Thách thức an ninh nguồn nước và năng lượng ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.

Đó là nhận định được đưa ra từ Tọa đàm “Phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng trong bối cảnh biến đối khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long” do Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) tổ chức nhằm nhận diện những thách thức, thảo luận về cơ hội và giải pháp để phát triển bền vững nguồn nước và năng lượng ở ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thuỷ sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội của ĐBSCL. Hơn nữa, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy tại ĐBSCL như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tới 2030 dự kiến xây dựng 14 nhà máy nhiệt điện than ở các vùng ven sông và ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ đặt thêm những áp lực và trở ngại lớn cho các nỗ lực ứng phó và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu tại vùng này”.

Toàn cảnh Tọa đàm

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái, lại nhấn mạnh mối đe dọa với an ninh nguồn nước của ĐBSCL do khai thác nước ngầm quá mức, gây sụt giảm mực nước và sụt lún đất.

Ông Thiện cho biết, hiện tại có hơn 1 triệu giếng nước khoan nước ngầm, gây sụt giảm mực nước ngầm trung bình khoảng 26cm/năm trên toàn ĐBSCL; sụt lún đất 1,6cm/năm. Và nếu tốc độ khai thác nước ngầm hiện nay vẫn tiếp diễn, thì tổng sụt lún đến 2050 so với giữa những năm 1990 là 0,88cm. Ông Thiện cũng cảnh báo về tương lai khi lượng nước ngọt có thể bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thủy điện, kéo theo là xâm nhập mặn.

Ông Thiện đánh giá cao Nghị Quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, ông ủng hộ cách tiếp cận thích ứng thuận thiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, giảm lúa vụ ba, chuyển tư duy tăng gia sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp và không xây thêm nhà máy nhiệt điện.

Cùng nói về khó khăn của ĐBSCL, PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu lại nhận định hiện nay ĐBSCL đang gặp 6 thách thức về nguồn nước, bao gồm biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển chuỗi các đập thủy điện ở thượng nguồn, gia tăng dân số và di dân, thay đổi sử dụng nước, khai thác tài nguyên quá mức và suy giảm chất lượng môi trường đất – nước.

Để vượt qua các thách thức này, ông Tuấn đưa ra một số khuyến nghị chính sách bao gồm: Áp dụng tiếp cận tổng thể quy hoạch tích hợp Nước – Lương thực – Năng lượng nhằm tránh xung đột giữa các ngành; điều chỉnh quy hoạch năng lượng của ĐBSCL trong quy hoạch tổng thể với quy hoạch nước và lương thực; giảm thiểu tỷ trọng nhiệt điện than; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo; thắt chặt quy chuẩn môi trường, và cải tiến công nghệ để giảm tác động môi trường.

Tham gia Tọa đàm có đại diện Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ban kinh tế Trung ương, Cục quản lý tài nguyên nước, Liên hiệp hội các tỉnh thành và các viện nghiên cứu, các tổ chức có hoạt động liên quan.