyển nồng độ bụi ảnh hưởng đến tuổi thọ thì cuộc chiến bảo vệ môi trường của Trung Quốc kéo dài tuổi thọ trung bình của người dân nước này lên một cách đáng kể. Cụ thể, người dân cả nước có thể hy vọng sống thêm được 2,4 năm nếu sự cắt giảm vẫn được duy trì.

Gần 20 triệu người dân ở Bắc Kinh có thể sống lâu hơn 3,3 năm; trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người dân ở Thạch Gia Trang và Bảo Định thêm được lần lượt là 5,3 năm và 4,5 năm. Đặc biệt, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những cải thiện về tuổi thọ này có thể có hiệu quả với tất cả mọi người, không chỉ với người trẻ mà còn cả người già.

Nếu đem so sánh với những gì đã diễn ra tại Mỹ trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước mới thấy sự tiến bộ của Trung Quốc thực sự đáng kinh ngạc. Đạo luật Bầu Không khí sạch của Mỹ ban hành năm 1970 được coi là công giúp giảm lượng lớn không khí ô nhiễm. Trong khi Mỹ phải mất khoảng 12 năm mới đạt được lượng cắt giảm là 32% thì Trung Quốc chỉ cần 4 năm.