Cần có cơ chế tham vấn, phản hồi của người dân

ThienNhien.Net – Mặc dù các văn bản pháp lý hiện hành đều quy định bắt buộc việc thông báo cho các hộ dân trong vùng dự án về kế hoạch xây dựng công trình thủy điện, lộ trình thu hồi đất cũng như các chế độ về hỗ trợ, đền bù. Tuy nhiên, hầu hết các cuộc họp của nhà đầu tư và chính quyền với người dân chỉ mang mục đích thông báo cho các hộ biết còn tiếng nói của các hộ dân rất hạn chế.

Nhằm đánh giá tác động kinh tế – xã hội của các dự án tái định cư thủy điện lên các nhóm đồng bào DTTS, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát, tổng hợp và phân tích 3 trường hợp điển hình tại khu tái định cư thủy điện A Vương (tỉnh Quảng Nam), Tuyên Quang và Sông Bung 4 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Tuy phạm vi khảo sát còn hẹp, song kết quả khảo sát đã cho thấy những vấn đề nổi cộm đáng quan tâm nhất là những “khoảng trống” về mặt chính sách.

Theo kết quả nghiên cứu, hầu hết các dự án thủy điện đều đảm bảo sự tham gia của người dân vào công tác kiểm đếm và đo đạc phần diện tích đất ruộng, nhà ở, tài sản và hoa màu. Tuy nhiên, quá trình này mới chỉ mang tính hình thức. Đa số người dân đều “không hài lòng” với cách thức đo đạc và kiểm kê tài sản trên đất và cho biết mức đền bù họ nhận được thấp hơn giá thị trường. Đáng chú ý, các chính sách về đền bù hiện nay chưa xét đến các tổn thất về vốn xã hội, tri thức bản địa, khả năng kết nối với các đối tác trong kinh tế của các hộ.

Ảnh minh họa: SGGP
Ảnh minh họa: SGGP

Theo quy định, đất của người dân nằm trong đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục…thì không được đền bù. Song trên thực tế người dân Cơ Tu thuộc diện di dời của thủy điện Sông Bung 4 và rất nhiều địa phương khác trên địa bàn cả nước thường thực hiện phương thức du canh. Các hộ dân đốt rẫy làm nương và sau một số vụ, đất được nghỉ để tự phục hồi và sau khoảng 3 đến 4 năm, các hộ sẽ quay lại canh tác. Tuy nhiên, khi kiểm kê đến những phần đất rẫy này sẽ không được bồi thường theo quy định của pháp luật, gây tổn thất lớn và bức xúc đối với người dân.

Tình trạng thiếu quỹ đất cho hoạt động nông nghiệp xảy ra ở hầu hết các khu tái định cư tại các địa bàn nghiên cứu. Và đây cũng là vấn đề gây bức xúc cho người dân khi chuyển sang nơi ở mới và khá phổ biến ở hầu hết các công trình trên phạm vi cả nước. Ở nhiều công trình, mặc dù người dân đã chuyển về nơi tái định cư được một thời gian dài, địa phương vẫn chưa thể hoàn thiện việc giao đất cho các hộ ổn định sản xuất.

Nguyên nhân của thực trạng trên do việc bồi thường và hỗ trợ quản lý giá đất còn nhiều bất cập. Cụ thể việc triển khai Nghị định số 69/2009/NĐ-CP gặp nhiều lúng túng, do không có hướng dẫn cụ thể để thực hiện cơ chế bồi thường và hỗ trợ các đối tượng bị thu hồi đất. Đáng chú ý, cơ chế phản hồi và đại diện của người dân bị thu hồi đất và tái định cư mới chỉ mang tính hình thức.

“Theo Điều 74, Luật Đất đai và Điều 3, Nghị định 34/QĐ-TTg, bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải thực hiện trên nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai, công bằng, kịp thời… Tuy nhiên, nguyên tắc này chưa được lồng ghép cụ thể và chặt chẽ vào các quy định liên quan đến từng quá trình của việc thu hồi đất như lập kế hoạch, giải phóng mặt bằng… Do đó, cần phải có cơ chế tham vấn, phản hồi của người dân trong vấn đề thu hồi đất đai và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong vấn đề thủy điện” – Báo cáo nghiên cứu đề xuất.