Đi tìm giải pháp quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ

Nhằm đóng góp vào quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, cũng như thể chế hóa thực hiện Luật Lâm Nghiệp 2017,  ngày 07/12/2017, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) đã phối hợp với Vụ Quản lý Rừng đặc dụng và Rừng phòng hộ (TCLN) đồng tổ chức hội thảo “Rừng phòng hộ tại Việt Nam: Giải pháp quản lý, bảo vệ và phục hồi nhằm đảm bảo an ninh môi trường”.

Hội thảo được tổ chức với mong muốn tạo ra một diễn đàn để ban quản lý các RPH và các chuyên gia cùng thảo luận với các cơ quan quản lý ở cấp trung ương và địa phương về các vấn đề quản lý rừng phòng hộ.

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: PanNature)

Hội thảo đặt mục tiêu rà soát, nhìn nhận lại và thảo luận sâu sắc hơn về hiện trạng, thách thức về chính sách, tổ chức và quản lý, bảo vệ RPH ở Việt Nam; thảo luận và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ và phục hồi RPH hướng tới quản trị tốt hơn và đảm bảo an ninh môi trường-sinh thái; và đề xuất, xác định các ưu tiên cho việc quản lý, bảo vệ và phục hồi RPH trong tương lai.

Hội thảo được tổ chức với sự hỗ trợ tài chính từ các chương trình, dự án của các cơ quan đồng tổ chức, như Dự án Chương trình Bảo tồn Sử dụng Bền vững Đa dạng Sinh học và các Dịch vụ Hệ Sinh thái Rừng tại Việt Nam, Chương trình Liên minh Sinh kế Xanh (Green Livelihood Alliance – GLA), Dự án “Hỗ trợ tiến trình đàm phán và thực thi Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT tại Lào và Việt Nam” và Dự án “Tăng cường tiếng nói của các bên tham gia ngoài nhà nước để cải thiện quản trị rừng trong khu vực Mê Kông” (Voices for Mekong Forests – V4MF).


Tài liệu Hội thảo:

Chương trình Hội thảo

Tổng quan chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ Việt Nam 

Ông Nguyễn Tuấn Hưng, Vụ quản lý rừng đặc dụng & rừng phòng hộ

Rừng phòng hộ tại Việt Nam: Hiện trạng, thách thức và một số vấn đề chính sách

Bà Nguyễn Hải Vân, Trung tâm Con người và Thiên nhiên

Cơ chế chia sẻ lợi ích bền vững rừng phòng hộ: Kinh nghiệm từ Dự án Phục hồi và Quản lý Bền vững Rừng Phòng Hộ

Ông  Nguyễn Danh Đàn, Đại diện dự án JICA 2

Ứng dụng tiếp cận quản lý tổng hợp cảnh quan lưu vực trong quản lý rừng phòng hộ
Ông Trần Hữu Nghị, Tropenbos Việt Nam

Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Nguồn tài chính ổn định và bền vững cho quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ
Ông Lê Mạnh Thắng, PGĐ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La

Nâng cao vai trò của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng phòng hộ ở khu vực hành lang xanh giữa Kon Ka Kinh và Kon Chư Răng tại huyện KBang, Gia Lai
Ông Nguyễn Đức Tố Lưu, PanNature