Rùng mình cảnh tượng hàng trăm con cò, vạc giãy giụa, rên xiết trong đớn đau

Mỗi khi nhớ lại cảnh những chú cò, vạc bị khâu mắt làm con mồi thu hút đồng loại, những con khác giãy giụa, rên xiết trong đớn đau khi bị vặt lông sống, chuẩn bị lên giàn “hoả thiêu”, tôi lại rùng mình. Nhưng, đó là chuyện thường ngày ở nhiều xã thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Đủ kiểu tận diệt

Trong lần về huyện Diễn Châu công tác, tôi được anh Nam, người quen ở xã Diễn Lộc chở đi tham quan xã Diễn Lộc và Diễn Thịnh, hai trong số những xã nông thôn mới của huyện, bởi theo lời anh nói, thì “quê anh giờ lên nông thôn mới rồi, đẹp lắm”.

Khi xe chạy ra con đường xuyên giữa cách đồng nối 2 xã, thấy đàn cò trắng muốt, đậu trắng một vùng, cách đó vài trăm mét, tôi thốt lên: “Đàn cò đẹp quá”. Nghe vậy, anh dừng xe, cười lớn: “Không phải cò thật đâu, cò mồi đấy”. Tôi tiến vào, nhìn kỹ mới nhận ra chúng đều được làm bằng mút xốp. Không chỉ có cò, vạc giả, quanh cánh đồng tôi đứng còn có những tấm lưới mỏng, nhìn kỹ mới thấy, những con chim sà xuống, vướng vào lưới này, không có cách gì thoát được.

Các loại bẫy: keo, lưới, cò mồi

Chỉ những hàng que tre cắm chi chít trên bờ, dưới ruộng, anh Nam nói: “Chú nhìn thấy trên đầu mỗi que có keo không? Chim đậu xuống đây, dính keo rồi, nếu cò thoát được cũng khó sống, vì keo vẫn còn dính dưới chân, đậu ở đâu cũng dính”.

Sau khi ngẩn ngơ trước đàn cò mồi, anh Nam dẫn tôi vào một căn nhà nhỏ, nằm chơ vơ giữa cánh đồng. Sau khi gọi nhiều lần không có người hồi đáp, anh nói: “Chắc nó nhậu say, ngủ rồi. Chủ nhà này là dân bẫy cò chuyên nghiệp, cũng là người thu mua, cung cấp các loại chim cò cho các nhà hàng”.

Sau đó vài phút, tôi thực sự sốc khi theo anh Nam ra phía đầu nhà, nơi chứa những lồng cò, vạc vừa bẫy được. Ở đây, trong chiếc lồng lưới sắt, đã có khoảng 2 chục con vạc loại lớn, màu nâu bị bắt. Con nào con nấy đều bị “khoá” chiếc mỏ dài bằng chính chiếc lông cánh của chúng xuyên qua lỗ mũi. Anh Nam giải thích, để chúng không mổ nhau hoặc không mổ người khi bắt chúng. “Từng có người bị nó mổ trúng mắt rồi. Còn mổ rách thịt, chảy máu thì nhiều”, anh Nam nói.

Bên ngoài lồng, có gần chục con cò, vạc, tuy không bị nhốt nhưng bị cột chặt chân, đang đậu vắt vẻo trên những cây cọc tre. Tiến lại gần một con vạc khá to, con chim vẫn đậu yên, chẳng tỏ vẻ gì là sợ hãi, tôi thắc mắc: “Chim giả mà sao nhìn giống thật thế?”. Anh Nam tiếp tục cười lớn: “Chú lại nhầm. Đó là chim thật nhưng nó bị mù rồi, có thấy gì đâu mà sợ? Nhìn kỹ mắt nó đi”. Lúc này tôi mới thấy, đôi mắt tròn, nhỏ của con chim tội nghiệp đã bị khâu dính 2 mí. “Sao phải khâu mắt nó lại?”, tôi hỏi. Anh giải thích: “Đây là những con chim mồi, phải khâu mắt nó lại để nó không nhìn thấy, phòng nó mổ mỗi khi gần”.

Những con cò, vạc bị khâu mắt làm mồi

Những con chim mồi này không bị nhốt trong lồng và có thể sống thêm ít ngày nữa nhưng thân phận chúng còn bi đát hơn. Bởi cạnh chúng, có vài con đã chết khô trên đầu cây cọc tre. “Những con chim mồi này bị cột chặt chân vào bằng một đoạn dây khoảng 1 mét, khi cắm ra ngoài đồng cùng đám cò giả, có một sợi dây dài vào đến chỗ núp, lâu lâu lại giật vài cái, cho chim mồi bay lên, đập cánh. Những con chim còn đang bay trên trời nhìn thấy, sẽ đáp xuống. Thế là dính bẫy”, anh Nam nói.

Số phận một con cò mồi: Chết trong đớn đau, đói khát

Và hành hạ đủ kiểu

Rời khu bẫy cò, anh Nam dẫn tôi vào một xóm nhỏ thuộc xã Diễn Thịnh, ở đây có vài nhà chuyên bẫy chim cò, thu gom và làm thịt bán. Và, tôi lại thêm một lần sốc khi chứng kiến cảnh “hành hạ” những con chim nhỏ tội nghiệp.

