Xử lý dứt điểm nạn khai thác trái phép cát trên các sông Vu Gia, Thu Bồn

Thời gian gần đây, do nhu cầu cát xây dựng ngày càng lớn và lợi nhuận thu được từ kinh doanh loại vật liệu này là khá béo bở, cho nên tình trạng khai thác cát trái phép trên các sông Vu Gia, Thu Bồn ở Quảng Nam diễn ra rất phức tạp. Người dân ven sông bức xúc vì bờ sông bị sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm.

Cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ hàng chục ghe, tàu hút cát trái phép trên sông Thu Bồn.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, có dịp ngược dòng sông Thu Bồn, chúng tôi chứng kiến tại các bãi tập kết cát nằm hai bên bờ sông (thuộc địa phận thị xã Ðiện Bàn và huyện Duy Xuyên) có hàng chục xe tải chở cát ra vào tấp nập. Theo chính quyền địa phương, thì đây là những bãi tập kết cát được các cơ quan chức năng cấp phép, thế nhưng trong đó, đâu là nguồn cát có phép và đâu là lượng cát “nhập về” từ các đối tượng khai thác trái phép thì chính quyền địa phương đành bó tay!

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì cát hút trộm được bán lại cho chủ các bãi tập kết, kinh doanh trái phép với giá 60 nghìn đồng/m3. Nhưng cũng có nhiều người chuyên đi hút cát thuê cho các chủ bãi kinh doanh cát để lấy tiền công. Ông Phạm Còn, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) khi đang lái tàu hút cát trên sông Thu Bồn thì bị lực lượng cảnh sát đường thủy bắt giữ. Ông Còn bày tỏ, ông đi lái thuê cho chủ bãi để lấy tiền và mới “ra quân” lần đầu thì bị phát hiện. Còn ông Nguyễn Sự (trú ở xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên) bộc bạch, biết đi hút cát trộm là vi phạm pháp luật, nhưng vừa rồi mới mua được chiếc tàu, thấy người ta hút cát về bán có lời, cho nên cũng làm theo để kiếm tiền trả nợ.

Ngoài các đối tượng tranh thủ đêm tối để hút cát trộm bán cho chủ các bãi tập kết, kinh doanh cát, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc có giấy phép để tổ chức khai thác ngoài khu vực cho phép, gây sạt lở, bồi lấp diện tích đất sản xuất khiến người dân bức xúc. Mới đây, người dân ở thôn Ðông Yên, xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) đã phản ứng gay gắt việc Công ty CP Nhất Tài và Công ty CP An Thịnh dùng máy hút cát có vòi dài, hút sâu xuống lòng sông Thu Bồn tại khu vực xóm Vĩnh An làm sạt lở hàng chục héc-ta đất ven sông. Ông Ðặng Ngọc Thủy (thôn Ðông Yên) cho biết, từ giữa tháng 5-2017, mỏ cát của Công ty CP An Thịnh được chuyển cho Công ty TNHH MTV Cử Minh Khoa tiếp tục khai thác, gây bồi lấp đất sản xuất. Người dân bức xúc đã kéo ra tận bờ sông yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, việc khai thác cát bừa bãi trên sông vẫn tiếp diễn.

Không riêng sông Thu Bồn, trên sông Vu Gia cũng có rất nhiều doanh nghiệp đang ngày đêm vét kiệt lòng sông. Riêng tại khu vực cầu Hà Nha, với đoạn sông dài khoảng cây số, có đến bốn đơn vị được cấp phép khai thác cát. Từ việc cấp phép ồ ạt, đến việc lơi lỏng công tác quản lý, kiểm tra của các cơ quan chức năng địa phương đã tạo ra cơ hội lớn để các đơn vị được cấp phép lợi dụng hút cát ngoài phạm vi cho phép, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống người dân.

Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy và cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát. Riêng trong năm 2017, Ðội Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh Quảng Nam bắt hơn 20 vụ khai thác cát trái phép, thu giữ hàng chục tàu, thuyền các loại. Mới đây, vào rạng sáng 13-1, khi đang tuần tra trên sông Thu Bồn (đoạn qua xã Ðiện Thọ và xã Ðiện Phong, thị xã Ðiện Bàn), Ðội Cảnh sát giao thông đường thủy đã phát hiện và lập biên bản bắt giữ năm tàu hút cát trái phép. Trước đó nửa tháng, lực lượng cảnh sát môi trường cũng đã mật phục, phát hiện và bắt giữ sáu ghe đang khai thác trái phép cát trên sông Thu Bồn, đoạn chảy qua xã Ðiện Phong, với tổng khối lượng cát đã khai thác trái phép gần 300 m3.

Ðược biết, để lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Ðinh Văn Thu vừa giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác cát sỏi dưới lòng sông. Ðồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Ðiện Bàn và các huyện Duy Xuyên, Ðại Lộc tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân buông lỏng công tác quản lý, thực thi nhiệm vụ để xảy ra nạn khai thác khoáng sản trái phép kéo dài. Tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện đường thủy; xử lý kiên quyết các ghe, thuyền không có đăng ký, đăng kiểm; nhất là các ghe, thuyền có gắn máy hút cát, sỏi và các ghe, thuyền chuyển cát sỏi ngoài giờ quy định. Thực hiện nghiêm Luật Khoáng sản và Chỉ thị 03 (ngày 30-3-2015) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Ðinh Văn Thu yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng cảnh sát: kinh tế, môi trường, giao thông phối hợp với các ngành, địa phương liên quan triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản; kiên quyết tạm giữ, tịch thu các phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép. Cán bộ, chiến sĩ công an thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người có hành vi bao che, bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng khai thác, vận chuyển và sử dụng khoáng sản trái phép. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải chỉ đạo thanh tra giao thông phối hợp với Công an tỉnh kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận tải đường thủy; kiên quyết xử lý chủ các ghe, thuyền không có đăng ký, đăng kiểm và các ghe thuyền có gắn máy hút cát, sỏi và các ghe, thuyền vận chuyển cát, sỏi ngoài giờ quy định.