Điều chỉnh Quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường tỉnh Sơn La

Về việc điều chỉnh Quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 2896/BXD-VLXD gửi UBND tỉnh Sơn La.

Ảnh minh họa.

Theo đó, căn cứ pháp lý Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung các quyết định phê duyệt quy hoạch liên quan đến lĩnh vực VLXD và khoáng sản làm VLXD của Trung ương: Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 và Quyết định điều chỉnh, bổ sung số 1065/QĐ-TTg ngày 09/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng đến năm 2020. Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Sơn La phải không chồng chéo giữa các quy hoạch và phù hợp với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Sơn La; Quy hoạch khoáng sản làm VLXD của Trung ương, các kế hoạch phát triển và bảo vệ rừng, quy hoạch phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác, kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời sử dụng tiết kiệm tài nguyên, hạn chế khai thác tài nguyên khoáng sản nói chung, đặc biệt là các vùng núi đá vôi để đảm bảo không làm ảnh hưởng an ninh, quốc phòng, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, phát triển du lịch và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Mục tiêu cần lựa chọn mục tiêu điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường phù hợp với tình hình thực tế, sử dụng tiết kiệm, hạn chế khai thác tài nguyên khoáng sản, đất đai, bảo vệ giữ gìn cảnh quan du lịch, môi trường, thiên nhiên, di tích lịch sử, rừng tự nhiên, đảm bảo an ninh.

Các nội dung lập quy hoạch cần bám sát các quy định tại khoản 3, Điều 20, Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ và Điều 11, Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản. Ngoài ra những nội dung đã đánh giá trong phần hiện trạng quy hoạch, đề nghị bổ sung một số nội dung sau: Đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản (công tác quản lý, cấp phép theo quy hoạch đã phê duyệt, việc ban hành các quy định, quy chế quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn, việc thanh kiểm tra sau khi cấp phép và công tác bảo vệ môi trường khi khai thác khoáng sản).

Đánh giá việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động khoáng sản của doanh nghiệp (việc tuân thủ các quy định về đầu tư theo quy hoạch đã phê duyệt, các dự án đầu tư khai thác, chế biến, chấp hành pháp luật liên quan đến đất đai, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước và trách nhiệm đối với địa phương nơi có hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp, các quy định khác có liên quan).

Về định hướng thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng như sau: Đối với sét gạch ngói thì việc thăm dò, khai thác mới sét gạch ngói phục vụ sản xuất gạch nung cần tính toán kỹ trên cơ sở nhu cầu thực tế tại địa phương, dựa trên quan điểm mục tiêu để thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định sản lượng gạch dất sét nung giảm dần. Sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất gạch nung ngày càng ảnh hưởng tới đất đai, môi trường. Định hướng quy hoạch cần hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, chỉ dùng đất sét làm nguyên liệu cho các sản phẩm bản mỏng có giá trị kinh tế cao.

Đối với đá xây dựng: Trong phương án quy hoạch cần rà soát lại các cơ sở khai thác, chế biến đá xây dựng nhằm khai thác, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Việc cấp phép khai thác đá xây dựng đảm bảo theo nội dung yêu cầu tại công văn số 6667/VPCP-CN ngày 27/6/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương: Nâng cao công tác thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền; không cấp mới, không gia hạn khai thác đối các khu vực khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường theo các tuyến quốc lộ để bảo vệ cảnh quan môi trường.

Bổ sung các quy định cụ thể nhằm khuyến khích các cơ sở khai thác, chế biến đá xây dựng tận dụng nguồn đá mạt để sản xuất gạch không nung kết hợp đầu tư chiều sâu nhằm mục đích đa dạng hóa sản phẩm, trong đó có cát nghiền phục vụ nhu cầu thay thế cát tự nhiên trên địa bàn, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Rà soát, xắp xếp lại các cơ sở sản xuất cát nghiền thay thế cát tự nhiên, cụ thể hóa các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng cát nghiền.

Đối với cát xây dựng: Phương án quy hoạch nhằm hạn chế khai thác cát, sỏi. Có các giải pháp thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tự nhiên. Không quy hoạch sử dụng cát tự nhiên khai thác từ lòng sông làm vật liệu san lấp; cần có quy hoạch nguồn nguyên liệu làm vật liệu san lấp mặt bằng thay thế cát tự nhiên sử dụng cho san lấp.

Vật liệu san lấp: Không quy hoạch mới các mỏ cát dùng cho san lấp, vì vậy nên định hướng những loại vật liệu khác, phế thải từ cơ sở chế biến quặng kim loại thay thế nhu cầu làm vật liệu san lấp.

Các giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch cần đề nghị tập trung ưu tiên những giải pháp quan trọng, trên cơ sở đó đề xuất nhiệm vụ cụ thể trong việc tổ chức thực hiện. Quy định rõ trách nhiệm từng Sở, ngành trong việc chủ trì hoặc phối hợp để thực hiện quy hoạch, việc thẩm định với các dự án khai thác, chế biến, không nên viết gộp các Sở ngành trong báo cáo.

Nguồn: