Vụ học sinh ngất xỉu hàng loạt tại Hải Phòng: Kiến nghị di dời nhà máy thép

Liên quan đến việc hàng loạt học sinh trường THCS Quán Toan (phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) bị ngất xỉu hàng loạt hôm 6.1 do hít phải khí độc từ Nhà máy luyện thép của Cty CP Thép Việt Nhật cạnh đó, ngày 8.1, Sở TNMT Hải Phòng đã có báo cáo UBND TP.Hải Phòng về sự cố ô nhiễm môi trường trên.

Nhà máy Thép Việt Nhật chỉ cách trường THCS Quán Toan khoảng 100m, không đảm bảo quy định.Ảnh: HH

Hơn 20 học sinh choáng ngất phải cấp cứu

Theo Sở TNMT Hải Phòng, vụ việc khiến 2 giáo viên và 21 em học sinh bị choáng, ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Tràng An. Nhà trường ngay lập tức phải cho học sinh nghỉ học. Ngay sau đó, UBND quận Hồng Bàng và Chi cục Bảo vệ môi trường TP.Hải Phòng đã tổ chức kiểm tra thực tế tại nhà máy. Ông Nguyễn Văn Phi – trợ lí Chủ tịch HĐQT Cty CP Thép Việt Nhật – cho biết: Do túi lọc bụi của dây chuyền luyện thép bị cháy, dẫn đến việc khói bụi trực tiếp bay ra ngoài môi trường.

Theo Sở TNMT Hải Phòng, Cty CP Thép Việt Nhật có hoạt động luyện phôi thép từ các loại phế liệu có lẫn tạp chất, phát sinh khí thải độc hại ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của giáo viên, học sinh và nhân dân xung quanh khu vực. Khí thải nhiều nhất là vào những ngày thời tiết âm u, không khí ẩm, khí không thoát được. “Để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường là do Cty CP Thép Việt Nhật đã không thường xuyên kiểm tra, giám sát quá tình vận hành hệ thống xử lý khí thải, dẫn đến sự cố trên” – công văn Sở TNMT khẳng định.

Trước đó, các giáo viên, học sinh và người dân khu vực phường Quán Toan nhiều lần phản ánh về việc khí thải của nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường. Khí thải càng đậm đặc vào buổi tối, nửa đêm và sáng. Học sinh của trường Quán Toan cũng nhiều lần ngất xỉu, phải đi cấp cứu vì hít phải khí độc từ nhà máy. Trong các kiến nghị gửi HĐND TP, cử tri cũng đã nhiều lần kiến nghị về sự việc trên, đề nghị chính quyền giải quyết. Rất nhiều người dân đề nghị di dời các nhà máy thép ra khỏi khu vực dân cư, tạo môi trường trong lành cho nhà trường và khu dân cư.

Khoảng cách không đảm bảo quy định

Theo ông Trần Văn Phương – Phó GĐ Sở TNMT Hải Phòng: Sở đề xuất UBND TP yêu cầu Cty Thép Việt Nhật tạm dừng hoạt động dây chuyền luyện thép để khắc phục sự cố, khi nào khắc phục, đảm bảo chất lượng mới được hoạt động trở lại; báo cáo việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, việc xuất nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; không sử dụng phế liệu trong nước có nhiều tạp chất, thay sử dụng nguyên liệu bằng dầu FO sang dùng ga của dây chuyền cán thép; giao Sở TNMT quan trắc, đánh giá chất lượng khí thải trước khi xả ra môi trường; giao công an quận Hồng Bàng tăng cường giám sát việc chấp hành bảo vệ môi trường của Cty CP Thép Việt Nhật.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Minh Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hải Phòng – cho biết: Trước đây, khu vực này được quy hoạch làm cụm công nghiệp nặng (với 7 Cty sản xuất thép). Tuy nhiên, khoảng cách giữa nhà máy thép Việt Nhật đến khu vực trường học và khu dân cư không đảm bảo yêu cầu (cách nhau chỉ khoảng hơn 100m). Vào tháng 9.2017, Sở TNMT Hải Phòng cũng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng về việc rà soát thực hiện các dự án di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn phường Quán Toan, quận Hồng Bàng. Theo đó, hiện còn 6 DN sản xuất thép có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao gồm: Cty liên doanh sản xuất thép Vinausteel (thép Việt Úc), Cty Thép Úc SSE, Cty CP Thép Việt Nhật, Cty TNHH Ống thép VN; Cty TNHH Cơ khí Việt Nhật và Cty TNHH Thép VSC-Posco. Khi cả 6 Cty này cùng hoạt động sẽ có sự cộng hưởng gây ô nhiễm môi trường khu vực.

Ông Nguyễn Văn Phi – Trợ lý Chủ tịch HĐQT Cty Thép Việt Nhật – cho rằng: Do nằm sát khu dân cư và trường học, lại có tới 6 nhà máy thép đang hoạt động trên địa bàn nên có tác động xấu đến môi trường. Để phát triển được ổn định lâu dài, chúng tôi cũng mong muốn TP.Hải Phòng có phương án tháo dỡ cho DN, có thể chuyển đổi vị trị phù hợp với ngành sản xuất thép, mà vẫn đảm bảo được các quy định an toàn về môi trường cho người dân sinh sống. “Nếu đến nơi phù hợp quy hoạch, chúng tôi sẵn sàng chấp hành” – ông Phi nói.

Nguồn: