Tích cực trồng cây, phát triển rừng ứng phó biến đổi khí hậu

Tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gây tác động lớn thì càng thấy vai trò quan trọng của việc trồng cây, bảo vệ và phát triển rừng. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Cao Chí Công, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xung quanh chủ đề này trong dịp Tết trồng cây Xuân Mậu Tuất 2018.

Phóng viên (PV): Thưa ông, ngành lâm nghiệp đã chuẩn bị gì cho Tết trồng cây Xuân Mậu Tuất và triển khai kế hoạch phát triển rừng năm 2018?

Ông Cao Chí Công: Triển khai kế hoạch phát triển rừng năm 2018, Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc giống cây trồng từ khâu thu hoạch vật liệu giống, nguồn gốc lô giống, sản xuất cây con ở vườn ươm, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô cây con đến hiện trường trồng rừng.

Đối với Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Mậu Tuất, các địa phương đã chuẩn bị đủ cây giống bảo đảm chất lượng theo kế hoạch. Việc tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức. Tết trồng cây phải là dịp để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, LLVT và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng “làm cho đất nước càng ngày càng xuân” như lời Bác Hồ dạy.

Ông Cao Chí Công. Ảnh: Nguyễn Kiểm

PV: Đề nghị ông cho biết, bên cạnh việc trồng rừng thì yêu cầu bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2018 được ngành chuẩn bị như thế nào?

Ông Cao Chí Công: Năm 2017, công tác bảo vệ rừng, PCCCR tiếp tục đạt được kết quả tích cực, vượt mục tiêu đề ra, số vụ vi phạm giảm 23%, diện tích rừng thiệt hại giảm 68% so với năm 2016. Để tiếp nối thành công đó, năm 2018, ngành đặt ra chỉ tiêu phấn đấu giảm 20% số vụ vi phạm và 30% về diện tích bị thiệt hại so với năm 2017.

Ngành đã phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai phương án PCCCR, chống chặt phá rừng mùa khô năm 2017-2018; thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cháy rừng, phát hiện sớm điểm cháy rừng để có biện pháp giải quyết kịp thời; tổ chức công tác ứng trực 24/24 giờ tại Cục Kiểm lâm và các chi cục kiểm lâm vùng. Tổng cục cũng chỉ đạo các chi cục kiểm lâm vùng kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, thiết bị PCCCR; tổ chức ứng trực hỗ trợ lực lượng, phương tiện, thiết bị tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao để sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời. Nhiều năm qua, lực lượng kiểm lâm luôn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ quân đội trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh tham gia Tết trồng cây. Ảnh: Nghinh Xuân

PV: Rừng phòng hộ ven biển, rừng đặc dụng ngày càng có vai trò quan trọng trong giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là trước diễn biến ngày càng phức tạp của BĐKH. Vậy ngành lâm nghiệp có giải pháp gì để phát triển rừng đặc dụng phòng hộ, rừng phòng hộ ven biển trong thời gian tới?

Ông Cao Chí Công: Về cơ chế chính sách, ngành đã tổ chức triển khai những nội dung cơ bản trong Luật Lâm nghiệp liên quan đến công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; tập trung nhân lực và nguồn lực để tham mưu, soạn thảo nội dung sửa đổi và xây dựng mới các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư. Triển khai nghiêm túc quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Thời gian tới, ngành tập trung nghiên cứu, tham mưu cho bộ và Chính phủ ban hành chính sách đầu tư tài chính bền vững trong hoạt động của hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ phù hợp với Luật Lâm nghiệp, Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công và các quy định về tổ chức, quản lý hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ…

Đối với hệ thống rừng phòng hộ ven biển, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 120/QĐ-TTg ngày 22-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020”. Ngành lâm nghiệp sẽ hướng dẫn các địa phương thực hiện hiệu quả 40 dự án trồng rừng ven biển; rà soát, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển làm cơ sở xây dựng các dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ven biển; vận động nhân dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với BĐKH.

PV: Thưa ông, Luật Lâm nghiệp sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019. Trong năm 2018 này, ngành sẽ triển khai những công việc cụ thể gì để luật sớm đi vào cuộc sống?

Ông Cao Chí Công: Luật Lâm nghiệp năm 2017 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Tổng cục Lâm nghiệp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Lâm nghiệp. Ngành cũng sẽ triển khai kế hoạch xây dựng để trình ban hành trong quý IV-2018 đối với 4 nghị định, 7 thông tư quy định chi tiết thi hành luật, để bảo đảm hiệu lực thi hành. Tổng cục cũng tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới. Phối hợp với cơ quan liên quan biên soạn các tài liệu giới thiệu Luật Lâm nghiệp để tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến người dân…

PV: Trân trọng cảm ơn ông.