Khi xe đang chạy trên con đường thôn trải bê tông rất đẹp, tôi bất ngờ nghe những tiếng kêu thảm thiết, nghe mãi mà chẳng nhận ra tiếng con gì. Rồi lát sau, khi một cơn gió lúa đến, cuốn theo vô số lông cò, vạc, bay tứ tung. Ngay sau đó, tôi nhìn thấy một người đàn ông, đầu đội chiếc mũ cối sùm sụp, đang ngồi ven đường hí húi vặt lông mấy con vạc, những con tôi vừa nhìn thấy chúng bị nhốt trong lồng. Và, con chim bị vặt lông khi còn đang khoẻ mạnh. Có lẽ, nó đau đớn lắm nên liên tục phát ra tiếng kêu thảm thiết. Để con vạc bớt quậy phá, lâu lâu người đàn ông lại dùng bàn chân đeo dép đè mạnh lên chiếc mỏ dài nhưng tiếng kêu của nó vẫn không dứt, càng thảm thiết hơn.


Mỗi ngày, có hàng trăm con cò, vạc bị vặt lông

“Ở đây săn bắt chim không bị cấm hay sao?”, tôi hỏi. Vẫn cắm cúi vặt lông con chim, người đàn ông đáp: “Cấm thì sao dám làm vậy. Chỉ cấm dùng súng săn bắn thôi. Còn các loại bẫy thì thoải mái. Tôi nghe nói bên Hà Tĩnh cấm săn bắt chim cò lâu rồi nhưng ở đây không bị cấm”.

Rời chỗ người đàn ông đang hành hạ con vạc, tôi theo chân anh Nam vào một xóm nhỏ, ở đây cảnh tượng khủng khiếp hơn. Bởi, có đến hàng trăm con chim, cò, vạc… các loại. Chúng bị vặt lông nằm ngổn ngang. Một số đã bị “thiêu sống”, mổ bụng, một số khác mới bị vặt lông, còn đang rên rỉ. Tưởng tôi là khách mua chim về nhậu, một chàng trai 2 tay xách lên 2 chùm chim cò đã làm sạch, cười tươi hỏi: “Chú muốn mua loại nào? Cò 7 chục một cặp, vạc to hơn, thịt ngon hơn nên trăm rưởi cặp 1 cặp. Cháu bỏ mối nên rẻ, chứ nếu ra chợ thì chú phải thêm mỗi cặp 2 chục nữa”.

Cứ tưởng chuyện hành hạ chim trời chỉ đàn ông mới làm nhưng không phải. Ở 2 chợ Diễn Thịnh và Diễn Lộc, có cả chục sạp bán chim cò sống. Tại đây, những người phụ nữ cũng mải miết vặt lông cò, vạc sống. “Giá bao nhiêu một con chị?”, tôi hỏi.

Cảnh vặt lông chim vui như hội

Người phụ nữ nghe hỏi, ngẩng đầu lên nhìn tôi, thấy chiếc điện thoại trên tay tôi đang hướng về mình, chị vội cúi xuống, liến thoắng một hơi: “Trăm rưỡi một cặp vạc. Đây chú xem, vạc mới bẫy chiều nay, béo lắm chú ạ. Con này mà nhậu thì hết ý, thịt nhiều hơn và ngon hơn cò. Có 2 cặp chị mới nhổ lông, em lấy hết chị thui luôn cho? Em về chỉ cần mổ bụng, bỏ ruột, chặt ra là nấu. Nhớ không được rửa, nếu không thịt rất tanh, ăn không ngon”.

Tôi hỏi: “Sao không cho nó chết hãy làm thịt mà làm sống vậy?”, chị cười đáp: “Chắc chú chưa từng ăn cò, vạc rồi. Con này phải làm sống thịt mới ngon”. Tôi nói tiếp: “Nhưng mà nhìn tội lắm, ai dám ăn?”. Nghe vậy, chị im lặng rồi nhìn tôi như người ở hành tinh khác đến.

Cách chị vài mét, một người phụ khác cũng đang bán khoảng chục con chim, cò các loại, sau khi có khách mua, người bán thả con cò vào đống than củi đang cháy âm ỉ ngay bên cạnh, con vật đáng thương giãy giụa chừng một phút rồi nằm yên. Người phụ nữ lấy chiếc quạt nan phất vài cái, than hồng lên, con chim sém dần.


Còn đây là những con cò sẽ bị “hoả thiêu”

Mang chuyện tận diệt chim trời ở Diễn Châu về kể cho anh Trần Vỹ, chuyên gia chuyên nghiên cứu về các loài chim di trú, thuộc Viện sinh học Nhiệt đới TP.HCM, anh cho biết: “Đây là cò ốc, cò trắng và có cả 2 loại vạc. Chúng không nằm trong Sách đỏ nhưng góp phần ổn định hệ sinh thái. Nếu khu vực nào ruộng lúa có nhiều cò đậu thì ở đó sẽ có nhiều sâu rầy. Việc tận diệt chim cò, làm thịt chúng bằng những hình thức có thể nói là man rợ, rất đáng lên án. Chưa kể đó là những hình ảnh rất đẹp của các vùng quê Việt Nam.

Nguồn: