Ðể Giờ trái đất thật sự thiết thực, hiệu quả

Chiến dịch Giờ Trái đất 2018 tại Việt Nam vừa được Bộ Công thương chính thức phát động tại Hà Nội với chủ đề “Go more green” (Hôm nay tôi sống xanh hơn). Giờ Trái đất là sáng kiến của Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên toàn thế giới

Việt Nam bắt đầu tham gia Giờ Trái đất từ năm 2009. Ðây là một trong những hành động của Chính phủ và người dân thể hiện cam kết chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu (BÐKH).

Ước tính, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BÐKH. Mỗi năm, GDP thiệt hại khoảng 1,5% do thiên tai và cả tác động của BÐKH. Trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình của nước ta tăng khoảng 0,70C, mực nước biển dâng khoảng 20cm. Hiện tượng En Ni-nô, La Ni-na ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. BÐKH thật sự đã làm cho thiên tai, nhất là bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt. Theo tính toán, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng lên 3 0C và mực nước biển có thể dâng 1 mét vào năm 2100. Nếu mực nước biển dâng 1 mét, sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, khoảng 90% diện tích canh tác đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hoàn toàn, 4,4% lãnh thổ Việt Nam bị ngập vĩnh viễn…

Ứng phó BÐKH, phòng tránh thiên tai là vấn đề quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Ðảng, Nhà nước ta đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách về phòng tránh thiên tai, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh nhằm thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong ứng phó BÐKH; bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Dù còn là một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, cần ưu tiên các nguồn lực để phát triển đất nước, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính trong giai đoạn 2021 – 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Chiến dịch Giờ Trái đất là sự kiện xã hội có ý nghĩa sâu sắc và có tác động to lớn trong việc nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng và xã hội trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó BÐKH. Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã đồng loạt cam kết và có hành động hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất. Sau chiến dịch, hiệu ứng tiết kiệm năng lượng, BVMT còn kéo dài lan tỏa suốt cả năm. Theo thống kê của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), trong một giờ tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết hưởng ứng chiến dịch năm 2017, hệ thống điện quốc gia đã tiết kiệm được 471 nghìn kW giờ, tương đương khoảng 764 triệu đồng.

Qua nhiều năm thực hiện chiến dịch Giờ Trái đất, về cơ bản, nhận thức cũng như ý thức trong các tầng lớp nhân dân đã có chuyển biến, tuy nhiên vẫn chưa thật sự lan tỏa thành phong trào sâu, rộng như mong muốn. Việc tổ chức các chiến dịch quảng bá, tuyên truyền về Giờ Trái đất dường như vẫn còn nặng tính hình thức, chưa thiết thực đã khiến tác dụng của chiến dịch có phần giảm sút. Bởi vậy, để Giờ Trái đất trở nên gần gũi hơn và thể hiện được hết ý nghĩa, các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị cũng như mỗi người dân, ngoài thể hiện sự cam kết của mình bằng hành động đơn giản là tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong Giờ Trái đất (từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 24-3 tới đây), cần tự nâng cao ý thức tự bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn năng lượng một cách thiết thực để Trái đất mãi xanh tươi. Chiến dịch Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở những con số tiết kiệm điện năng mà còn có ý nghĩa tác động đến mọi người dân và cộng đồng xã hội, hướng đến mục tiêu quan trọng hơn, đó là chung tay BVMT và ứng phó với BÐKH. Mỗi hành động nhỏ sẽ mang đến hiệu quả to lớn; mỗi người góp một hành động sẽ đem đến một hành tinh xanh.