Chiến lược phục hồi và thích ứng với rủi ro

Biến đổi khí hậu (BĐKH) và những hậu quả, rủi ro của nó luôn là vấn đề nóng đặt ra biết bao câu hỏi và giải pháp cần phải giải quyết. Đô thị đóng vai trò trung tâm bởi liên quan trực tiếp với BĐKH như bão, lượng mưa, lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt và các sự kiện thời tiết cực đoan khác.

Biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra khốc liệt trên toàn thế giới.

Dưới đây là một số ví dụ và giải pháp gợi ý để các nhà quản lý và quy hoạch đô thị có thể tham khảo và dĩ nhiên, để giải quyết vấn đề này hoàn toàn không đơn giản. Tuy nhiên nếu đô thị không chuẩn bị tốt cho những tác động của các sự kiện thời tiết cực đoan do BĐKH gây nên thì khả năng thiệt hại nặng là điều khó tránh khỏi.

Chiến lược phục hồi đô thị

Loài người đang sống trong một thế giới ngày càng năng động và có nhiều biến động. Đó là thế giới có sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và nhiều liên kết tác động lẫn nhau đã làm thúc đẩy qúa trình vận động không ngừng, đồng thời tác động đến sự thay đổi của lối sống loài người.

Khả năng phục hồi là năng lực của cá nhân, cộng đồng và các hệ thống liên quan để tồn tại, thích ứng, phát triển trong bối cảnh vượt qua căng thẳng, những cú sốc và những điều kiện khi chuyển đổi. Xây dựng khả năng phục hồi là làm cho cộng đồng và các hệ thống đó có sự chuẩn bị tốt hơn để có thể vượt qua được những sự kiện thảm khốc (cả thiên nhiên và nhân tạo) có thể phục hồi trở lại một cách nhanh chóng hơn, mạnh mẽ hơn.

Đô thị cần phải xây dựng những chiến lược để phục hồi những tổn thất của BĐKH mang lại. Điều này phụ thuộc vào khả năng dự đoán và kế hoạch cho tương lai của mỗi đô thị. Xây dựng chiến lược phục hồi chịu ảnh hưởng rất lớn của chất lượng quản lý địa phương đó cũng như phụ thuộc vào năng lực dự đoán, thực thi và giám sát kế hoạch hành động.

Khả năng phục hồi phải là một phần của kế hoạch và chiến lược của TP. Sẽ rất khó có thể đạt được kết quả nếu không có sự tham gia nhiệt tình của các thành phần nằm trong hệ thống đô thị. Đô thị cần có sự kết hợp giữa chiến lược phục hồi và tích hợp trong quy hoạch đô thị.

Đô thị có khả năng phục hồi nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là làm thế nào để có thể duy trì và phát huy được lợi thế của mình. Bằng cách chủ động tăng cường khả năng phục hồi, đô thị đó sẽ ở trong vị trí thích ứng và phản hồi tốt hơn với những cú sốc mà nó phải chịu. Mục đích chính của đầu tư đô thị là để củng cố và tăng cường chức năng với các khu đô thị liên quan. Việc đô thị đầu tư để đối phó với những thách thức sẽ hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư cả bên trong và bên ngoài vì nó giảm thiểu rủi ro và tăng cường độ tin cậy của hệ thống. Các khoản đầu tư này nhằm mục đích tạo ra tính đảo bảo phát triển cho một khu vực đô thị.

Trong trường hợp nếu không có sự chuẩn bị và đầu tư hợp lý, chi phí dự kiến cho tổn hại sẽ là rất cao. Ví dụ, thiệt hại chi phí của cơn bão Katrina vào New Orleans và các khu vực bị ảnh hưởng khác được ước tính khoảng 100 tỷ USD. Tại Manila, Bangkok và TP.HCM, chi phí thiệt hại do BĐKH liên quan đến lũ lụt là đáng kể, dao động từ 2 – 6% GDP khu vực.

