Bảo tồn toàn diện để đảm bảo cho tương lai động vật hoang dã

Việt Nam là nước có mức độ đa dạng sinh học cao, đứng thứ 16 trên thế giới. Dù diện tích của Việt Nam chỉ đứng ở vị trí 65 nhưng có nhiều loài động vật lại đứng ở tốp đầu về số lượng so với toàn thế giới.

Cán bộ của SVW trong một lần đi tái thả động vật hoang dã về tự nhiên

Thúc đẩy các cấp chính quyền, tổ chức, cơ quan bảo vệ ĐVHD

Việt Nam có tới 310 loài thú, chiếm khoảng 7,7% tổng số động vật có vú trên thế giới; có 916 loài chim chiếm khoảng 10% các loài chim trên toàn thế giới. Đặc biệt, Việt Nam có ít nhất 467 loài động vật đặc hữu, cao hơn nhiều so với các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan. Điển hình trong số đó, có thể kể đến Sao La, Chà Vá chân xám, Voọc Cát Bà, Voọc quần đùi trắng.

Mặc dù, có mức độ đa dạng sinh học phong phú, nhưng rất nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) của Việt Nam đã và đang biến mất. Nhu cầu sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng đã đẩy Việt Nam trở thành một điểm nóng về tình trạng săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã trong khu vực, đẩy các loài ĐVHD đến bờ vực tuyệt chủng.

Không chỉ vậy, sự suy thoái sinh cảnh sống, khó khăn trong công tác thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, và sự giới hạn về nhận thức của người dân đã gia tăng áp lực và thách thức trong công tác bảo tồn. Để giải quyết vấn đề bức thiết này, bảo tồn ĐVHD ở Việt Nam cần xét tính chiến lược toàn diện và lâu dài.

Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, nhằm giải quyết nạn buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã. Chỉ thị này là một hành động thiết thực thúc đẩy các cấp chính quyền, các cơ quan của Chính phủ trong công cuộc bảo tồn và quản lý săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.

Hành động mạnh mẽ của các tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận trong và ngoài nước trong lĩnh vực bảo tồn cũng đã cùng giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết liên quan đến ĐVHD. Sự có mặt của các tổ chức bảo tồn góp phần duy trì, phục hồi nhiều loài động vật, mang tới những dấu hiệu tươi sáng hơn về tương lai của các loài ĐVHD tại Việt Nam.

Chung tay bảo tồn loài hoang dã

Trong một thập niên trở lại đây Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tổ chức hoạt động về lĩnh vực môi trường và bảo tồn. Đặc biệt, các tổ chức này do chính những người Việt Nam đứng ra thành lập. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy sự thay đổi trong mối quan tâm của xã hội dành cho môi trường và bảo tồn.

Có thể kể đến Trung tâm Con người và Thiên nhiên Việt Nam (PanNature), Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV); Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã ở Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife); Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt xanh  (GreenViet), Trung tâm Hành động vì Động vật hoang dã Việt Nam (WildAct Vietnam); Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (Change)…

Trong số các tổ chức trên, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã ở Việt Nam (SVW) là một đơn vị hoạt động bảo tồn hiệu quả. Được thành lập từ năm 2014, đến nay SVW đã phối hợp với Ban quản lý các Vườn quốc gia như: Cúc Phương, Pù Mát, Nam Cát Tiên… cùng các lực lượng chức năng, cơ quan Công an trên cả nước giải cứu được hơn 2.000 loài động vật khác nhau. Trong đó, riêng số lượng Tê tê là 1.540 cá thể, thuộc vào hàng nhiều nhất thế giới.

Để có thể giải quyết và đảm bảo cho tương lai của ĐVHD ở Việt Nam, công tác bảo tồn tại SVW đã xét trên tính toàn diện, tức là giải quyết mọi vấn đề liên quan đến bảo tồn như: giải cứu động vật, chăm sóc động vật, nghiên cứu sinh cảnh, nghiên cứu giống loài, giáo dục nâng cao nhận thức, vận động chính sách và thực thi pháp luật. Mỗi nhóm hoạt động trên đều theo trình tự và gắn kết chặt chẽ với nhau.

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã ở Việt Nam cho biết: “SVW xác định việc xây dựng các chương trình bảo tồn mang tính chất dài hạn, vì chỉ như vậy mới làm được toàn diện và giải quyết triệt để mọi vấn đề liên quan. Với những chương trình và hành động SVW đang làm, chúng tôi tin rằng, Việt Nam có thể bảo vệ những loài động vật nguy cấp và thiên nhiên hoang dã của Việt Nam ngày càng an toàn hơn”.