Nguồn nước đối với phát triển năng lượng: Bài 1- Suy giảm cả về chất và lượng

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về năng lượng và nước.

Hồ chứa Cao Vân (thuộc địa phận Cẩm Phả và Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) bị suy giảm nghiêm trọng không đủ cấp nước cho các nhà máy nước sạch ở Quảng Ninh. Ảnh: Văn Đức/TTXVN

Mặc dù hai lĩnh vực này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, song các chính sách phát triển năng lượng hiện tại chưa xem xét đầy đủ tới tác động của ngành này đến an ninh nguồn nước. Trong khi an ninh nguồn nước của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như suy giảm về cả số lượng và chất lượng. Những thách thức này càng đáng báo động hơn nữa trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một gia tăng.

Theo Ủy ban về Nước của Liên hiệp quốc, an ninh nguồn nước là “khả năng của dân cư được tiếp cận đủ nước với chất lượng cần thiết để duy trì sinh kế, phục vụ nhu cầu cá nhân, và phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đảm bảo bảo vệ khỏi ô nhiễm phát sinh từ nguồn nước, tránh được những thiên tai liên quan đến nguồn nước, và bảo tồn các hệ sinh thái trong một bầu không khí hòa bình và ổn định chính trị”.

Chỉ số an ninh thấp 

Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia giai đoạn 2011 – 2015, mỗi năm Việt Nam nhận một lượng mưa trung bình dao động từ 1.900 – 2.000 mm/năm, có hơn 2.360 con sông có chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó có 109 sông chính. Tổng lượng nước mặt trung bình năm của nước ta khoảng 830 – 840 tỉ m3, tập trung chủ yếu trên 8 lưu vực sông lớn, bao gồm các lưu vực sông Hồng – Thái Bình, sông Bằng Giang – Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Ba, sông Đồng Nai và sông Mekong (Cửu Long).

Tuy vậy, khoảng 63% nguồn nước mặt của Việt Nam (tương ứng với 520 tỷ m3/năm) có nguồn gốc ở ngoài ranh giới quốc gia, chỉ có gần 310 tỉ m3/năm được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam. Trữ lượng nước ngầm tiềm năng (nguồn nước ngầm có thể tái bổ cập tự nhiên vào tầng chứa nước) có thể khai thác được ước tính vào khoảng 63 tỷ m3/năm. Sự phân bố “nước ngầm tiềm năng” trên mỗi đầu người mỗi năm cao nhất từ 3.770m3/người (vùng Tây Bắc) đến thấp nhất là 84m3/người (vùng Đồng bằng sông Cửu Long).

Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trung bình một người Việt Nam có khoảng 9.856m3 nước mặt mỗi năm, nhiều gấp khoảng 1,5 lần lượng nước trung bình cho mỗi đầu người trên thế giới. Nhưng nếu xem xét về lượng nước đang được khai thác thì mỗi người Việt Nam chỉ mới sử dụng được xấp xỉ khoảng 953m3/người/năm. Ở mức này thì Việt Nam là một quốc gia có lượng nước cho mỗi người ở mức trung bình so với toàn thế giới. Bởi theo chuẩn của Hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), thì quốc gia nào có lượng nước khai thác dưới 4.000m3/năm thì quốc gia đó nằm ở mức thiếu nước.

Còn theo đánh giá an ninh nguồn nước của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) từ bốn khía cạnh chính. Đó là an ninh nước sinh hoạt, an ninh nước cho phát triển kinh tế, an ninh nước đô thị, an ninh nước môi trường và khả năng thích ứng với các thảm họa liên quan tới nước, thì Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới và top 3 trong khu vực Đông Nam Á có chỉ số an ninh nguồn nước thấp nhất. Với mức độ gia tăng dân số và phát triển kinh tế hiện nay, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sạch trong một số tháng trong năm ở Việt Nam đang và sẽ là điều hiện hữu.

Những thách thức 


Nước xả thải từ một khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Thái Bình có màu đen đặc được thải ra sông Trà Lý (đoạn xã Tân Bình, thành phố Thái Bình). Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) gồm Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Thạc sĩ Trần Đình Sính và Nghiên cứu viên Nguyễn Thị Hằng đã chỉ ra rằng: Có đến 2/3 dòng chảy mặt ở Việt Nam xuất phát từ ngoài biên giới. Cụ thể trong tổng số khoảng 208 con sông lớn nhỏ thì có tới 126 sông có nguồn nước từ nước ngoài chảy vào nội địa, 76 sông từ trong nước chảy qua nước khác và 4 con sông chảy vào nhưng sau đó lại chảy ra khỏi địa phận nước ta.

Trong tất cả lưu vực sông có ở Việt Nam thì 8 lưu vực sông là lưu vực liên quốc gia, phần diện tích lưu vực ở nước ngoài chiếm khoảng 70% diện tích. Đặc biệt là các hệ thống sông lớn như sông Mekong, sông Hồng, sông Bằng Giang – Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai. Về tổng lượng dòng chảy năm thì có đến 60% là từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Miến Điện, Lào và Campuchia chảy vào Việt Nam.

Tổng lượng mưa trung bình năm của cả nước là cao nhưng phân bố không đều theo không gian, có những nơi lượng mưa cực kỳ cao như vùng Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế) lên đến 8.000mm/năm, trong khi đó có những vùng như Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Rí (Bình Thuận) lượng mưa rất thấp chỉ từ 400 – 700mm/năm. Sự phân bố lượng mưa theo thời gian cũng bất tương xứng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2 mùa mưa và mùa khô. Lượng mưa mùa khô không đến 10% kéo dài gần 7 tháng so với 90% tập trung vào 5 tháng mùa mưa. Tổng lượng dòng chảy mặt thay đổi rõ rệt giữa các mùa trong năm, phổ biến chiếm 75 – 85% cho mùa mưa lũ, phần còn lại chia cho các tháng mùa khô.

