Hành trình làm nông nghiệp sạch ở Đồng Tháp

Sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm (ATTP) để đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng và cả người sản xuất, đó là xu thế tất yếu để phát triển bền vững đối với ngành nông nghiệp hiện nay. Đồng Tháp cũng đang trên hành trình đến với xu thế đó.

Bằng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, với nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, nhiều nông dân Đồng Tháp đang dần thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu, ứng dụng KHCN cũng như các quy luật của thiên nhiên để cho ra đời sản phẩm nông nghiệp sạch như gạo, nấm rơm, trứng vịt, thịt heo rừng, rau và trái cây…

Mô hình sản xuất lúa sạch của chàng trai Võ Văn Tiếng ở huyện Hồng Ngự

Nếu so sánh nông sản sạch với nông sản được sản xuất thông thường về mặt chủng loại, sản lượng thì chắc rằng nông sản sạch vẫn chưa thể chiếm ưu thế hơn. Tuy nhiên, đứng trước thực trạng nông sản “bẩn”, nông sản “chưa an toàn” tràn lan như hiện nay thì nông sản sạch đang bắt đầu tìm được chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là chiếm được niềm tin của các DN, người tiêu dùng.

Từ sự đón nhận đó, càng làm tăng thêm nguồn động lực để những lão nông, những thanh niên trẻ quyết tâm thay đổi cách trồng trọt, chăn nuôi vốn đã ăn sâu vào tiềm thức, để mang đến cho cuộc sống này những “nông sản tử tế” và lấy lại giá trị quý báu của nông sản mà bấy lâu nay người nông dân tự đánh mất.

Gạo sạch

Ông Phan Công Chính, thường gọi ông Bảy Lâu, GĐ HTX nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình) có hơn 50 năm kinh nghiệm trồng lúa, chưa có loại sâu bệnh nào mà ông không nắm và quy trình sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu như thế nào đạt hiệu quả trên cây lúa cũng như tăng năng suất thì ông “thuộc như lòng bàn tay”.

Ấy vậy mà đã nhiều vụ lúa qua, ông Chính phải mày mò từng quy trình, công đoạn trồng lúa hữu cơ, không dung phân, thuốc hóa học. Bắt đầu sản xuất thử nghiệm từ vụ HT 2016, 1ha lúa Nàng hoa 9 của ông chỉ thu có 3,5 tấn, nếu sản xuất thông thường đạt từ 6,5 đến 7 tấn/ha. Năng suất thấp nhưng đổi lại, ông có được giá bán gạo cao gấp đôi 24.000 đồng/kg, hơn hết là có được gạo sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Nhờ có sự hỗ trợ từ các chuyên gia của Trường ĐH Cần Thơ về cung cấp dinh dưỡng cho đất khi trồng lúa hữu cơ, nên vụ TĐ ông tăng diện tích sản xuất lên 2 ha và vụ ĐX này toàn bộ 10 đất ha của ông đều tập trung làm lúa hữu cơ.

“Dù khó khăn đến đâu đi chăng nữa thì tôi cũng không nản chí, bỏ cuộc mà phải quyết tâm vượt qua để làm cho Tân Bình có được hạt gạo “độc đáo”, tạo nét mới cho địa phương. Bên cạnh đó, sản xuất lúa hữu cơ là xu hướng tất yếu để nâng cao chất lượng gạo và giá trị cho hạt gạo. Bản thân tôi sẵn sàng đi trước, làm trước, khi có hiệu quả rồi sẽ vận động các thành viên của HTX cùng làm theo”, ông Chính chia sẻ.

Hột vịt sạch

Còn với ông Lê Ngọc Mới (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười) năm nay 53 tuổi, sau khi bỏ nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng và bán hết bầy vịt, ông Mới lại tìm thấy cơ hội cho cái nghề nuôi vịt đẻ mà ông đã gắn bó từ năm 16 tuổi. Nhận thấy nhu cầu người tiêu dùng và thị trường cho trứng vịt sạch là rất lớn và giá trị hột trứng vịt sạch cao gấp nhiều lần so với trứng vịt thường, ông quyết tâm trở lại với nghề! Nhưng lần này, ông nuôi vịt theo phương pháp nuôi rọ (nuôi chuồng và có kiểm soát) và làm theo quy trình VietGAHP.

Mô hình nuôi vịt sạch theo VietGAHP ở huyện Tháp Mười

Ông Mới còn là Tổ trưởng THT chăn nuôi vịt Tháp Mười. Hiện đàn vịt nuôi rọ của tổ có gần 25.000 con, riêng của ông là 7.000 con. Thay vì nuôi vịt chạy đồng sẽ khó kiểm soát thức ăn vịt tiêu thụ, nhất là hiện nay lượng tồn dư phân, thuốc hoá học trên đồng ruộng khá lớn, việc thường xuyên di chuyển đàn vịt qua ảnh hưởng đến việc đẻ trứng của vịt, chất lượng trứng không cao …, ông Mới tính xây dựng chuồng trại vừa có mái che, rào chắn để nuôi vịt.

Ông cho biết, nuôi vịt theo VietGAHP phải có ao lắng để xử lý phân, nước thải trước khi thải ra môi trường, vịt ăn thức ăn công nghiệp và uống nước sạch, khuôn viên nuôi vịt phải làm rào chắn ngăn cách bên ngoài, tóm lại phải thực hiện nhiều công đoạn mới có trứng vịt sạch. Nuôi theo cách này chi phí tăng hơn nhiều so với nuôi chạy đồng nhưng tỷ lệ vịt đẻ đạt cao hơn. Khi có chứng nhận VietGAHP thì DN mua với giá cao hơn từ 100 – 200 đồng/trứng.

Trứng vịt sạch được DN thu mua giá cao hơn trứng vịt thường

Với sản phẩm trứng vịt sạch, ông Lê Ngọc Mới tham gia đủ 3 lần ở phiên chợ Nông nghiệp xanh do tỉnh tổ chức. “Sau đó, rất nhiều người gọi điện đến mua trứng vịt sạch. Tôi nghe điện thoại của khách hàng mà thấy trong lòng phấn khởi, bởi vì khách hàng đã đặt niềm tin vào hột vịt mình làm ra. Cái tâm của mình đã được đón nhận!”, ông Mới bộc bạch.

Những nông dân 8X

Tại Đồng Tháp, không chỉ có những “lão nông tri điền” mới thay đổi phương thức sản xuất, mà cả những “nông dân 8X, 9X” khởi nghiệp từ nông nghiệp cũng xác định sản xuất sạch là hướng đi đúng đắn.

Đơn cử như thanh niên Võ Văn Lắm (sinh năm 1992) quê xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự với vườn ổi Đài Loan và bưởi da xanh không sử dụng phân thuốc hoá học. Đoàn Phan Dinh (sinh năm 1989) người con xã An Khánh, huyện Châu Thành chọn chăn nuôi heo rừng sạch để khởi nghiệp. Dinh dùng chế phẩm sinh học để kiểm soát mầm bệnh trong chăn nuôi và dùng thảo dược để điều trị bệnh cho heo, xử lý chất thải chăn nuôi để hạn chế ô nhiễm…

Chàng thanh niên “9X” – Võ Văn Tiếng, quê xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự trăn trở trước việc nông dân quê mình sử dụng quá nhiều phân thuốc hoá học để trồng lúa, điều này trước hết ảnh hưởng sức khoẻ của người nông dân, sau đó đến môi trường và sức khoẻ người tiêu dùng. Chính vì thế, sau khi xuất ngũ, Tiếng đã mạnh dạn khởi nghiệp với 1 ha lúa sạch, cũng từ đây Nông trại Tâm Việt ra đời và ước mơ làm nông nghiệp sạch của Tiếng trở thành hiện thực.

Tiếng cho biết, nông trại sản xuất lúa theo hướng tự nhiên, không sử dụng phân, thuốc hóa học, chất bảo quản nên sản phẩm làm ra an toàn tuyệt đối. Xung quanh ruộng lúa là đê bao và ao nuôi cá, ao nước lắng lọc. Để tạo dinh dưỡng cho lúa, Tiếng dung phân hữu cơ vi sinh để bón lót trước khi xuống giống, mô hình còn kết hợp trồng hoa màu, nuôi cá, vịt để tạo thêm thu nhập, đây cũng chính là nguồn thiên địch hữu ích trên ruộng lúa của Tiếng.

Và không khó để hình dung quy trình diệt sâu, rầy trên lúa của nông dân này mà không cần sử dụng thuốc hóa học, đó là vịt sẽ ăn bướm, sâu, và khi con vịt đi ngang cây lúa thì cây lúa sẽ ngả xuống và những con sâu, rầy sẽ té xuống dưới nước, lúc đó cá sẽ ăn những con rầy, sâu đó. Hoặc nếu cá không ăn sâu, rầy thì khi bị tác động bởi con vịt, thì sâu, rầy sẽ cảm thấy không an toàn và di chuyển đi nơi khác.

Cũng chính vì điều này mà không quá bất ngờ khi chàng nông dân này lại mong muốn sâu, rầy từ nơi khác đến ruộng lúa của mình để “làm mồi” cho những chú cá. Với Võ Văn Tiếng đây là cách lao động an toàn nhất trên cánh đồng. Tiếng cho biết thêm, gạo Tâm Việt do nông trại làm ra 32.000 đồng/kg và không đủ hàng để bán. Hiện nông trại đã mở rộng sản xuất lên 30 ha, sắp tới tăng lên 47 ha, năng suất bình quân 4,5 tấn/ha.

Xứng đáng là nông dân mảnh đất Sen Hồng

Nói về thực phẩm bẩn, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan cho rằng, người dân thường kêu ca về những loại thực phẩm thiếu an toàn nhưng chính họ lại sử dụng hoá chất độc hại trong sản xuất, ảnh hưởng đến chính mình, đến những người sản xuất chân chính và xói mòn lòng tin của người tiêu dùng. Điều này ảnh hưởng đến những người sản xuất chân chính, họ sẽ không mạnh dạn tạo ra nông sản sạch khi giá cả không cao hơn bao nhiêu nhưng chi phí lại tăng, thế là cứ xúm nhau làm bẩn!

Bí thư Tỉnh uỷ mong muốn người sản xuất trên mảnh đất Sen Hồng, phải biết chấp nhận trong ngắn hạn, phải chứng minh chất lượng và xây dựng lòng tin của người tiêu dùng. Chính cái tâm của người sản xuất mới có thể đẩy lùi thực phẩm bẩn.

Hãy làm nông nghiệp sạch, hãy làm những nông dân tử tế

Trong những buổi gặp gỡ nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Dương đều nhấn mạnh, nếu bà con nông dân làm ra nông sản bẩn, phần nhiều chỉ có “thiệt”. Theo ông, sản xuất mà cứ lạm dụng phân bón, thuốc BVTV thì giá thành sẽ tăng lên và chỉ cần một nông dân sản xuất không sạch thì không chỉ nông dân đó phải gánh chịu thiệt hại mà còn làm ảnh hưởng xấu đến nông dân khác, “làm chết” cả một thương hiệu nông sản mà chúng ta dày công xây dựng.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã tặng nhiều thiết bị kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, máy đo pH của đất cho các THT và HTX nông nghiệp, chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân cách sử dụng. Có thể nói, không món quà nào ý nghĩa hơn đối với nông dân hơn thế. Thông điệp của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chuyển đến nông dân là “hãy làm nông nghiệp sạch, hãy làm những nông dân tử tế”.