Chiến lược thích ứng

Ngoài thiệt hại về người, các sự kiện thời tiết cực đoan gây ra thiệt hại lớn cho tài sản và cơ sở hạ tầng, dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn cho đô thị đó. Dự đoán mực nước biển dâng cho thế kỷ này có thể dao động giữa 18cm và 2m và các TP như Kolkata, Mumbai, Dhaka, Quảng Châu và TP.HCM nằm trong số các đô thị chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Khu vực dễ bị tổn thương cần được phân định theo mức độ rủi ro đối với những trận lũ lụt, hạn hán và những rủi ro thiên tai khác. Tiêu chí sử dụng đất và phát triển đô thị cần phải điều chỉnh ngay cho những khu vực trên.

Điều này hiển nhiên các nhà quản lý đô thị và quy hoạch đô thị đã tính đến. Ví dụ, khu vực thường xuyên bị lụt cần phải quy hoạch theo hướng là đất dự trữ, bỏ trống hoặc dành cho khu công viên và các cơ sở sân chơi thể dục thể thao; cây cối và thảm thực vật cần được duy trì nhằm hấp thụ và ngăn chặn lượng nước dư thừa của đô thị. Nếu buộc phải xây dựng một công trình nào đó tạm thời trong khu vực này cần có quy định cấm sử dụng tầng trệt và cần xây dựng trên những hệ trụ cột.

Con người không được sinh ra với khả năng phục hồi sẵn có mà thường chúng ta phải tìm hiểu nó, thích ứng với nó và xoay xở với nó. Điều này cũng đúng với toàn thể xã hội loài người. Có một số đặc điểm cốt lõi mà chúng ta cần phải chia sẻ, thực hành trong thời điểm thích hợp và trong thời điểm có sự cố:

1. Dự phòng khả năng nhằm đảm bảo có giải pháp thay thế hoặc giải pháp có sẵn một khi có sự cố hoặc một mắt xích quan trọng nào đó thất bại;

2. Khả năng linh hoạt, khả năng thay đổi, phát triển và thích ứng khi đối mặt với thảm họa;

3. Tổn thất một cách “an toàn” nhất, hạn chế nhất và ngăn chặn tổn thất trước khi lan rộng;

4. Phục hồi nhanh chóng, khả năng thiết lập lại các chức năng bị tổn hại và tránh không bị gián đoạn lâu dài;

5. Tiếp tục học hỏi, tạo các giải pháp mới cho điều kiện thay đổi.

Việc tăng cường năng lực cho các nhà quy hoạch và đào tạo liên tục cho các nhà xây dựng và nhà thầu cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Quy hoạch thích ứng kết hợp với chiến lược thích ứng BĐKH ở các Bộ, ngành trong đô thị cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Khu định cư đô thị đôi khi lại được xây dựng trong khu vực nguy hiểm và dễ bị tổn thương do thiếu quỹ đất. Việc ít có khả năng chi trả của người nghèo đô thị làm cho họ đứng trước nguy cơ rủi ro cao. Chính vì thế, các nhà quản lý đô thị lúc này phải đóng vai trò tiên quyết, đồng thời có những buổi thương thuyết để cho cộng đồng hiểu được vấn đề để tránh nguy cơ thiệt hại cao.

Vị trí xây dựng các cơ sở hạ tầng và tiêu chuẩn xây dựng chúng phải phù hợp với các yếu tố rủi ro dự đoán để các cơ sở đó (như đường giao thông, cầu cống, đường dây điện và ống dẫn) có thể đối phó với các sự kiện thời tiết khắc nghiệt. Việc xây dựng kế hoạch thích ứng không thể tách rời những chiến lược cơ bản của hệ thống thoát nước, cấp nước và vệ sinh môi trường. Lượng mưa lớn trong đô thị sẽ gây nên nhiều thiệt hại cho đô thị nếu không có hệ thống thoát nước đầy đủ hoặc không bảo trì đúng cách. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh nguồn cung cấp không đạt tiêu chuẩn và góp phần lây lan dịch bệnh.

Hầu hết các biện pháp liên quan đến khu vực ven biển ở một số nước đã được tiến hành và đầu tư một cách thích đáng. Các công trình xây dựng chiếm khoảng một phần ba năng lượng trên toàn thế giới trong suốt vòng đời của nó. Dân số tăng nhanh sẽ dẫn đến sự gia tăng xây dựng, kéo theo nhu cầu năng lượng lớn hơn. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cũng phải hướng tới mục tiêu tiết kiệm năng lượng để góp phần giảm tiêu thụ và giảm phát thải khí nhà kính.