Sông Mekong là hệ thống sông lớn ở Việt Nam (chiếm 57% tổng lượng nước quốc gia), nhiều gấp 54 lần lượng nước vùng Đông Bắc. Lưu lượng mùa lũ của sông Mekong đổ về đồng bằng vào mùa mưa lũ có thể lên đến 39.000 – 40.000m3/s, nhưng có nhiều năm vào mùa khô lưu lượng đổ về đồng bằng chỉ còn 2.500m3/s. Thậm chí những năm khô hạn, lượng nước đổ về chỉ còn đến 1.200 – 1.700m3/s dẫn đến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài nhiều tháng. Có nhiều con sông ở Tây Nguyên gần như không có nước chảy trong mùa khô. Nhiều vùng ở Việt Nam cũng cho thấy chênh lênh mực nước ngầm khai thác được giữa mùa khô và mùa mưa dao động từ vài mét đến hàng chục mét, nhất là các vùng núi Tây Bắc và Tây Nguyên.

Theo nghiên cứu của Viện Khí tượng-Thủy văn: Gần đây gây khô hạn đang đe dọa nghiêm trọng vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên. Hiện tượng nắng nóng kéo dài và lượng mưa suy giảm khiến tình hình sử dụng nước thêm khó khăn. Hiện tượng nước biển dâng cũng làm gia tăng thách thức đối với chất lượng của tài nguyên nước. Nguồn nước ngầm ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng như một tác động dây chuyền như giảm mực thủy cấp và nhiễm mặn. Đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong các “điểm nóng” về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tạo nên nhiều tổn thương cho sinh kế của người dân.

Mặt khác, dưới áp lực của sự gia tăng dân số, phát triển công nghiệp, đô thị hóa, nhu cầu sản xuất lương thực và thực phẩm, thu hẹp diện tích đất đai và diện tích rừng đầu nguồn, nguồn tài nguyên nước đang bị khai thác quá mức và khó kiểm soát, chất lượng nước bị suy thoái trầm trọng. Nhiều dòng sông đang bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng nước ngày càng xấu đi do mang nhiều độc chất từ các chất thải kim loại nặng, chất thải hữu cơ và vô cơ từ sinh hoạt, các dư lượng hóa dược nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô, nhiều nơi có nước nhưng không thể sử dụng do nguồn nước bị ô nhiễm.

Nguồn nước mặt ở hầu hết các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề đều đã bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng như lưu vực sông Nhuệ Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai- Sài Gòn. Rừng bị hủy hoại do khai thác trái phép, làm thủy điện,… sẽ khiến cho việc điều tiết nguồn nước trong mùa khô vô cùng hạn chế. Nguồn nước dưới đất cũng bị tụt giảm, nhiều nơi bị nhiễm mặn, nhiễm asen hoặc bị thông tầng khiến các chất ô nhiễm trên mặt đất thấm xuống các vỉa. Nước dưới đất vùng Đồng bằng sông Hồng ô nhiễm arsen cao ở 792 xã, Đồng bằng sông Cửu Long 229 xã và vùng Bắc Trung Bộ 155 xã…

Trên quy mô toàn quốc, khoảng 82% tổng lượng nước mặt sử dụng là cho tưới nông nông nghiệp, 11% cho nuôi trồng thủy sản, khoảng 5% cho công nghiệp và chừng 3% cho dân dụng, chủ yếu nhiều ở vùng đô thị. Do nhu cầu gia tăng sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhu cầu nước trên toàn quốc gia tăng nhanh chóng. Nếu năm 1990, nhu cầu nước cho dân dụng và công nghiệp ở Việt Nam chỉ khoảng 50 tỷ m3/năm thì đến năm 2010 số liệu này là 72 tỷ m3/năm.

Dự báo nhu cầu nước đến năm 2020 sẽ là 80 tỷ m3/năm, năm 2030 sẽ là 87 – 90 tỷ m3/năm. Riêng năm 2020 nước dùng cho tưới nông nghiệp dự báo sẽ gia tăng 48% so với hiện nay, nước nuôi trồng thủy sản tăng 90%, nước cho công nghiệp sẽ tăng 190% và cho sinh hoạt đô thị tăng 150%. Trong khi một số lưu vực sông hiện đã bị khai thác quá mức, nhất là trong mùa khô, cạnh tranh, mâu thuẫn trong sử dụng nước ngày càng tăng.

Ở một số khu vực, nguồn nước dưới đất cũng bị khai thác quá mức, bị suy giảm liên tục và chưa có dấu hiệu hồi phục. Cụ thể là vùng đồng bằng Bắc Bộ đã hình thành 3 phễu hạ thấp mực nước lớn tại Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định. Nếu như năm 1995, diện tích hình phễu hạ thấp mực nước chỉ có 195km2, đến nay đã tăng lên đến 2.900km2.

Còn tại vùng Đồng bằng Nam Bộ đã hình thành 2 phễu hạ thấp mực nước lớn tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và bán đảo Cà Mau. Diện tích phễu hạ thấp mực nước tăng từ 6.900km2 năm 1995 lên gần 15.000km2 hiện nay. Sự lún sụt và ngập úng ở các thành phố lớn nghiêm trọng hơn, khi còn có nguyên nhân liên quan đến nước biển dâng do nhiệt độ trên trái đất đang nóng lên…

(còn tiếp)