Biến đổi khí hậu làm biến đổi nhiều loài động vật

Tạp chí khoa học Nature Ecology & Evolution mới đây công bố một nghiên cứu cho thấy động vật có vú và các loài chim có khả năng chống chịu tốt nhất đối với tình trạng biến đổi khí hậu nhanh chóng trên Trái Đất. Nhưng các loài này cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, thậm chí thay đổi cả hình dáng.

Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học Australia, việc nhiệt độ toàn cầu tăng lên đã khiến cho vóc dáng của các loài chim nhỏ hơn so với trước đây và làm gia tăng mức độ lo ngại về sức khỏe của chúng. Nghiên cứu cho thấy việc phải tiếp xúc với nhiệt độ cao đã ảnh hưởng đến vóc dáng của loài chim nhiều hơn so với ảnh hưởng do khí hậu rét buốt. Các nhà khoa học đã bắt và đo kích thước của khoảng 40 con chim sẻ nâu trưởng thành tại 30 địa điểm ở Australia và New Zealand. Họ thấy rằng những con chim sẻ ở các khu vực có khí hậu nóng có vóc dáng nhỏ hơn với những con chim này tại các khu vực có khí hậu cực lạnh.

Loài chim sẻ nâu. Ảnh: Quora

Theo nhà nghiên cứu Simon Griffith, sự thay đổi vóc dáng này có thể giúp cho loài chim thích nghi hơn với tình trạng biến đổi khí hậu. Cũng đề cập đến vấn đề này, tác giả chính của nghiên cứu Samuel Andrew cho biết, nếu sự thay đổi vóc dáng như vậy đóng vai trò quan trọng trong việc thích nghi với sự biến đổi khí hậu thì những loài chim không thay đổi vóc dáng sẽ là những loài dễ bị ảnh hưởng nhất do tình trạng khí hậu nói trên.

Trong khi đó, trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học phân tích xem gần 11.500 loài động vật đã sống sót qua những thay đổi nóng-lạnh của thời tiết trong hơn 270 triệu năm qua như thế nào. Kết quả cho thấy các loài vật máu nóng có khả năng chống chịu tốt hơn loài bò sát và động vật lưỡng cư. Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà khoa học Jonathan Rolland, thuộc trường Đại học British Columbia cho biết, động vật có vú và các loài chim có khả năng sinh tồn và mở rộng phạm vi sinh sống của mình tốt hơn tất cả các loài động vật khác. Theo ông, việc này có thể “tác động lớn” đến số các loài tuyệt chủng và cung cấp một bức tranh về thế giới trong tương lai.

Các loài động vật máu nóng có thể điều chỉnh thân nhiệt, cho phép chúng giữ ấm cho những đứa con trong bụng và tăng cơ hội sống sót. Nhóm này, bao gồm các động vật có vú và các loài chim, có thể di cư hoặc ngủ đông dễ dàng hơn các loài động vật máu lạnh, loài mà thân nhiệt do môi trường bên ngoài quyết định.

Khi một tảng đá lớn trong vũ trụ lao vào Trái Đất cách đây 66 triệu năm, mảnh vỡ của nó đã đi vào khí quyển và làm giảm nhiệt độ của hành tinh trong nhiều thập kỷ. Cú va chạm này đã “xóa sổ” loài khủng long không biết bay, từ loài khủng long T-Rex đến khủng long Triceratop 3 sừng. Nhưng các loại động vật có vú máu nóng sống trên cạn vẫn sống sót và kể từ đó phát triển trong khi toàn bộ loài khủng long biến mất khỏi Trái Đất.

Nguồn: