Thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu

Giảm nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích năng lượng tái tạo… là những nội dung trong 12 cam kết cụ thể của những công ty, ngân hàng, nhà tài trợ tham dự Hội nghị thượng đỉnh “Vì một hành tinh” diễn ra tại thủ đô Paris, Pháp, trung tuần tháng 12 vừa qua, với mục tiêu thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu, giải cứu hành tinh xanh.

Ngoài điểm sáng về các cam kết cụ thể, hội nghị do Pháp, Liên hiệp quốc và Ngân hàng Thế giới (WB) bảo trợ này còn huy động các quỹ tài chính tư nhân và quỹ đầu tư nhà nước nhập cuộc.

Thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống con người

Cần 3.500 tỷ USD cho phát triển năng lượng sạch

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế, để chiến lược chuyển đổi năng lượng thành công, từ nay đến năm 2050, phải cần đến 3.500 tỷ USD cho đầu tư phát triển năng lượng sạch. Tuy kết quả của Hội nghị thượng đỉnh còn khiêm tốn, nhưng 12 cam kết của các tác nhân tham dự được giới bảo vệ môi trường xem là rất khích lệ. WB thông báo, kể từ năm 2019 sẽ ngưng tài trợ đầu tư thăm dò và khai thác dầu khí; báo cáo hàng năm số lượng khí thải làm tăng nhiệt độ khí quyển. Biện pháp thứ hai là dành 4,5 tỷ USD trong vòng 3 năm để giúp 150 thành phố chống biến đổi khí hậu và thu hút vốn đầu tư.

Công ty Bảo hiểm Axa thông báo, ngưng bảo hiểm cho các xí nghiệp khai thác than đá. Nhà tỷ phú Mỹ Bill Gates hứa đóng góp 350 triệu USD để nghiên cứu nông nghiệp, giúp nông dân nghèo, đặc biệt là ở châu Phi, thích nghi với hiện tượng biến đổi khí hậu. Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) chọn 4 quốc gia bị đe dọa là đảo Maurice, Comores ở Ấn Độ Dương, Tunisia và Niger ở châu Phi, để trợ giúp đối phó với nạn xâm thực (biển hoặc sa mạc).

Ủy ban châu Âu (EC) công bố, đầu tư gần 11 tỷ USD cho các thành phố phát triển bền vững, năng lượng bền vững, nông nghiệp bền vững ở châu Phi và các nước láng giềng của Liên minh châu Âu. Pháp cam kết chi 1,78 tỷ USD/năm đến năm 2020 nhằm trợ giúp các nước dễ bị tổn thương đối phó tốt hơn với biến đổi khí hậu…

Tại Hội nghị thượng đỉnh “Vì một hành tinh”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: “Cần phải hành động khẩn cấp vì tương lai thế hệ mai sau thừa kế Trái đất này”. Khẩn cấp bởi trong 2 năm qua, khí thế ngùn ngụt tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) đã giảm dần. Một trong những nguyên nhân chính là Mỹ đã tuyên bố rút lui. Khi Mỹ quay lưng lại với hiệp định về chống biến đổi khí hậu, cộng đồng quốc tế đã tỏ ra lo ngại vì tới nay Mỹ là nền kinh tế gây ô nhiễm thứ hai trên hành tinh. Không có Mỹ, nỗ lực chống biến đổi khí hậu của thế giới gay go hơn nhiều, nhất là khi Mỹ lại là một nguồn tài trợ chính cho quỹ xanh của thế giới. Thiếu nguồn tài chính thực hiện cam kết thực sự là một thách thức cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, đó còn là thiếu nguồn tài chính thực hiện cam kết. Do vậy, Hội nghị thượng đỉnh tại Paris lần này mới hướng đến việc huy động những nguồn tiền lớn, điều phối vào các kế hoạch có hiệu quả.

Ngành tài chính nhập cuộc

Năm 2015, tổ chức bảo vệ môi trường mang tên New Climate Economy thẩm định từ nay tới năm 2030, nhu cầu tài trợ cho các dự án phát triển bền vững trên thế giới lên tới 90.000 tỷ USD. Vấn đề đặt ra là làm thế nào thuyết phục các tập đoàn tài chính chuyển hướng đầu tư vào các dự án xanh  ít thải khí carbon?

WB đề ra mục tiêu, đến năm 2020, ít nhất 28% các khoản đầu tư của định chế tài chính đa quốc gia này phải dành cho các dự án sạch, thay vì 22% như hiện tại. Năm 2016, Câu lạc bộ Tài chính quốc tế vì phát triển, tập hợp 23 ngân hàng phát triển trên thế giới, dành 173 tỷ USD để đầu tư vào các công trình xanh. Khối lượng tiền này tăng 20% so với năm 2015. Nhóm hành động mang tên Climat-Action 100+ gồm 200 nhà đầu tư công nghiệp với tổng giá trị tài sản trị giá 26.000 tỷ USD cam kết gây sức ép lên hơn 100 công ty thải khí gây hiệu ứng nhà kính, như tập đoàn than đá Ấn Độ Coal India, Exxon Mobil của Mỹ và tập đoàn dầu khí quốc doanh của Trung Quốc, để buộc các “ống khói” gây ô nhiễm này cải tiến.

Theo Giám đốc đặc trách khí hậu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Simon Buckle, ngành tài chính đang bước lên tuyến đầu để đối phó với hiện tượng Trái đất bị hâm nóng. Đơn giản là vì các ngân hàng mong kiếm lãi cao, trong lúc như ghi nhận của Ngân hàng Trung ương Anh cách đây 2 năm, ổn định của ngành tài chính tùy thuộc một phần vào yếu tố khí hậu. Các quỹ bảo hiểm và quản lý tiền hưu của người lao động Mỹ cũng đang từng bước thuyết phục các cổ đông nên hướng tới các dự án bền vững.

Tuy nhiên, theo một thăm dò thực hiện cho Ngân hàng Anh HSBC, nếu như tại châu Âu có tới 97% nhà đầu tư muốn dùng đồng tiền để góp phần giữ cho Trái đất được mãi xanh, tỷ lệ đó rơi xuống còn 85% ở Bắc Mỹ, 64% tại châu Á và 19% ở Trung Đông.

Tránh “đen người, xanh ta”

Ngoài việc làm sao để huy động nhiều hơn các nguồn lực tài chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giới quan sát cũng cho rằng, để bảo vệ môi trường sống Trái đất, cần phải xây dựng chiến lược phát triển đồng đều. Trung Quốc, nước phát thải khí CO2 hàng đầu thế giới, đang đầu tư rất nhiều để phát triển năng lượng sạch trên lãnh thổ quốc gia, nhưng lại xây dựng rất nhiều nhà máy nhiệt điện khắp thế giới. Vốn là “đế chế” của nhà máy nhiệt điện dùng than đá (đáp ứng tới 58% tổng nhu cầu năng lượng quốc gia), các tập đoàn Trung Quốc đang tài trợ và xây dựng loại nhà máy này khắp nơi. Dự án “con đường tơ lụa” mới nối liền Trung Quốc với châu Âu, được tiến hành từ năm 2013, là một trong những yếu tố thúc đẩy “con đường than đá” của Bắc Kinh.

Tờ Le Monde của Pháp nêu ví dụ, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng một nhà máy nhiệt điện công suất 450 Megawatt ở Tuzla cho Công ty Điện lực quốc gia Bosnia-Herzegovina (tháng 11-2017), Nhà máy Nhiệt điện Hamrawein của Ai Cập (2016) và một loạt các nhà máy khác ở châu Á, cũng như ở Iran, Georgia, Malawi hay Kenya… Viện Nghiên cứu môi trường thế giới (Global Environmental Institute) vào tháng 5-2017 đã công bố báo cáo, ước tính đến cuối năm 2016, tại 25 quốc gia, Trung Quốc đang tiến hành 106 dự án nhà máy nhiệt điện dùng than đá. Chuyên gia Jean Francois Huchet thuộc Viện Inalco của Pháp cho hay, các tập đoàn lớn của Trung Quốc buộc phải vươn ra bên ngoài để tìm kiếm dự án bởi nhu cầu năng lượng trong nước giảm và sự chuyển hướng sang năng lượng tái tạo.

Quyết định của các nhà tài trợ quốc tế, như WB không chu cấp tài chính cho các dự án nhà máy nhiệt điện nữa, đã mở ra một đại lộ thênh thang cho các tập đoàn Trung Quốc. Những doanh nghiệp này tranh thủ nguồn tài chính của Bắc Kinh, nhân danh kế hoạch “con đường tơ lụa” mới, để thực hiện các dự án nhà máy nhiệt điện ở nước ngoài. Năm 2016, tổ chức phi chính phủ Mỹ có tên Hội đồng Bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã tố cáo các chính phủ thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tài trợ 8 tỷ USD cho những dự án phát triển các nhà máy nhiệt điện ở nước ngoài. Thời gian qua, nhiều công ty của Mỹ đã nhập cuộc đua bảo vệ môi trường, trong đó phải kể đến những tên tuổi hàng đầu của nền công nghiệp Mỹ như Coca Cola, General Electric. Theo thứ tự, cả hai đã cam kết giảm 25% và 20% lượng khí thải carbon từ nay đến năm 2020.

Một ông khổng lồ khác là Apple hứa sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng đó, các hãng Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD và không một ai muốn bị mất khoản vốn đã chi ra đó. Một yếu tố khác quan trọng không kém, đó là khách hàng một số hãng của Mỹ đang ngày càng quan tâm đến môi trường và muốn sang trang thời kỳ năng lượng hóa thạch.

Giải pháp được nhiều chuyên gia bảo vệ môi trường đưa ra là cần phải nhanh chóng kiểm soát các khoản đầu tư vào những dự án phát thải nhiều CO2; thực hiện nghiêm quy định buộc các doanh nghiệp phải cung cấp tất cả thông tin liên quan đến những dự án gây ra các tác động lớn về môi trường và đối với con người.

WB từng đưa ra cảnh báo, thêm 100 triệu người bị đe dọa lâm vào cảnh bần cùng, thêm 600 triệu rơi vào cảnh đói kém, 150 triệu người phải đối mặt với các căn bệnh đường ruột… nếu quốc tế để mặc cho khí hậu của Trái đất nóng lên. Trong khi đó, Liên hiệp quốc cho hay, lũ lụt, hạn hán đe dọa hệ sinh thái và biến đổi khí hậu đã bắt đầu tác động đến các hoạt động nông nghiệp trên toàn cầu. Nếu nhiệt độ Trái đất tăng hơn 2oC, thì cứ 10 năm, thu hoạch lúa mì, gạo hay bắp sẽ giảm đi 2%. Hậu quả kèm theo là giá những mặt hàng thiết yếu này sẽ tăng vọt. Theo thẩm định của tổ chức Oxfam, đến cuối thế kỷ này, trung bình giá nông phẩm trên thế giới sẽ nhân lên gấp đôi so với hiện tại.