Các địa phương đẩy nhanh tiến độ trồng cây, tăng độ che phủ rừng

Do thời tiết mưa xuân thuận lợi và hưởng ứng Tết trồng cây, các địa phương đẩy nhanh trồng cây phân tán, tập trung. Diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 3,92 nghìn ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2017; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 10,19 triệu cây, tăng 2,0%. Tính chung hai tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 6,76 nghìn ha, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn hộ ông Nguyễn Văn Liệu, thôn Mới, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) cách trồng cây keo lai BV10. Ảnh: THẾ HÙNG

* Để trồng rừng năm 2018 đạt kết quả cao, tỉnh Lào Cai đã chuẩn bị được gần 56 triệu cây giống lâm nghiệp các loại, trong đó 13,7 triệu cây giống chuẩn bị từ năm 2017 và 41,9 triệu cây giống được ươm mới. Đáng chú ý, tỉnh còn chuẩn bị thêm 17,4 tấn hạt giống để phục vụ cho công tác trồng rừng.

* Tỉnh Vĩnh Phúc có tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 33 nghìn ha, trong đó có hơn 15 nghìn ha diện tích rừng đặc dụng. Hiện, ngành chức năng đã tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ và phát triển rừng; đưa những giống cây trồng có giá trị cao để người dân yên tâm bám rừng sản xuất… Năm nay, Vĩnh Phúc phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đạt 24,1%.

* Huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Cạn) được giao chỉ tiêu trồng 1.590 ha rừng, trong đó, rừng tập trung là 840 ha, cây phân tán 300 ha, còn lại là rừng trồng sau khai thác. Hiện, toàn huyện đã trồng được 430 ha rừng tập trung, 210 ha rừng phân tán.

* Huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đang thực hiện trồng rừng, ngoài những giống cây lấy bóng mát thông dụng còn có thêm những loại cây có giá trị cao như: lim xanh, gỗ dổi, thông nhựa… Năm 2018, huyện Ba Chẽ có kế hoạch trồng mới 3.000 ha rừng, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng từ 70,2% lên 70,5%.

* Hiện, Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội đang quản lý bảo vệ 5.588 ha rừng, trong đó, hơn 2.095 ha rừng phòng hộ môi trường và đất lâm nghiệp, hơn 3.493 ha rừng đặc dụng. Lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra để bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; tiếp tục triển khai công tác giao đất, khoán rừng cho các tổ chức, cá nhân có khả năng đầu tư trồng rừng…

* Tỉnh Bình Thuận có hơn 370 nghìn ha rừng, trong đó có hơn 150 nghìn ha có nguy cơ cháy cao. Lực lượng chức năng đã thực hiện phương án “bốn tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra bảo vệ rừng, các chốt trực trong ngày ở các vùng rừng trọng điểm…

* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác tháng 2 ước tính đạt 523 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó cá ước đạt 398 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm ước đạt 42,2 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Cụ thể, sản lượng nuôi trồng ước tính đạt 276,3 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ…

* Nhiều tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi sau những ngày đi biển đánh bắt hải sản đã trúng đậm cá ngừ, cá cơm đầu năm. Tại cảng biển Mỹ Á (huyện Đức Phổ), cảng cá Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn), tàu cá về luôn đầy khoang. Với giá cá ngừ hiện nay khoảng 100 nghìn đồng/kg thì mỗi tàu cá thu hàng trăm triệu đồng; còn cá cơm với giá bán từ 20 đến 30 nghìn đồng/kg thu về hàng chục triệu đồng/chuyến.

* Ngày 27-2, tại cảng cá An Hòa, xã Tam Giang, huyện Núi Thành (Quảng Nam), UBND huyện Núi Thành tổ chức lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm, thu hút hàng trăm tàu thuyền và hàng nghìn ngư dân tham gia. Hiện toàn huyện có 2.310 tàu thuyền các loại, phấn đấu tổng sản lượng khai thác đạt 52 nghìn tấn hải sản các loại…

* Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đạt giá trị sản xuất thủy sản khoảng 2.450 tỷ đồng, với tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản hơn 112.500 tấn trên diện tích thả nuôi 2.550 ha. Tỉnh chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ theo chuỗi, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm…

* Tỉnh Đồng Tháp quy hoạch lại diện tích nuôi tôm càng xanh đến năm 2020 là hơn 2.000 ha, tập trung ở các huyện Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự; riêng huyện Tam Nông hơn 1.500 ha. Tỉnh cũng đưa ra mô hình luân canh nuôi tôm càng xanh – lúa lãi 75 triệu đồng/ha để nhân rộng cho các vùng nuôi.

* Do thiếu nguồn cung cho nên giá cá tra giống tại đồng bằng sông Cửu Long được đẩy lên rất cao. Hiện cá giống loại 30 con/kg đang có giá khoảng 2.000 đồng/con, tương đương khoảng 60 nghìn đồng/kg. Dự kiến, trong quý II, giá cá giống sẽ “hạ nhiệt” do đang là thời điểm thuận mùa của vụ nuôi cá giống.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, do chịu ảnh hưởng của vùng hội tụ trong đới gió tây dịch chuyển dần sang phía đông, cho nên hôm nay 28-2, tại các tỉnh phía tây Bắc Bộ, thời tiết sẽ tốt dần lên, mưa chỉ còn xảy ra vài nơi, nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 20 đến 23oC. Trong khi đó, ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ chịu sự chi phối của khối không khí lạnh suy yếu và biến tính cho nên thời tiết chủ yếu là mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, trưa và chiều mưa giảm, nhiệt độ từ 20 đến 22oC. Trên biển và hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thời tiết ổn định, mưa rào chỉ xảy ra một vài nơi.

* Ngày 27-2, tại Đình làng Thái Dương, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế), hàng trăm ngư dân đã tham gia ngày hội xuất quân từ cửa biển Thuận An, bắt đầu vụ đánh bắt cá nam năm 2018. Thị trấn Thuận An là địa phương trọng điểm của huyện Phú Vang về nghề khai thác biển. Năm 2017, thị trấn đã đóng mới được 11 tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 440 CV đến 820 CV, nâng tổng số tàu thuyền của địa phương lên 408 chiếc; nhờ vậy, sản lượng khai thác trong năm qua đạt 8.714 tấn, đạt 101%.