Đánh giá mô hình thí điểm chi trả PFES đối với các cơ sở nuôi cá nước lạnh

Sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản được pháp luật quy định là một loại dịch vụ môi trường rừng (PFES) tại Nghị định 99/2010/ND-CP và Luật Lâm nghiệp mới. Vì thế, các cơ sở nuôi cá nước lạnh sử dụng nguồn nước từ rừng được xem là đối tượng áp dụng của chính sách này. Trên toàn quốc hiện có hơn 10 tỉnh có hoạt động nuôi cá nước lạnh ở các quy mô khác nhau do doanh nghiệp hoặc hộ gia đình đầu tư.

Năm 2016-2017 tỉnh Lào Cai đã triển khai thí điểm chính sách chi trả PFES đối với các cơ sở nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh. Để xây dựng hiểu biết và đóng góp cho quá trình thể chế thực hiện Luật Lâm nghiệp, cụ thể hóa các quy định về chi trả PFES trong nghị định hướng dẫn thực hiện, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng Việt Nam, Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng Lào Cai và chuyên gia tư vấn (TS. Nguyễn Chí Thành) tiến hành đánh giá kết quả thực hiện mô hình thí điểm này từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2017. Một báo cáo tư vấn đã được soạn thảo, tổng hợp kết quả thực hiện; tham vấn và ghi nhận đánh giá của các bên liên quan (cơ sở nuôi cá nước lạnh, cộng đồng bảo vệ rừng, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương,..); khuyến nghị cho địa phương về chính sách thí điểm và khả năng lồng ghép nội dung này trong xây dựng nghị định thực hiện Luật Lâm nghiệp.

Ngày 01/3/2018, chuyên gia tư vấn đã trình bày kết quả đánh giá nói trên tại Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện thí điểm. Hội nghị này do ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai và ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đồng chủ trì. Hơn 80 đại biểu từ tỉnh Lào Cai và 10 tỉnh có tiềm năng phát triển nuôi cá nước lạnh gắn liền với thực hiện chính sách chi trả PFES đã tham dự và thảo luận.

Đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: PanNature)
Nguồn:
Nguyễn Việt Dũng/PanNature