Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Nhận định mơ hồ

ThienNhien.Net – Bộ NN-PTNT cho rằng việc xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không ảnh hưởng đến tiêu chí xác lập Vườn Quốc gia Cát Tiên nhưng lại không đưa ra cơ sở thuyết phục.

Trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ xác định việc xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có ảnh hưởng đến tiêu chí xác lập Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên hay không, trong buổi làm việc với Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ngày 23/4, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, ông Vũ Đại Hải, khẳng định dù có tác động nhưng không đến mức ảnh hưởng tiêu chí xác lập VQG Cát Tiên. Ông Hải đưa ra thông tin trong khu vực thực hiện dự án, rừng nghèo chiếm đến 25%, rừng lồ ô và cây bụi 51%…

“Có ảnh hưởng nhưng…”

Tháng 8/2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT), Công Thương, UBND các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và chủ đầu tư lập luận chứng chi tiết diện tích rừng và đất cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện 2 dự án. Trong trường hợp diện tích rừng và đất cần cho dự án có thể chuyển mục đích sử dụng mà ảnh hưởng tới tiêu chí, mục tiêu, nội dung xác lập VQG Cát Tiên và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên thì dừng dự án, báo cho chủ đầu tư biết.

Đến tháng 2/2012, Bộ NN-PTNT có văn bản số 228 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Trong phần đánh giá ảnh hưởng của 2 dự án đến tiêu chí, mục tiêu và nội dung xác lập VQG Cát Tiên (khoảng 3/4 trang A4), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần khẳng định: “Việc chuyển mục đích sử dụng 372 ha rừng chắc chắn có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, môi trường trong khu vực do diện tích rừng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên trong quá trình thi công và sau khi đưa công trình vào sử dụng”.

Thế nhưng, tuy không chứng minh hay dẫn giải một lời, nội dung văn bản bỗng quay ngoắt khi đưa ra nhận định: “Về tổng quát thì ảnh hưởng do xây dựng 2 công trình thủy điện này không đến mức làm thay đổi tiêu chí, mục tiêu, nội dung xác lập VQG Cát Tiên, nhất là khu vực ngập nước Bàu Sấu và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên”(!).

Theo nhiều chuyên gia, “có ảnh hưởng… nhưng lại không ảnh hưởng đến mức” là nhận định hết sức mơ hồ, cảm tính và không thuyết phục. Người ta có quyền đặt câu hỏi: Như vậy, tới mức nào và ra sao mới được xem là ảnh hưởng đến tiêu chí xác lập VQG Cát Tiên?

Các thành viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát địa điểm dự tính xây thủy điện Đồng Nai 6 (Ảnh: Xuân Hoàng/www.nld.com.vn)
Các thành viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát địa điểm dự tính xây thủy điện Đồng Nai 6 (Ảnh: Xuân Hoàng/www.nld.com.vn)

Trong khi đó, cũng chính trong văn bản số 228, Bộ NN-PTNT đã xác định VQG Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên được thành lập nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, các loài động – thực vật có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng; bảo vệ đất chống xói mòn, hạn chế thiên tai, bảo đảm cân bằng sinh thái và môi trường.

Cụ thể hơn, trong Quyết định 1535/2011 phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững VQG Cát Tiên giai đoạn 2010- 2020, Bộ NN-PTNT xác định mục tiêu, nhiệm vụ của VQG là bảo vệ sự nguyên vẹn của các hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, rừng hỗn giao gỗ – lồ ô, rừng lồ ô thuần loại.

Như vậy, có thể thấy việc phá rừng hỗn giao gỗ – lồ ô sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu xác lập của VQG Cát Tiên.

Ngoài ra, văn bản 228 lại không đề cập hệ động vật. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học đã khảo sát và ghi nhận khu vực thực hiện dự án là môi trường sống của nhiều loài động vật quý hiếm như gà hung cổ so, vượn đen má vàng, chà vá chân đen…

“Đá” trách nhiệm

Mâu thuẫn không chỉ dừng lại khi Bộ NN-PTNT cho biết Quyết định 1535/2011 đã dự kiến có thể chuyển mục đích sử dụng rừng và đất nông nghiệp để xây dựng 2 công trình thủy điện nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Tuy nhiên, chỉ nên chuyển mục đích khi các lợi ích kinh tế – xã hội mang lại từ 2 công trình này cao hơn nhiều so với các tổn thất về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường.

Không chỉ vậy, trách nhiệm với 2 dự án đang bị dư luận phản đối này lại bị “đá” sang chủ đầu tư và Bộ TN-MT khi Bộ NN-PTNT đề nghị: Chủ đầu tư hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và Bộ TN-MT xem xét, thẩm định, phê duyệt để có căn cứ xem xét toàn diện những tác động đến bảo tồn đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên và môi trường khu vực…

Như vậy, phải chăng Bộ NN-PTNT đưa ra nhận định 2 dự án không ảnh hưởng đến tiêu chí xác lập VQG Cát Tiên khi chưa có đủ căn cứ?

Chưa đề cập mặt trái của dự án 

Ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai – chủ đầu tư 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, cho biết: “Chúng tôi đã có những giải pháp đặc biệt về dòng chảy, môi trường và sẽ trồng lại 370 ha rừng hoặc hơn nữa, đồng thời bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trong khu vực”.

Về vấn đề này, ông Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng các chủ đầu tư thủy điện lúc nào cũng hứa sẽ trồng lại rừng. Tuy nhiên, thực tế vừa qua, chính Bộ NN-PTNT đã thống kê và phát hiện diện tích rừng bị phá lên đến 20.000 ha, trong khi rừng trồng lại chưa đến 3% diện tích bị phá.

Ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, cho biết báo cáo kinh tế – kỹ thuật chưa đề cập hết mặt trái của 2 dự án. Địa phương lo ngại sau khi xây dựng lại xảy ra tác động xấu thì không ngăn chặn được. Khi làm thủy điện Trị An, lúc đầu dự kiến rừng bị phá chỉ hơn 2.000 ha nhưng thực tế lại lên đến 10.000 ha.

Chiều 24/4, đoàn khảo sát do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng dẫn đầu đã kết thúc cuộc khảo sát 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Tại buổi khảo sát, ông Bùi Pháp và đại diện các sở, ngành của tỉnh Đồng Nai tiếp tục có một số tranh luận đối nghịch.